Trong bối cảnh thị trường có nhịp chỉnh mạnh, cổ phiếu VND của VNDIRECT bất ngờ ghi nhận diễn biến không mấy khả quan khi giảm mạnh, có thời điểm thậm chí giảm sàn còn 17.950 đồng/cp. Áp lực bán mạnh trong khi nhiều nhà đầu tư tỏ ra hào hứng “bắt đáy” khiến thanh khoản mã chứng khoán này được đẩy lên mức kỷ lục kể từ khi lên niêm yết trên sàn chứng khoán. Khối lượng khớp lệnh lên đến gần 106 triệu đơn vị, cao nhất toàn sàn phiên 6/7. Lượng cổ phiếu được giao dịch tương đương gần 9% công ty.
Đà giảm sau đó được thu hẹp đôi chút, VND vẫn đóng cửa giảm sâu 6,5% còn 18.050 đồng/cp. Dư mua giá sàn ghi nhận hơn 5 triệu đơn vị. Vốn hóa thị trường của VNDirect sau phiên giảm sâu này chỉ còn khoảng 22.000 tỷ đồng, không còn là doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô. So với nửa tháng trước, giá trị vốn hóa CTCK này đã mất hơn 2.000 tỷ đồng.
Thanh khoản đột biến của VNDirect gây bất ngờ cho không ít nhà đầu tư khi thị trường không ghi nhận nhiều thông tin mới liên quan với công ty chứng khoán này. Với gần 106 triệu đơn vị được sang tay, VND lọt danh sách những cổ phiếu có khối lượng giao dịch trong một phiên cao kỷ lục của sàn chứng khoán Việt Nam. Giá trị giao dịch xấp xỉ 2.000 tỷ cũng là con số rất cao, tương ứng 12% thanh khoản HoSE.
Hồi tháng 6, Chứng khoán VNDirect đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023, thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2.000 tỷ đồng, tăng 16%. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 17% so với thực hiện năm trước. Kết thúc quý 1/2023, VND ghi nhận doanh thu hoạt động 1.290 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Khấu trừ các chi phí, công ty chứng khoán này báo lãi sau thuế 140 tỷ đồng, thấp hơn 82% so với cùng kỳ, chỉ mới thực gần 9% kế hoạch lợi nhuận năm.
Đáng chú ý, năm 2023, VND đã thông qua 4 phương án chào bán và phát hành tăng vốn điều lệ “khủng”, gồm chào bán gần 244 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; phát hành hơn 24 triệu cổ phiếu ESOP; phát hành hơn 12 triệu cổ phiếu thưởng và chào bán gần 244 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Nếu thực hiện thành công các đợt chào bán và phát hành trên, vốn điều lệ của VNDIRECT sẽ tăng gấp rưỡi từ gần 12.200 tỷ lên hơn 18.000 tỷ đồng qua đó trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất sàn.
Chia sẻ tại đại hội, ông Nguyễn Vũ Long - Chủ tịch HĐQT VNDIRECT cho rằng cơ hội trên thị trường vốn còn nhiều, việc mở rộng vốn là điều kiện tiên quyết để giữ năng lực cạnh tranh của công ty trước áp lực trên thị trường, đặc biệt từ các CTCK có nguồn vốn lớn từ ngân hàng.
Cũng trong thời gian đại hội, khi cổ đông chất vấn về việc công ty nắm giữ lượng lớn trái phiếu Trung Nam, bà Phạm Minh Hương - Tổng Giám đốc VNDirect cho biết công ty luôn đánh giá rất kỹ các yếu tố về chính sách trước khi bảo lãnh phát hành. Tuy nhiên, Trung Nam cũng gặp phải khó khăn như hầu hết các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong thời điểm trước đó. Để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư cá nhân, sau khi vụ Vạn Thịnh Phát xảy ra, VNDirect đã mua lại lượng lớn trái phiếu, bao gồm lượng lớn trái phiếu Trung Nam.
“Nhiều nhà đầu tư đều có băn khoăn rằng cổ phiếu VNDIRECT (VND) gắn liền với câu chuyện của Trung Nam và điều này là đúng. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá Trung Nam chỉ gặp phải rủi ro thanh khoản tạm thời chứ không phải rủi ro mô hình kinh tế... Rủi ro duy nhất mà công ty không lường trước được là việc bán lại của nhà đầu tư, khiến công ty phải mua lại lượng lớn trái phiếu để bảo vệ nhà đầu tư và thị trường”, bà Hương chia sẻ với cổ đông.
Tại thời điểm cuối năm 2022, VNDirect đang đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng vào trái phiếu và tỷ trọng không nhỏ tới từ trái phiếu Trung Nam.