Xe điện hồi sinh một ‘thị trấn ma’: Dân số dự kiến tăng gấp 15 lần, cả Ford, Hyundai đều lăm le tới xây nhà máy

Vũ Anh | 15:39 31/08/2023

Cuộc cách mạng xe điện có sức ảnh hưởng vô cùng lớn.

Xe điện hồi sinh một ‘thị trấn ma’: Dân số dự kiến tăng gấp 15 lần, cả Ford, Hyundai đều lăm le tới xây nhà máy

Ngành công nghiệp ô tô Mỹ đang tăng tốc tiến về phía nam trong bối cảnh các công ty xe hơi hàng đầu lên kế hoạch đổ hàng tỷ USD vào các nhà máy mới ở Georgia, Kentucky và Tennessee. Sự thay đổi này đang tác động lớn đến các thị trấn nông thôn - nơi chuẩn bị đón làn sóng những công nhân và cư dân mới. 

Allan Sterbinsky, thị trưởng Stanton, Tenn cho biết thị trấn 400 dân này đang chuẩn bị đi vào hoạt động một khu phức hợp sản xuất ô tô khổng lồ do Ford Motor xây dựng. Cơ sở rộng 3.600 mẫu Anh dự kiến tuyển dụng khoảng 6.000 công nhân, tức gấp khoảng 15 lần dân số hiện tại của Stanton.

Để thích ứng với sự thay đổi mới mẻ này, thị trưởng Sterbinsky sẽ xây dựng hàng nghìn ngôi nhà mới, mở rộng hệ thống trường học địa phương và lên kế hoạch thành lập đội cảnh sát chuyên trách. Xe điện chính là động lực đổi mới tất cả. 

Theo Trung tâm Nghiên cứu Ô tô, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Ann Arbor, Michigan, các hãng xe hơi đã rót hơn 110 tỷ USD đầu tư liên quan đến xe điện tại Mỹ kể từ năm 2018. Khoảng một nửa trong số đó dành riêng cho các bang miền Nam, từ đó thu hút một lượng lớn công nhân đến sinh sống. John Mohr, giám đốc điều hành của Hiệp hội ô tô tại địa phương cho biết, làn sóng di cư này đã khiến dân số các thị trấn cải thiện đáng kể. 

Theo WSJ, miền Nam nước Mỹ đã nỗ lực trong nhiều thập kỷ để thu hút các nhà sản xuất ô tô; cải thiện hệ thống giao thông, lưới điện và diện tích đất trống để xây dựng nhiều siêu đô thị nhà máy mới. Chính quyền địa phương và các viện kỹ thuật cũng đã hợp tác đào tạo thế hệ công nhân sản xuất mới, đa ngành nghề, đa kỹ năng.

Forbes dành thời gian phát triển khu đất trị giá 61 triệu USD và kết nối mạng lưới điện. Các công ty ô tô như Tesla và Volvo cũng đã tăm tia khu vực này trong nhiều thập kỷ. 

Cuộc cách mạng xe điện đã thôi thúc các hãng xe không chỉ xây dựng nhà máy sản xuất ô tô mà còn tham vọng nội địa hóa chuỗi cung ứng. Một khu đất rộng 3.000 mẫu Anh rìa phía đông Georgia đã thu hút sự chú ý của Forbes. Điều kiện thoát nước lý tưởng; lại nằm gần đường sắt, bến cảng và sân bay.

3.jpeg
Cuộc cách mạng xe điện có sức ảnh hưởng vô cùng lớn.

Vào tháng 5 năm 2022, Hyundai Motor cũng lựa chọn khu vực này để xây nhà máy lắp ráp xe điện và sản xuất pin. Khu phức hợp, dự án phát triển kinh tế lớn nhất trong lịch sử tiểu bang, dự kiến sẽ bổ sung thêm khoảng 8.100 việc làm.

Chia sẻ về lý do đằng sau quyết định này, đại diện của Hyundai cho biết tại đây, hãng có thể bắt đầu sản xuất nhanh chóng, lại có lợi thế về mạng lưới các nhà cung cấp xung quanh. Phía Hyundai cũng nhấn mạnh nỗ lực của Georgia trong việc đào tạo lực lượng lao động địa phương phục vụ nhà máy. 

“Khi cơ sở sẵn sàng đi vào sản xuất hoàn chỉnh, lực lượng lao động đã được đào tạo đầy đủ để có thể bắt tay vào làm ngay”, Scott McMurray, lãnh đạo chương trình đào tạo Georgia Quick Start, cho biết. 

Thực tế, giá năng lượng tại nhiều bang miền Nam khá thấp, vậy nên thu hút một lượng lớn các nhà sản xuất xe điện. Chẳng hạn, Michigan có giá điện công nghiệp trung bình là 8,29 cent/kilowatt giờ, so với 6,41 cent ở Tennessee và 7,01 cent ở Georgia, theo dữ liệu tháng 6 năm 2023 từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ. 

Theo Giám đốc Ford Jim Farley, một trong những lý do khiến hãng đặt cơ sở sản xuất tại Tennessee là vì Cơ quan quản lý Tennessee là một trong những nhà cung cấp năng lượng sạch lớn nhất ở Mỹ. Chi phí năng lượng thấp đã thu hút Ford đến đây. 

Trong khi đó, khu vực Michigan, thành trì lâu đời của ngành công nghiệp ô tô, đã mất vị thế vì các bang miền Nam. Theo phân tích dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động, số lượng việc làm trong lĩnh vực ô tô tại khu vực Great Lakes, dù vẫn gần gấp đôi so với các bang miền Nam, song lại giảm 34% sau 2 thập kỷ. Sự sụt giảm một phần là do các công ty ô tô ở Detroit cắt giảm quy mô và đóng cửa nhà máy trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và 2009. Trong khi đó, nỗ lực đầu tư nhà máy theo kế hoạch tại các bang miền Nam, có thể bổ sung thêm ít nhất 40.000 công nhân cho ngành ô tô trong những năm tới.

Theo Quentin L. Messer, Giám đốc điều hành Tập đoàn Phát triển Kinh tế Michigan, khoản đầu tư của Ford vào Tennessee đã gây thêm áp lực cho Michigan trong việc cạnh tranh giành được hợp đồng đấu thầu.

2.jpeg

Cách nhà máy của Ford một quãng đường đi bộ ngắn, sàn nhà quán ăn SUGA's Diner phủ đầy vết giày bụi bặm của các công nhân xây dựng. Họ thường xuyên ghé qua đây trong giờ nghỉ trưa để ăn thịt nướng. 

“Những ngày đầu khi chúng tôi mới đến, đó là một thị trấn ma”, Lesa “Suga” Tard, chủ quán ăn cho biết. 

Hiện tại, mọi thứ đã khác. Thu nhập của bà chủ này đã tăng ít nhất gấp 3 trước đây. Tard cũng thường xuyên nhận được rất nhiều lời chào mua từ các đại lý bất động sản và nhà đầu tư - những người đang cố gắng tìm cách tận dụng đà tăng của giá đất. 

Tại trung tâm thành phố Brownsville, cách nhà máy Ford khoảng 15 phút lái xe, các quán cà phê và cửa sổ nhà hàng treo hàng loại các tấm biển chào. Hầu hết đều thừa nhận hoạt động kinh doanh đã tăng vọt trong năm qua.

Tuy nhiên, đối với một số người, dự án của Ford lại mang đến nhiều những rắc rối mới.

Gemnor Apex, nhà sản xuất hóa chất trong vùng, đã phải vật lộn tìm công nhân để đáp nhu cầu vận hành tối thiểu. Đa số đều chọn Ford vì lương cao hơn, lại nhiều cơ hội phát triển hơn. 

“Chúng ta đang mất dần người. Không có nhiều cơ hội”, Gem Bell, giám đốc logistics nói. 

Trong vài năm tới, Ford sẽ thuê công nhân để chế tạo xe tải điện thế hệ tiếp theo tại khu phức hợp nhà máy. Cùng với đối tác liên doanh SK On, hãng cũng sẽ bố trí nhân sự tại một nhà máy pin gần đó. Theo thông cáo từ BlueOval SK, những vị trí này dự kiến ​​sẽ được trả từ 21-29 USD/giờ.

Theo các giám đốc điều hành, việc tuyển dụng hàng nghìn công nhân đủ trình độ là vô cùng khó. Lisa Drake, người đứng đầu bộ phận công nghiệp hóa xe điện của công ty, cho biết đối với nhà máy Tennessee của Ford, một trong những rào cản lớn nhất là phải tiếp cận được nhân sự. 

“Chúng tôi phải đi tìm họ, nói chuyện với họ và đảm bảo rằng họ hiểu tầm quan trọng của cơ hội họ có”, Drake nó. 

Để phục vụ làn sóng công nhân mới và gia đình của họ, thị trưởng Sterbinsky đang lên kế hoạch cộng đồng quy mô lớn, từ nhà ở đến trường học. Khoảng 5.000 ngôi nhà cần được xây mới trong vòng một thập kỷ tới bởi khu vực này dự kiến sẽ có tới 10.000 cư dân. 

Theo: WSJ 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Xe điện hồi sinh một ‘thị trấn ma’: Dân số dự kiến tăng gấp 15 lần, cả Ford, Hyundai đều lăm le tới xây nhà máy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO