Theo kết quả mới nhất, Việt Nam được WIPO xếp hạng 48 trên tổng số 132 nền kinh tế về Chỉ số Đổi mới Toàn cầu. So với năm 2021, chỉ số của Việt Nam đã tụt 4 bậc. Dù vậy, đầu vào đổi mới sáng tạo (innovation inputs) của nước ta đã cải thiện hơn (xếp thứ 35) so với năm 2021 và 2020 (xếp thứ 59), trong khi đầu ra xuống hạng 41, thấp hơn năm 2021 và 2020.
Có 7 tiêu chí trụ cột trong bản xếp hạng của GII năm nay bao gồm (i) Nguồn nhân lực và nghiên cứu, (ii) Cơ sở hạ tầng, (iii) Đầu ra tri thức và công nghệ, (iv) Thể chế, (v) Mức độ hoàn thiện kinh doanh (business sophistication), (vi) Chỉ số sáng tạo toàn cầu, (vii) Mức độ hoàn thiện thị trường. Theo đó, Việt Nam đứng cao nhất ở Chỉ số mức độ hoàn thiện thị trường (thứ 43) và Chỉ số sáng tạo toàn cầu (48).
Đáng chú ý, Việt Nam chỉ đứng sau Ấn Độ trong số 36 nền kinh tế thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp, và nằm trong top 10 trong tổng số 17 nền kinh tế ở Đông Nam Á, Đông Á và Châu Đại Dương.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong đầu tư cơ sở hạ tầng và nhân lực. Trong 7 chỉ số trụ cột, Cơ sở hạ tầng (71) và Nguồn lực con người và Nghiên cứu (80) hai chỉ số bị xếp hạng thấp nhất. Các chỉ số Hiệu quả môi trường, Xuất khẩu dịch vụ văn hóa và sáng tạo hay xuất – nhập khẩu dịch vụ Công nghệ thông tin của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp.
Vị trí đứng đầu toàn thế giới tiếp tục thuộc về Thụy Sỹ, xếp sau lần lượt là Mỹ và Thụy Điển. Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc là ba nước đứng đầu về năng lực đổi mới của khu vực Đông Nam Á, Đông Á và Châu Đại Dương.
Nhóm chuyên gia GII cho rằng xu hướng đầu tư vào đổi mới sáng tạo vẫn được duy trì bất chấp tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021. Tuy nhiên, họ lo ngại rằng đã bắt đầu xuất hiện các chỉ dấu cho thấy sự bất ổn trong năm 2022 khi thế giới phải đối mặt với những thách thức khó lường.