Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 đã hoạt động ổn định, có sự tăng trưởng và ghi nhận những kết quả nổi bật. Tính đến cuối năm 2024, chỉ số VN-Index đã tăng 12,11% so với cuối năm trước, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 20%, tương đương 70% GDP năm 2023. Giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 20.000 tỷ đồng/phiên, tăng 18,6% so với bình quân năm trước.
Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, bà Phạm Thị Thùy Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, bước sang năm 2025 là một năm quan trọng trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển thị trường một cách ổn định, minh bạch và bền vững, khẳng định là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô quan trọng của Chính phủ, góp phần đưa Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ.
BTV Mùi Khánh Ly: Dù còn những khó khăn trong năm 2024 nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng ổn định và bền vững. Bà đánh giá thế nào về những kết quả nổi bật mà thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được trong năm qua?
Bà Phạm Thị Thùy Linh: Năm 2024, Việt Nam và cả thế giới đã có những yếu tố kinh tế vĩ mô khá khó lường. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan trong năm 2024, cụ thể giá trị vốn hóa trên thị trường cổ phiếu đã đạt trên 7 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 70,2% GDP ước tính của năm 2023.
Đối với giá trị niêm yết trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 22,6% GDP ước tính của năm 2023. Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ, mặc dù mới đưa vào vận hành hơn một năm nhưng đã đón nhận trên 1.000 mã trái phiếu doanh nghiệp của hơn 250 tổ chức đăng ký trên thị trường này.
Số lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản giao dịch trên thị trường chứng khoán tính đến thời điểm cuối năm 2024 tăng 27,5% so với năm 2023, tương đương khoảng 9,3% so với dân số.
Đặc biệt, trong tháng 11/2024, Quốc hội đã ban hành luật số 56 sửa đổi các luật, trong đó có Luật Chứng khoán, tập trung vào ba nhóm chính sách lớn đó là tăng cường tính công bằng, minh bạch trên thị trường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và tháo gỡ những điểm vướng mắc trong thực tiễn.
Chính vì vậy, tôi tin tưởng rằng đối với những sửa đổi tại Luật Chứng khoán sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển của thị trường trong giai đoạn tiếp theo.
Năm 2024, các hành vi vi phạm trên TTCK có xu hướng giảm cho thấy thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch hơn, UBCKNN đã và sẽ làm gì để tiếp tục phát huy kết quả trên?
Bà Phạm Thị Thùy Linh: Trong năm 2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai đồng bộ công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với thị trường chứng khoán, thực hiện các đoàn kiểm tra theo kế hoạch cũng như đột xuất để đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được liên tục.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành khoảng trên 600 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và thường xuyên phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, các cơ quan chức năng như cơ quan công an, thanh tra tài chính để làm rõ các vụ việc, xem xét xử lý vi phạm các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán.
Đồng thời, các tuyến giám sát từ các Sở giao dịch chứng khoán cũng rất kịp thời trong việc hỗ trợ công tác giám sát các giao dịch bất thường trong hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư trên thị trường. Kết quả cho thấy, các hành vi vi phạm của các nhà đầu tư đã và đang ngày càng giảm đi so với các năm trước.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và thường xuyên thông qua các công tác truyền thông, tuyên truyền và phổ biến pháp luật về chứng khoán và TTCK để làm sao các văn bản quy phạm pháp luật đến với đông đảo các nhà đầu tư, từ đó tạo ra một cộng đồng nhà đầu tư chuyên nghiệp, gắn bó với thị trường cũng như đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong tiến trình nâng hạng lên "thị trường mới nổi". Bà có thể chia sẻ về kết quả, thách thức và kế hoạch trong năm 2025 để đạt mục tiêu này không?
Bà Phạm Thị Thùy Linh: Mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là mục tiêu quan trọng của ngành chứng khoán trong những năm vừa qua, đặc biệt, trong năm 2024.
Đây không chỉ là mục tiêu thu hút nhà đầu tư nước ngoài mà còn là mục tiêu nâng cao vị thế của thị trường chứng khoán, cũng như nâng cao vị thế của thị trường tài chính Việt Nam.
Trong năm 2024, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 68, trong đó quy định về việc nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài không phải có đủ tiền trước khi giao dịch và quy định về việc yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh đối với các công ty niêm yết, công ty đại chúng để đảm bảo quyền lợi tiếp cận thông tin một cách công bằng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Song song với những sửa đổi về mặt pháp lý, UBCKNN cũng thường xuyên tổ chức các buổi làm việc, hội nghị xúc tiến đầu tư; đây không chỉ là cơ hội quảng bá tiềm năng của TTCK Việt Nam mà còn là cầu nối giúp cơ quan quản lý đối thoại trực tiếp với nhà đầu tư quốc tế.
Trong thời gian tới, để tiếp tục duy trì và phát triển sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa bao gồm việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao dịch, tăng cường tính minh bạch trong công bố thông tin, tăng cường hoạt động quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng, tiếp tục trao đổi, làm việc với các tổ chức xếp hạng và các tổ chức đầu tư lớn, các nhà đầu tư nước ngoài để có thể làm rõ, tháo gỡ các vướng mắc nếu có, để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Năm 2024, UBCKNN cũng đã tích cực triển khai các cuộc xúc tiến đầu tư nước ngoài, bà có thể cho biết những đánh giá và sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay không?
Bà Phạm Thị Thùy Linh: Trong năm vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức rất nhiều các buổi làm việc cũng như là xúc tiến đầu tư tại các thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Singapore…
Chúng tôi nhận thấy được sự quan tâm rất lớn từ phía các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Đặc biệt, về việc Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68, các nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức xếp hạng đã đánh giá đây là phương án có tính khả thi cao.
Trong thời gian kể từ khi thông tư có hiệu lực từ ngày 2/11/2024 đến nay, 100% các giao dịch không yêu cầu có đủ tiền trước khi mua cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài đều được thanh toán một cách suôn sẻ và theo đúng quy định pháp luật.
Trong thời gian tới, về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động quản trị doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động công bố thông tin đồng thời bằng tiếng Việt và tiếng Anh để các nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất.
Với những nỗ lực của cơ quan quản lý và sự chung sức của cộng đồng nhà đầu tư, thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới sẽ là điểm đến thu hút đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.
Bước sang năm 2025, bà có thể chia sẻ thêm về các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp điều hành thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025, hướng tới mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không?
Bà Phạm Thị Thùy Linh: Năm 2025 là một năm quan trọng trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 để đạt được các mục tiêu đề ra trong năm 2025 tại chiến lược này. Do đó, UBCKNN cũng sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển thị trường một cách ổn định, minh bạch và bền vững.
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn luật như nghị định, thông tư để đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả trong triển khai các quy định pháp lý cho thị trường.
Thứ hai, tăng cường công tác phát triển các sản phẩm mới, các mảng thị trường mới để đa dạng công cụ đầu tư cho các nhà đầu tư như các sản phẩm về chứng khoán phái sinh trên các tài sản cơ sở khác nhau, các bộ chỉ số mới, các sản phẩm tài chính xanh, tài chính bền vững.
Đồng thời, nghiên cứu phát triển các mảng thị trường mới như thị trường giao dịch tín chỉ carbon, thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Ngoài ra, cũng sẽ thúc đẩy việc IPO gắn với niêm yết để rút ngắn quy trình giúp các doanh nghiệp sau khi thực hiện chào bán lần đầu ra công chúng nhanh chóng hoàn tất thủ tục niêm yết trên các Sở giao dịch chứng khoán, đảm bảo quyền lợi về giao dịch của nhà đầu tư cũng như là giúp các doanh nghiệp có thể tham gia thị trường nhanh chóng nhất sau khi thực hiện chào bán lần đầu ra công chúng.
Thứ ba, tiếp tục tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để đảm bảo thị trường phát triển minh bạch, ổn định và đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, đảm bảo cộng đồng nhà đầu tư ngày càng chuyên nghiệp, bền vững. Theo đó, tập trung phát triển các nhà đầu tư tổ chức thông qua việc phát triển hơn nữa các định chế quỹ đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ không ngừng thúc đẩy hội nhập, hợp tác quốc tế nhằm tăng cường học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản lý thị trường. Và trong tháng 2/2025, với kế hoạch tổ chức thành công Hội nghị Tiểu ban Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APRC) của IOSCO sẽ là một điểm nhấn quan trọng giúp thu hút các nhà đầu tư đến với thị trường chứng khoán Việt Nam, nâng cao uy tín và vị thế của TTCK Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.