Xe điện tăng trưởng mạnh: Điện có đủ và sạch để đáp ứng?

Quảng Nguyên | 09:52 10/04/2025

Khi xe điện ngày càng phủ sóng mạnh mẽ trên đường phố Việt Nam, nhiều câu hỏi lớn được đặt ra: Liệu nguồn điện có đủ để cung cấp, và chúng có thực sự "xanh" như kỳ vọng?

Xe điện tăng trưởng mạnh: Điện có đủ và sạch để đáp ứng?

Xe điện - được Cơ quan Năng lượng Quốc tế nhận định là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang phát thải ròng bằng 0 trong lĩnh vực giao thông - đang được sử dụng ngày càng phổ biến tại Việt Nam, trong bối cảnh Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP26 sẽ đạt mức phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến, băn khoăn về những thách thức trong việc phát triển xe điện, hay mức độ hiệu quả của phương tiện di chuyển này trong quá trình chuyển đổi xanh.

Nếu vẫn sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch, xe điện có thực sự “xanh”, và làm sao để đáp ứng nhu cầu điện năng khi xe điện ngày càng phổ biến? Hạ tầng sạc sẽ phát triển thế nào để xe điện thực sự trở thành giải pháp giao thông tối ưu cho người Việt? Dữ liệu từ các báo cáo quốc tế và bài học từ những quốc gia đi đầu về xe điện có thể sẽ giải đáp phần nào những thắc mắc của công chúng về vấn đề này.

Làm thế nào để đáp ứng nhu cầu điện khi xe điện tăng trưởng mạnh? 

Phát biểu tại một tọa đàm được tổ chức mới đây về chủ đề chuyển đổi xanh, ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Quản lý phát thải Khí nhà kính (Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) lo ngại rằng, với tốc độ tăng trưởng xe điện 10-15% mỗi năm và hàng triệu xe dự kiến lưu hành vào năm 2035, nguồn điện hiện tại của Việt Nam – 30% từ hóa thạch và chỉ 20-21% từ tái tạo – sẽ không đủ đáp ứng. 

Hiện nay, để giải quyết nhu cầu điện nói chung và tránh thiếu điện cục bộ, mô hình phổ biến đang được sử dụng tại các nước phát triển là phối hợp giữa khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và năng lượng tái tạo. Nhiều quốc gia phát triển đã chọn cách phối hợp giữa LNG và năng lượng bền vững. Đức sử dụng LNG để duy trì nguồn điện ổn định trong giai đoạn chuyển đổi, đồng thời tăng dần điện gió và mặt trời cho nhu cầu dài hạn. Tại Anh, khí tự nhiên đóng góp 32% điện năng năm 2023, kết hợp với 14 GW từ gió ngoài khơi, đủ cung cấp cho hơn 500.000 xe điện – hướng tới mục tiêu cấm xe xăng vào 2035. Hàn Quốc, với 28% điện từ LNG và kế hoạch đạt 40 GW năng lượng sạch vào 2030, hiện hỗ trợ hơn 200.000 xe điện, đặt mục tiêu 1,13 triệu xe vào 2025.

Nhiều quốc gia phát triển đã chọn cách phối hợp giữa LNG và năng lượng bền vững để giải quyết nhu cầu điện.

Trong bối cảnh đó, tập đoàn mẹ của VinFast - hãng xe điện lớn nhất Việt Nam, là Vingroup, đã đề xuất bổ sung vào Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh các dự án điện năng lượng tái tạo và nhà máy nhiệt điện LNG. Về năng lượng tái tạo, Vingroup đề xuất thực hiện tổng công suất 47.500 MW giai đoạn 2025-2035, trong đó giai đoạn 2025-2030 là 20.500 MW với tổng mức đầu tư 20-25 tỷ USD, và giai đoạn 2031-2035 là 27.000 MW. Công ty dự kiến xây dựng 7 dự án điện mặt trời và điện gió tại Sơn La, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Trà Vinh/Sóc Trăng, và Khánh Hòa.

Với nhà máy nhiệt điện LNG, Vingroup đề xuất bổ sung dự án tại Hải Phòng, công suất 5.000 MW, thực hiện từ 2025-2030, mức đầu tư 5,5 tỷ USD, nhằm bù đắp công suất cho các dự án chậm tiến độ như Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định I (1.200 MW), Quảng Trị (1.320 MW), Vĩnh Tân III (1.980 MW), và Sông Hậu II (2.120 MW). 

Tổng cộng giai đoạn 2025-2030, Vingroup cam kết thực hiện 25.500 MW (tổng đầu tư 25-30 tỷ USD) điện tái tạo và LNG. Kế hoạch này đã cho thấy nỗ lực đảm bảo đủ điện và điện sạch cho xe điện của Vingroup. 

Hiện, Bộ Công Thương đang phối hợp Văn phòng Chính phủ hoàn thiện hồ sơ Điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII, với tổng công suất nguồn điện dự kiến 183.291-236.363 MW, tăng 27.747-80.819 MW so với Quy hoạch Điện VIII đã phê duyệt. IEA khẳng định: “Cách tiếp cận kết hợp LNG và tái tạo là khả thi cho các nước chuyển đổi từ than”. Nếu kết hợp nâng cấp lưới điện, Việt Nam không chỉ đủ điện mà còn tiến gần hơn tới mục tiêu Net Zero.

Xe điện có giảm phát thải nếu sử dụng điện từ nhiên liệu hóa thạch?

“Nếu dùng điện từ hóa thạch, chúng ta không thể đạt Net Zero,” ông Huy cũng bày tỏ băn khoăn về một câu hỏi khác thường được đặt ra cho xe điện. Đây có thực sự là phương thức di chuyển xanh nếu như lưới điện vẫn có tỷ trọng điện than cao? 

Nghiên cứu từ MIT đưa ra câu trả lời: ngay cả với lưới điện hỗn hợp chứa than, xe điện vẫn vượt trội nhờ hiệu suất năng lượng cao, chuyển đổi 80% điện thành công suất tại bánh xe, so với chỉ 20-30% ở xe xăng. 

Một chiếc xe điện cỡ trung bán năm 2023 chỉ thải ra nửa lượng khí nhà kính trong suốt vòng đời so với xe động cơ đốt trong

Báo cáo Triển vọng xe điện toàn cầu 2024 của IEA củng cố thêm luận điểm này: một chiếc xe điện cỡ trung bán năm 2023 chỉ thải ra nửa lượng khí nhà kính trong suốt vòng đời so với xe động cơ đốt trong, và mức giảm có thể lên tới 55-75% nếu lưới điện sạch hơn nhờ tăng năng lượng tái tạo.

Tại Việt Nam, với lưới điện phụ thuộc 33,2% từ than năm 2023 (theo EVN), xe điện vẫn mang lại lợi ích phát thải đáng kể. Nghiên cứu từ Ngân hàng Thế giới (22/11/2024) khẳng định EV tại Việt Nam có thể giảm 5,3 triệu tấn CO2 vào năm 2030, tương đương 8% mục tiêu giảm phát thải quốc gia, ngay cả khi lưới điện chưa hoàn toàn sạch.

Hạ tầng sạc: Làm sao để tối ưu?

Bên cạnh nguồn điện, hạ tầng sạc cũng được cho là một trong những yếu tố sống còn để xe điện trở thành phương tiện phổ biến tại Việt Nam. Nếu không có mạng lưới trạm sạc tiện lợi, dễ tiếp cận, người dân sẽ còn ngần ngại trong việc chuyển đổi sang phương tiện di chuyển xanh. Các quốc gia đi đầu về điện khí hóa giao thông, đã chứng minh rằng đầu tư đúng cách vào hạ tầng có thể thúc đẩy xe điện phát triển vượt bậc.

Trên thực tế, có rất nhiều chiến lược đã giúp các quốc gia thành công trong việc “phủ sóng” trạm sạc. Hà Lan dẫn đầu châu Âu với mật độ trạm sạc dày đặc – 1 trạm mỗi 2 km ở đô thị – nhờ chính sách ưu đãi thuế và trợ giá cho doanh nghiệp tư nhân. Na Uy, nơi hơn 80% xe mới là xe điện, tích hợp trạm sạc vào bãi đỗ xe, siêu thị, thậm chí dọc đường nông thôn, với sự hỗ trợ từ quỹ công và tư. Ấn Độ lại chọn hướng đi tiết kiệm: triển khai trạm sạc giá rẻ dùng năng lượng mặt trời tại Delhi và Mumbai, tận dụng nguồn tài nguyên dồi dào.

Tại Việt Nam, V-Green đã triển khai hơn 150.000 cổng sạc cho ô tô và xe máy điện, dự kiến sẽ còn đầu tư bổ sung 500.000 cổng trong vòng 3 năm tới, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có mật độ trạm sạc cao hàng đầu thế giới.

Việt Nam đã trở thành một trong những nước có mật độ trạm sạc cao hàng đầu thế giới

World Bank nhận định xe hai bánh – chiếm hơn 60% phương tiện tại Việt Nam – là động lực chính cho quá trình điện khí hóa giao thông, và khuyến nghị triển khai hạ tầng sạc công suất thấp (7-22 kW) tại các khu vực có mật độ giao thông cao để phục vụ xe máy điện. Đồng thời, tổ chức này đề xuất xây dựng các depot sạc tập trung cho xe buýt điện tại đô thị lớn, hỗ trợ mục tiêu 100% xe buýt điện vào năm 2030.

Để thúc đẩy việc phát triển hạ tầng trạm sạc, World Bank gợi ý thiết lập cơ chế chia sẻ rủi ro, như quỹ bảo lãnh tín dụng, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đồng thời tận dụng trạm xăng hiện có để lắp đặt điểm sạc, giảm chi phí triển khai. Ngoài ra, tích hợp năng lượng tái tạo vào trạm sạc – tận dụng tiềm năng mặt trời và gió của Việt Nam – cùng với trợ giá điện sạc và tài trợ quốc tế từ ADB hay Quỹ Khí hậu Xanh, là những giải pháp được đề xuất để tăng tính bền vững.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của xe điện tại Việt Nam là một tín hiệu tích cực, khẳng định cam kết trong việc hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Song, để biến tiềm năng thành hiện thực, Việt Nam cần hành động quyết liệt: đầu tư vào năng lượng sạch, tối ưu hóa hạ tầng sạc, và nâng cao nhận thức cộng đồng. Với những bước tiến như đề xuất của Vingroup, kỳ vọng trong tương lai Việt Nam có thể xây dựng một hệ sinh thái xanh toàn diện, thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.



(0) Bình luận
Xe điện tăng trưởng mạnh: Điện có đủ và sạch để đáp ứng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO