Ngày 4/8, CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet tổ chức Hội nghị Vietnam CEO Summit 2023 với chủ đề “Kinh tế dữ liệu: Cơ hội cho doanh nghiệp tạo đột phá trên toàn cầu”.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chỉ ra rằng trên hành trình chuyển đổi số, dữ liệu đã trở thành cấu phần quan trọng và là một loại tài sản mới của doanh nghiệp. Ẩn dưới khối dữ liệu khổng lồ là thông tin về hành vi khách hàng, các xu hướng mới nổi, và những dự báo về tương lai.
“Nếu như trước đây, giá trị của một doanh nghiệp chủ yếu là các tài sản vật lý, hữu hình, thì ngày nay giá trị của mỗi tổ chức doanh nghiệp chiếm phần lớn là các tài sản vô hình, là dữ liệu.
Dữ liệu đã trở thành vấn đề thực sự mang tính sống còn đối với tất cả các doanh nghiệp. Đây là nguồn tài nguyên kiểu mới. Càng dùng thì càng sinh ra, càng chia sẻ càng tạo ra giá trị và đã tạo thành huyết mạch quan trọng của kinh tế số”, Thứ trưởng phát biểu.
Ông cũng chỉ ra sự xuất hiện của các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI), ChatGPT và ngôn ngữ lớn đã mở ra cơ hội để doanh nghiệp có thể khai thác, đưa AI trở thành dịch vụ bình dân, phổ biến mà bất cứ doanh nghiệp vừa và nhỏ nào cũng có thể tiếp cận.
Câu chuyện của PNJ và BIDV
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc PNJ Lê Trí Thông cũng đánh giá chuyển đổi số là vấn đề sống còn với ngành bán lẻ. Ví dụ điển hình là vào giai đoạn Covid-19, rất nhiều công ty bán lẻ theo mô hình truyền thống đã không trụ nổi, trong khi những mô hình bán lẻ hiện đại có cả online và offline chống chịu tốt và khỏe hơn rất nhiều.
Lấy ví dụ về PNJ, ông Thông cho biết trong mùa Covid người dân không ra ngoài đường nhiều nên ngành trang sức bị ảnh hưởng nặng nề, thị trường giảm một nửa trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, PNJ vẫn tăng trưởng mỗi năm 10-11%.
“Để đạt được điều đó, chúng tôi phải nhìn thị trường bằng con mắt với độ phân giải cao, nhìn ra nơi nào còn dư địa để tiếp cận. Nếu như trước đây chúng tôi sử dụng kỹ thuật marketing “mass” (tiếp thị đại chúng), thì đến mùa Covid phải tiến hành làm digital marketing (tiếp thị số) với độ chính xác cao hơn, cũng như đầu tư thêm về công nghệ.
Tương tự như vậy là câu chuyện tối ưu hóa chi phí vận hành. Chúng tôi sở hữu mạng lưới gần 400 điểm bán với 7.000 nhân viên, rõ ràng chi phí vận hành rất lớn, đặc biệt là thời Covid. Chúng tôi sẽ không thể tối ưu được nếu không có dữ liệu. Nhờ dữ liệu mà chúng tôi nhìn sâu hơn được vào hiệu quả hoạt động.
So với năm 2018, năm ngoái doanh số của chúng tôi đã tăng gấp gần 3 lần. Lượng tồn kho so với năm 2019 giảm gần 40%. Như vậy, chi phí vận hành của chúng tôi đã giảm rất nhiều”, ông Thông trình bày.
Ông Đặng Hải Nhã – đại diện của BIDV tham gia hội nghị cho biết ngân hàng này thời gian qua cũng tập trung tối ưu, nắm bắt công nghệ để phục vụ hoạt động, trong bối cảnh yêu cầu của khách hàng ngày càng cao.
Định hướng đầu tiên ông nêu ra là tập trung vào trải nghiệm khách hàng, bởi sự hài lòng của khách hàng là tiền đề tiên quyết. Thứ hai là ứng dụng AI và học máy. Đây cũng là những yếu tố căn bản để cung cấp sản phẩm phục vụ khách hàng trong thời gian gần đây.
“Thứ 3, mọi quyết định trong hoạt động kinh doanh đều phải dựa trên dữ liệu. Tức là chúng ta phải xây dựng chân dung khách hàng một cách chi tiết để sản phẩm đưa ra phù hợp nhất”, ông Nhã cho hay.
Một số định hướng khác được đại diện BIDV đề cập bao gồm điện toán đám mây và xây dựng ngân hàng mở. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh rằng càng khai thác dữ liệu nhiều càng phải quan tâm đến bảo mật thông tin, bởi đây vừa là yêu cầu của pháp luật, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín của mỗi doanh nghiệp.
“Những năm qua, BIDV rất tập trung đầu tư vào các xu hướng công nghệ đó, đến nay đã đem lại những kết quả rất tích cực như nâng cao trải nghiệm khách hàng, tăng mức độ gắn bó, cá thể hóa các giao dịch, sản phẩm đến từng khách hàng cụ thể, từ đó gián tiếp nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng, tiết giảm chi phí marketing, gia tăng doanh thu, nâng cao sự cạnh tranh”, ông Nhã phát biểu.