Kết phiên giao dịch ngày 4/10, mã cổ phiếu HPG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG), giảm sâu xuống 4,56% đóng cửa giá cổ phiếu HPG dừng ở mức chỉ còn 18.850 đồng/CP, hiện là mức giá thấp nhất trong gần 2 năm qua. Sau 7 phiên, cổ phiếu này đã mất gần 16%, bên cạnh đó vốn hóa đã bốc hơi hơn 860 triệu USD xuống còn 4,6 tỷ USD.
Cổ phiếu HPG bị mất điểm sâu, từ chính lực bán ra của nhà đầu tư trong nước và mạnh nhất phải kể đến lực bán tháo mạnh của nhà đầu tư nước ngoài, khi khối ngoại liên tục bán tháo mã HPG với giá trị lớn. Chỉ riêng phiên giao dịch hôm nay HPG đã bị bán ra 9,2 triệu cổ phiếu, chiếm đến 179 tỷ đồng trên tổng số 500 tỷ đồng khối ngoại bán ra trên HoSE. Tổng giá trị từ phiên ngày 26/9 đến nay, HPG là cổ phiếu khối ngoại bán ròng mạnh nhất với tổng giá trị 340 tỷ đồng.
Dẫn đầu ngành thép, với tác động mạnh của giá cổ phiếu rớt giá, HPG càng làm cho bức tranh kinh doanh của ngành thép thêm ảm đạm, trong bối cảnh sản lượng và giá thép đều giảm mạnh trong quý 3/2022.
Tính từ đỉnh cuối năm 2021, giá cổ phiếu HPG liên tục giảm, tính tới nay mã cổ phiếu này đã giảm lên tới 46% so với đầu năm.
Giá cổ phiếu giảm mạnh, theo xu hướng giảm chung của thị trường chứng khoán, khiến cho khối tài sản quy từ cổ phiếu HPG của tỷ phú Trần Đình Long – Chủ tịch Hội đồng quản trị HPG, mất khoản 110 triệu USD tương ứng 2.600 tỷ đồng.
Theo tính toán của Forbes, khối tài sản của ông Trần Đình Long đã bốc hơi 1,6 tỷ USD, hồi đầu năm tài sản của ông Long còn ở mức 3,2 tỷ USD.
Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh trong bối cảnh chứng khoán thế giới lao dốc, lạm phát ở Mỹ quanh đỉnh 40 năm, trong khi đó lạm phát tại châu Âu tăng lên ngưỡng 10% trong tháng 9. Mặt khác, dòng tiền trong nước eo hẹp và lãi suất có xu hướng tăng cùng với áp lực giải chấp đã khiến cho tình hình thị trường ngày càng xấu đi.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2022 của HPG, ông Trần Đình Long đã cảnh báo về tình hình diễn biến ngày càng thê thảm của doanh nghiệp, khi ngành thép “đang không thuận lợi”, giá thép trong vài tháng đã rớt giá rất nhanh.