Xử lý ngân hàng yếu kém - cơ hội dành cho ai?

Quỳnh Anh | 16:04 14/03/2023

Yêu cầu của Chính phủ về việc xử lý các ngân hàng yếu kém được đánh giá sẽ mang lại cơ hội gia tăng thị phần cho các tổ chức tín dụng lành mạnh.

Xử lý ngân hàng yếu kém - cơ hội dành cho ai?

Nội dung chính:

  • Xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước.
  • Hiện nay, cơ hội tăng trưởng dành cho những ngân hàng không bị tác động từ bất động sản và trái phiếu, đặc biệt là ngân hàng biết tận dụng công nghệ, đẩy mạnh mảng bán lẻ. 
  • Bất động sản - lĩnh vực tăng trưởng tín dụng lớn nhất đang khó khăn, hiện nay ngành sản xuất cũng gặp khó khiến tăng trưởng tín dụng ở mức thấp trong 2 tháng đầu năm nay. 

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu phát sinh mới; tăng cường công tác thanh tra, giám sát…

Ông Phan Lê Thành Long - CEO AFA Group nhận định hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đi vào giai đoạn ổn định nên việc xử lý ngân hàng yếu kém là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của NHNN trong giai đoạn này.

Đây là nền tảng cơ bản để kinh tế phục hồi và phát triển, giải quyết những vấn đề còn tồn đọng như trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. 

Cơ hội gia tăng thị phần của nhóm ngân hàng lành mạnh 

Ông Long cho rằng: “Những ngân hàng ít dính dáng đến bất động sản và trái phiếu sẽ ít chịu ảnh hưởng trong năm nay”. Đây là cơ hội và lợi thế để gia tăng thị phần, chiếm được tệp khách hàng cá nhân thông qua việc ứng dụng công nghệ tốt nhằm phát triển mảng bán lẻ. 

Ông Long nhận định đây là giai đoạn tốt để ngân hàng đẩy mạnh mảng bán lẻ và tăng tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Trước đây, các ngân hàng thương mại liên quan đến bất động sản và trái phiếu tập trung nhiều vào nhóm khách hàng cá nhân. Chính điều này đã đẩy nhóm nhà băng này gặp khó khăn ở thời điểm hiện tại. 

Do niềm tin từ dân chúng đã suy giảm mạnh sau khi liên tục được mời chào mua trái phiếu, phát sinh những gói bảo hiểm mua kèm khi vay đầu tư bất động sản, gửi tiết kiệm lại chuyển thành hợp đồng bảo hiểm, mua trái phiếu, thậm chí là chứng chỉ quỹ trái phiếu. 

Chính những ngân hàng chịu ảnh hưởng trong giai đoạn này cũng sẽ mất đi khoản phí môi giới bán bảo hiểm. Vì vậy, đây là cơ hội dành cho những ngân hàng không bị tác động từ bất động sản và trái phiếu, đặc biệt là ngân hàng biết tận dụng công nghệ. 

Nhóm khách hàng cá nhân vẫn là chiến lược phát triển của ngành ngân hàng trong 10 năm qua và thêm 10 năm nữa bởi các ngân hàng đang  chú trọng vào công nghệ và bán lẻ nhằm tối ưu CASA và biên lãi ròng (NIM). 

Ngoài ra, ông Long cho rằng lợi nhuận ngành ngân hàng trong báo cáo tài chính sẽ không có sự sụt giảm rõ rệt do phụ thuộc nhiều vào các mô hình tài chính áp dụng trong việc lập báo cáo. 

Những ngân hàng yếu kém tại Việt Nam bao gồm các ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt gặp khó khăn về thanh khoản dẫn đến nguy cơ đổ vỡ và “ngân hàng 0 đồng” là những ngân hàng bị âm vốn, không thể tái cơ cấu được và bị NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng

4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay gồm Đông Á Bank, CBBank, OceanBank và GPBank. Ngoài ra, từ giữa tháng 10/2022, NHNN đã đưa Ngân hàng SCB vào diện kiểm soát đặc biệt.

Nguồn lực đến từ khu vực dân cư

Theo ông Long, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một trong những vấn đề cốt lõi cần phải giải quyết trong hệ thống tài chính nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. “Muốn giải quyết được thì chúng ta phải ổn định hệ thống tài chính, đặc biệt là khối ngân hàng” - ông Long nói.

Một trong những nguồn lực lớn để ổn định hệ thống tài chính đến từ dân cư. Cụ thể, việc huy động nguồn vốn dân cư sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế, giải quyết vấn đề nợ xấu, hỗ trợ thị trường bất động sản lưu thông và thanh khoản thị trường trái phiếu. 

Do đó, khôi phục niềm tin từ dân chúng, xử lý nợ xấu ngân hàng và xử lý ngân hàng yếu kém là những hành động quan trọng của NHNN. Tuy nhiên, ông Long lưu ý: “Để xử lý dứt điểm, chúng ta cần nhiều thời gian, rất nhiều thời gian”

Ông Phan Lê Thành Long chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền. 

Trước đây, những ngân hàng thương mại cổ phần lâm vào tình trạng khó khăn, nợ xấu tăng cao trong giai đoạn 2011 - 2013 khiến sau đó NHNN phải lập ra Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Việc xử lý và phục hồi sức mạnh của những ngân hàng thương mại tư nhân mất đến 5 năm. 

Ông Long dự báo sau chỉ đạo của Chính phủ, nửa cuối năm sẽ có nhiều tiến triển trong việc xử lý ngân hàng yếu kém. 

Nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp 

Tính đến ngày 24/2, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế chỉ đạt 0,77% so với cuối năm 2022, thấp hơn hẳn mức tăng 2,52% cùng kỳ. 

Một số nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tín dụng thấp trong thời gian qua được CEO AFA Group chỉ ra, bao gồm: 

Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đang gặp khó khăn, kể cả những doanh nghiệp xuất khẩu, vốn FDI đã dừng sản xuất từ tháng 10 đến nay vì không có đơn hàng do nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế suy yếu. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP), chỉ số quản lý thu mua (PMI) đang ở mức thấp. “Bất động sản - lĩnh vực tăng trưởng tín dụng lớn nhất đã gặp khó, bây giờ ngành sản xuất cũng khó khăn thì tăng trưởng tín dụng thấp là bình thường” - ông Long nói. 

Thứ hai, giai đoạn Tết Nguyên đán năm nay rơi vào tháng 1. Tăng trưởng tín dụng các tháng đầu năm thường ở mức thấp.  

Nhận định của ông Phan Lê Thành Long được chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền: Xử lý các ngân hàng yếu kém, nhiệm vụ trọng tâm Ngân hàng nhà nước. Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Xử lý ngân hàng yếu kém - cơ hội dành cho ai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO