Dù lương cao hay thấp, "Làm sao để quản lý tài chính hiệu quả?" là thắc mắc chung của nhiều người. Cũng vì thế, trên MXH nhiều người không ngại chia sẻ về bảng chi tiêu của gia đình mình để mong muốn nhận được những lời khuyên vun vén tài chính khéo hơn hoặc tìm cách gia tăng thu nhập.
Đơn cử mới đây, một cô nàng sinh năm 1995 đã chia sẻ bảng kế hoạch chi tiêu của gia đình mình với tổng thu nhập 50 triệu đồng/tháng. Đáng nói, dù đăng bảng chi tiêu để xin lời khuyên nhưng cô nàng này lại được khen ngợi hết lời. Vì họ cũng cho rằng gia đình cô đã vén quá khéo so với mức thu nhập rồi.
Gia đình 4 người, kiếm 50 triệu đồng/tháng chi tiêu thế nào?
Cô nàng này lấy chồng được 8 năm và đã có 2 bé nhỏ. Hiện hai vợ chồng đã xây được nhà đất trong ngõ, một nửa chi phí do ông bà trả, một nửa do tiền mừng hỏi sau đám cưới. Hiện, ngoài căn nhà, họ còn có 3 cây vàng, 30 triệu đồng tiền tiết kiệm và 1 xe ô tô mới trả góp xong từ tháng 4.
Hàng tháng, họ có tổng thu nhập là 50 triệu đồng, từ 20 triệu đồng lương IT của chồng, 15 triệu đồng vợ nhận dạy kèm tiếng Anh ở nhà và 15 triệu đồng bán hàng online.
Dưới đây là cách chi tiêu khéo léo của gia đình:
- Tiền nhà (phí đóng điện, nước, wifi): 1 triệu đồng.
- Tiền học của 2 bé (1 bé lớp 2, 1 bé học mẫu giáo): 4 triệu đồng.
- Tiền sữa + ăn vặt của 2 bé: 1 triệu đồng.
- Tiền ăn của gia đình: 2 triệu đồng
Người vợ giải thích, sở dĩ tiền ăn ít vì buổi sáng và buổi tối, gia đình 4 người thường ăn đồ do bà nội mua. Bữa trưa, 2 con ăn ở trường, mẹ nhịn ăn trưa còn bố ăn miễn phí trên công ty. Cuối tuần, cả nhà ăn ở nhà ngoại. Do đó tiền ăn ở đây chỉ bao gồm một vài bữa họ tự nấu nướng khi ăn nhà ông bà, hoặc hôm nào phát sinh nhu cầu ăn thêm bên ngoài.
Hàng tháng vợ chồng cũng đưa cho bố mẹ 2 bên tiền thực phẩm, tuy nhiên khoản tiền này được gộp vào chi phí gửi ông bà ở dưới đây.
- Tiền biếu ông bà: 10 triệu đồng
Trong đó, tiền biếu ông bà nội là 6 triệu đồng (Ngày thường, ông bà đón đưa 2 cháu đi học, và gia đình cũng ăn nhiều hơn tại nhà ông bà), tiền biếu ông bà ngoại: 4 triệu đồng.
-Vợ chồng tiêu vặt: 6 triệu đồng (mỗi người cầm 3 triệu đồng tiêu vặt).
- Chi phí khác: 10,6 triệu đồng
Gồm tiền điện thoại (300 ngàn đồng), tiền bảo hiểm cho gia đình (3 triệu đồng), tiền di chuyển bằng ô tô (3 triệu đồng), tiền xăng cho xe máy (300 ngàn đồng), tiền đi du lịch (2 triệu đồng), tiền mua thuốc (1 triệu đồng); tiền ma chay hiếu hỉ (1 triệu đồng).
- Tiền tiết kiệm cho 2 bé: 2 triệu đồng.
- Tổng chi: 36,6 triệu đồng.
Dưới phần bình luận, nhiều người đã dành lời khen cho cách chi tiêu khéo léo của gia đình này. Họ cho rằng, ngoài việc tìm cách gia tăng thu nhập thì họ không cần thay đổi về mặt chi tiêu để tiết kiệm hơn.
- "Bảng chi phí này quá ổn, vừa có cho mình, cho con, cho bố mẹ, có tiết kiệm, có sức khoẻ. Nhiều nhà vén cái này vén cái kia nhưng không thấy khoản cho thế hệ trước và sau".
- "Nhìn bảng chi tiêu của bạn làm mình xấu hổ ghê. Gia đình mình kiếm cũng từng đó mà tháng nào cũng thấy âm tiền".
- "Bảng chi tiêu này của bạn quá ổn rồi. Giờ việc bạn cần làm chỉ là tìm cách gia tăng thu nhập thôi".
- "Này thì không vén thêm được gì nữa đâu bạn ơi. Sống tiết kiệm hơn là trở thành hà tiện đó".
- "Giỏi quá. Mong đến khi bằng tuổi bạn, mình vừa có thu nhập thế này mà cũng chi tiêu khéo đến vậy".
- "Anh chồng lấy được cô vợ biết vun vén như vậy là lãi to".
Học hỏi được gì từ cách quản lý chi tiêu của gia đình này?
Cách quản lý tài chính của gia đình trên đáng khen vì chúng vừa chi tiết, cụ thể, duy trì trong thời gian dài và phù hợp với mức sống của họ. Dưới đây là những bài học mà bạn có thể tham khảo:
1. Lương cao hay thấp đều nên học thêm về quản lý tài chính
Với gia đình trên, có thể thấy dù sớm mua được tài sản lớn, có thu nhập khá ổn và chi tiêu tiết kiệm, họ vẫn không ngại lên mạng để xin thêm kinh nghiệm quản lý tài chính. Đây cũng là bước đầu tiên để gia đình có thể chi tiêu đúng kế hoạch.
Thực tế, nhiều gia đình dù kiếm được thu nhập cao song cứ duy trì thói quen tiêu xài phung phí dẫn đến khoản tiền tiết kiệm gần như bằng 0. Kết quả là sau nhiều năm, nhà và xe thì chưa mua được mà số tiền tích lũy chẳng nhiều nhặn là bao.
2. Đa dạng thu nhập thì mới có tiền tiêu xài dư dả
Có thể thấy, khoản tiền dư dả hàng tháng khoảng 14-15 triệu đồng cũng tương đương với thu nhập từ công việc phụ của gia đình. Nếu không có nghề tay trái thì để duy trì mức sống ở trên, họ sẽ không còn một đồng tiết kiệm.
Đa dạng thu nhập là xu thế hiện nay, khi kinh tế khó khăn và nhiều người có thể đối diện với bão sa thải. Đa dạng thu nhập không chỉ giúp bạn có khoản tiền dự phòng mà còn có thể sống sót nếu chẳng may rơi vào tình huống không mong muốn như bị thất nghiệp, tai nạn,...