Hàng tồn kho ở Mỹ chạm đáy
Cụ thể, vị kinh tế trưởng VinaCapital cho hay, Việt Nam đã phải hứng chịu lĩnh vực xuất khẩu suy giảm trong khoảng thời gian dài nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, với kim ngạch xuất khẩu ghi nhận giảm 10% so với cùng kỳ trong 7 tháng đầu năm 2023.
“Hiện đã có những dấu hiệu cụ thể cho thấy xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi trong Quý 4 nhờ chu kỳ tồn kho của Mỹ chạm đáy và sự dịch chuyển sản xuất của các công ty đa quốc gia từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng nhanh”, ông Michael Kokalari nhận định.
Theo đó, báo cáo đề cập, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Tuy nhiên, vào năm 2022, các nhà bán lẻ Hoa Kỳ đã mua quá nhiều sản phẩm Made in Vietnam/Made in Asia với kỳ vọng về một đợt mua sắm bùng nổ hậu COVID, cũng như đối phó với các vấn đề về chuỗi cung ứng.
Song, thực tế, thay vì mua nhiều sản phẩm hơn, người tiêu dùng Mỹ lại chi tiền cho các dịch vụ như du lịch và đi ăn ngoài. Vì lẽ đó, lượng hàng tồn kho của các công ty như Walmart, Target và Nike đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ vào cuối năm 2022.
Điều này dẫn đến việc các nhà bán lẻ Hoa Kỳ đã cắt giảm đơn đặt hàng tại các nhà máy ở Việt Nam trong năm nay do lượng hàng tồn kho quá lớn. Đây cũng là nguyên nhân cho việc xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong 7 tháng đầu năm 2023 giảm hơn 20% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo ông Michael Kokalari, các công ty Hoa Kỳ đã tích cực giảm bớt hàng tồn kho trong suốt năm 2023. Theo đó, số liệu của ISM và S&P Global PMI chỉ ra rằng, chỉ số hàng tồn kho của ISM đạt mức thấp nhất trong 9 năm vào tháng 6 và tăng nhẹ vào tháng 7.
“Điều này cho thấy lượng hàng tồn kho đã chạm đáy”, vị kinh tế trưởng VinaCapital đánh giá.
Tất cả những điều này đều có mối liên hệ chặt chẽ với số liệu xuất khẩu của Việt Nam. Áp lực phải giảm lượng hàng tồn kho của các công ty như Walmart và các công ty khác đã khiến xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm trong nửa đầu năm. Thế nhưng, việc giảm tồn kho hiện sắp kết thúc và xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong tháng 7 đã tăng gần 7% so với tháng trước.
Bên cạnh sự phục hồi trong xuất khẩu sang Mỹ, Việt Nam còn được hưởng lợi từ việc các công ty chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc đại lục sang Việt Nam. Theo đó, dòng vốn FDI vào Trung Quốc đạt mức thấp kỷ lục trong Quý 2.
“Tất cả các nhà xuất khẩu châu Á sẽ được hưởng lợi ở một mức độ nào đó từ sự phục hồi xuất khẩu, nhưng Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á cũng được hưởng lợi đáng kể từ việc các công ty chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và thành lập các nhà máy sản mới tại quốc gia này”, ông Michael Kokalari đánh giá.
Phục hồi xuất khẩu được thúc đẩy bởi mặt hàng điện tử tiêu dùng, theo sau điện thoại thông minh và hàng may mặc
Chuyên gia của VinaCapital tin rằng, sự cải thiện trong xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng tốc dựa trên một số yếu tố. Thứ nhất, tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam đã bắt kịp tốc độ tăng trưởng xuất khẩu liên tục trong tháng 7, sau khi tụt lại đáng kể trong phần lớn năm 2023. Bên cạnh đó, sự sụt giảm liên tục về đơn đặt hàng xuất khẩu tại nhà máy của Việt Nam đã có dấu hiệu giảm bớt trong tháng 7. Cuối cùng, tồn kho nguyên liệu thô của các công ty đã tăng trong tháng 7, đây là lần tăng đầu tiên kể từ cuối năm 2022.
Cụ thể, hiện nay, các công ty FDI, vốn chiếm phần lớn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ở Việt Nam, dường như đã sẵn sàng tăng cường sản xuất trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Dẫn chứng rõ nhất nằm ở việc lượng tồn kho nguyên liệu thô đầu vào của các công ty đã tăng lần đầu tiên kể từ cuối năm 2022, và xuất nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 7 đều tăng 2% so với tháng trước.
“Chúng tôi tin rằng các công ty đang tăng cường nhập khẩu/mua nguyên liệu thô với dự đoán số lượng đơn đặt hàng nhà máy sẽ tăng trở lại vào cuối năm nay”, báo cáo cho hay.
Theo báo cáo của VinaCapital, hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ là các sản phẩm công nghệ cao (như điện tử tiêu dùng, điện thoại thông minh), hàng may mặc và giày dép, phần còn lại là các sản phẩm khác như đồ nội thất và nông sản.
Đầu năm nay, doanh số bán máy tính xách tay toàn cầu đã giảm hơn 30% so với cùng kỳ (xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam giảm hơn 10% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm), nhưng sự sụt giảm về doanh số bán máy tính và điện tử tiêu dùng hiện đã chấm dứt. Theo đó, xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam trong tháng 7 đã tăng 28% so với cùng kỳ.
Đối với mặt hàng điện thoại thông minh, báo cáo của VinaCapital đánh giá, Việt Nam là nước xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới nên việc ra mắt sản phẩm mới có thể tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu và sản xuất (riêng Samsung chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước).
Cụ thể, Samsung gần đây đã thông báo rằng mặc dù doanh số bán điện thoại thông minh trong quý 2 giảm 12% so với cùng kỳ (cùng mức với doanh số điện thoại thông minh giảm trên toàn cầu trong năm nay), công ty kỳ vọng sự phục hồi trong nửa cuối năm nhờ sự ra mắt của các mẫu điện thoại mới. Bên cạnh đó, Apple và Google cũng đã lên kế hoạch ra mắt các dự án lớn, với phần lớn linh kiện được sử dụng để tạo ra sản phẩm mới được sản xuất tại Việt Nam bởi Foxxconn, Luxshare, Goertek và các nhà cung cấp khác.
Cuối cùng, theo VinaCapital, hàng may mặc và giày dép chiếm gần 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và xuất khẩu những sản phẩm này sang Mỹ khó có thể phục hồi cho đến năm 2024. Lý do bởi tốc độ giảm hàng tồn kho của mặt hàng này ở thị trường Hoa Kỳ chậm hơn nhiều so với các sản phẩm điện tử tiêu dùng. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng may mặc sang Hàn Quốc và Nhật Bản trong tháng 7 đã tăng khoảng 30% so với tháng trước do nhu cầu về quần áo phục hồi ở cả hai nước.
Từ những nhận định trên, kinh tế trưởng VinaCapital dự đoán, sự phục hồi của lĩnh vực xuất khẩu có thể sẽ giúp nâng mức tăng trưởng GDP của Việt Nam từ dưới 5% vào năm 2023 lên 6,5% vào năm 2024, từ đó, hỗ trợ VNI trong những tháng tới sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết của VN-Index (VNI) từ 6% vào năm 2023 lên hơn 20% vào năm 2024.