Thị trường chứng khoán từ đầu năm 2023 không thật sự bùng nổ với xu hướng giằng co chủ đạo. Tuy nhiên, hầu hết tổ chức lớn đầu tư đều đã “dễ thở” hơn nhiều so với khoảng thời gian khó khăn năm ngoái. Đa phần các quỹ do Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) quản lý cũng đều có hiệu suất đầu tư dương, duy chỉ có DCVFM VNDiamond ETF lỗ nhẹ.
Đây là điều khá bất ngờ khi ETF này từng là điểm sáng, có sức chống chịu tốt nhất trong số các quỹ đầu tư cổ phiếu của DCVFM trước những sóng gió của năm 2022. Phần lớn thời gian của năm ngoái, DCVFM VNDiamond ETF luôn đứng top đầu về hiệu suất trong danh sách các quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam.
Dù không còn giữ được phong độ trong những tháng cuối năm nhưng ETF này vẫn kết thúc năm 2022 với mức lỗ (20,68%) khả quan nhất trong nhóm các quỹ đầu tư cổ phiếu của DCVFM. Con số này chỉ kém mức hiệu suất của 2 quỹ đầu tư trái phiếu DCBF và DCIP. Tuy nhiên, sự xa sút tiếp tục kéo dài sang đầu năm nay đã khiến DCVFM VNDiamond ETF mất dần vị thế.
Hiệu suất thấp, DCVFM VNDiamond ETF cũng khó hút tiền thời gian gần đây. ETF này đang bị rút ròng tháng thứ 3 liên tiếp. Từ đầu năm, dòng vốn qua ETF này đã đảo chiều sang rút ròng hơn 200 tỷ đồng. Trước đó, trong giai đoạn 2021-22, DCVFM VNDiamond ETF đều năm trong top đầu các ETF hút tiền mạnh nhất thị trường với tổng giá trị lên đến cả chục nghìn tỷ đồng.
Nhà đầu tư Thái Lan “xả” hàng qua kênh chứng chỉ lưu ký (DR) là nguyên nhân chủ yếu khiến dòng vốn qua DCVFM VNDiamond ETF đảo chiều. Đây là lực lượng đông đảo, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhà đầu tư tham gia vào ETF này. Quy mô DR FUEVFVND hiện vào khoảng 5,4 tỷ Bath (~3.700 tỷ đồng), tương đương khoảng 20% NAV của DCVFM VNDiamond ETF.
Động thái này có phần bất ngờ bởi FUEVFVND luôn rất hấp dẫn nhà đầu tư Thái Lan kể từ khi DR dựa trên chứng chỉ quỹ này IPO vào tháng 3/2022. Từ sau khi đạt đỉnh vào giữa tháng 2, lượng chứng chỉ quỹ FUEVFVND trong tay người Thái liên tục giảm và hiện đã xuống dưới 165 triệu đơn vị, thấp nhất kể từ cuối tháng 11 năm ngoái.
Áp lực từ nhiều phía
Thời điểm hiện tại, DCVFM VNDiamond ETF là quỹ ETF nội có quy mô lớn nhất tại thị trường Việt Nam, với NAV tương ứng gần 18.000 tỷ đồng. Điều này khiến quỹ gần như chạm giới hạn do điều lệ quy định không đầu tư quá 10% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của một cổ phiếu (hiện đã mua ~ 10% cổ phần PNJ). Việc không thể tăng tỷ trọng vào một số cổ phiếu khi NAV vượt ngưỡng 18.000 tỷ đồng cũng là một rào cản khiến ETF này khó hút tiền.
Thêm nữa, DCVFM VNDiamond ETF hiện tham chiếu theo rổ chỉ số VNDiamond gồm toàn cổ phiếu hết room. Sự khác biệt về cấu phần danh mục so với hầu hết các ETF khác trên thị trường từng đem lại rất nhiều lợi thế trong giai đoạn trước nhưng nay lại trở thành áp lực khi các thành phần chủ chốt đánh mất phong độ.
Nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất (gần 40%) trong danh mục của quỹ gần như lặng sóng từ đầu năm trong bối cảnh thị trường chung giao dịch ảm đạm. Hoạt động của nhiều nhà băng gặp phải một số thách thức do tăng trưởng tín dụng thấp và áp lực từ nợ xấu cũng là một yếu tố khiến cổ phiếu ngân hàng chưa thể trở lại đường đua.
Bên cạnh đó, các "viên kim cương" đơn lẻ có tỷ trọng cao trong danh mục của quỹ cũng đang chịu những áp lực nhất định. Ngành bán lẻ phải đối mặt với nhiều thách từ đến từ suy thoái kinh tế toàn cầu, sức mua của người tiêu dùng suy yếu, đang gây sức ép lên MWG và PNJ. Cả 2 cổ phiếu này đều đang có xu hướng trôi dần về vùng đáy. REE với tỷ trọng thuỷ điện cao trong doanh thu cũng được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng bởi El Nino. Chỉ có FPT là cái tên hiếm hoi vẫn giữ phong độ tốt tuy nhiên khó có thể kỳ vọng một sự tăng trưởng đột phá.