Vissan muốn giảm kế hoạch kinh doanh

Lâm Tùng | 18:21 01/12/2023

Chỉ còn 1 tháng là kết thúc năm, HĐQT Vissan bất ngờ đề xuất hạ mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2023 xuống 16% và 24% so với kế hoạch đặt ra trước đó.

Vissan muốn giảm kế hoạch kinh doanh
Việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh sẽ liên quan trực tiếp đến tỷ lệ trích thưởng cho người lao động và ban lãnh đạo công ty.

Nội dung chính:

  • - Vissan muốn hạ mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế xuống còn 3.430 tỷ đồng và 138 tỷ đồng, lần lượt giảm 16% và 24% so với kế hoạch ban đầu.
  • - Việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của Vissan diễn ra khi năm 2023 sắp kết thúc, trong khi đó sản lượng bán hàng của công ty không đạt kỳ vọng. 
  • - Việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh sẽ liên quan trực tiếp đến tỷ lệ trích thưởng cho người lao động và ban lãnh đạo công ty. 

CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan, UpCOM:VSN) vừa thông báo ngày 13/12 này sẽ là ngày cuối cùng lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023. 

Theo phương án HĐQT công bố trước đó, Vissan sẽ giảm 16% kế hoạch doanh thu và 24% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, tương ứng mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm nay còn 3.430 tỷ đồng và 138 tỷ đồng. 

Việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của Vissan diễn ra khi năm 2023 sắp kết thúc, trong khi đó sản lượng bán hàng của công ty không đạt kỳ vọng. Sức mua của người tiêu dùng yếu đi khi nền kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm như Vissan. 

Lũy kế 9 tháng, Vissan đạt doanh thu 2.540 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đồng thời giảm 10%, còn 111 tỷ đồng.

Nếu kế hoạch kinh doanh mới được thông qua, trong quý IV, Vissan cần đạt 890 tỷ đồng doanh thu và 27 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế để hoàn thành kế hoạch đề ra. 

Việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh sẽ liên quan trực tiếp đến tỷ lệ trích thưởng cho người lao động và ban lãnh đạo công ty. 

Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên, khi công ty đạt hoặc vượt kế hoạch lợi nhuận, người quản lý chuyên trách sẽ được thưởng 1,5 tháng lương. Nếu không đạt kế hoạch, quỹ thưởng chỉ còn 1 tháng lương. Quỹ thưởng cho người lao động cũng sẽ cao hơn nếu công ty đạt hoặc vượt kế hoạch lợi  nhuận.  Vissan không phải là trường hợp cá biệt khi phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023. Tình trạng kinh doanh đi lùi khiến nhiều công ty phải điều chỉnh mục tiêu năm  sau 3 quý kinh doanh không như kỳ vọng.

Tổng công ty Hoá dầu Petrolimex - CTCP (HNX: PLC) vừa qua đã lấy ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh kế hoạch doanh thu năm nay còn gần 8.396 tỷ đồng, giảm gần 6% so với chỉ tiêu ban đầu. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 30% so với kế hoạch ban đầu, còn 112 tỷ đồng.

CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) cũng đã quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023 sau khi công bố bố báo cáo tài chính quý 3.

Cụ thể, Sao Ta điều chỉnh chỉ tiêu tổng doanh thu xuống còn 4.870 tỷ, giảm 25% so với mức kế hoạch cũ (5.900 tỷ đồng). Tương ứng, lợi nhuận trước thuế giảm 25% so với mục tiêu 400 tỷ ban đầu xuống 300 tỷ đồng. 

Ở nhóm dệt may, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, UpCOM: VGT) hạ mục tiêu doanh thu năm 2023 từ mức 17.500 tỷ đồng xuống 16.500 tỷ đồng, tương ứng giảm 6%. Công ty đồng thời điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận trước thuế từ mức 610 tỷ đồng kế hoạch cũ xuống còn 370 tỷ đồng, giảm 39%.


(0) Bình luận
Vissan muốn giảm kế hoạch kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO