Theo thống kê, trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam liên tục thiết lập đỉnh giá trong tháng 6 vừa qua. Kết phiên 25/6, giá cổ phiếu ACV là 126.100 đồng/cổ phiếu, giảm 1,48% so với phiên giao dịch trước, khối lượng cổ phiếu khớp lệnh hơn 330 nghìn đơn vị. Đây là phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp, “bốc hơi” gần 8% thị giá của mã cổ phiếu này.
Tương tự, giá cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines “bay cao” trong 2 tháng trở lại đây, khi liên tục thiết lập đỉnh giá mới.
Kết phiên 25/6, giá cổ phiếu HVN là 34.000 đồng/cổ phiếu, tăng 3,98% so với phiên trước đó, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh là gần 7,7 triệu đơn vị. Trước đó, sau khi thiết lập đỉnh giá ở mức 35.450 đồng/cổ phiếu ở phiên 20/6, cổ phiếu HVN đã có 2 phiên giảm điểm liền sau đó, “bốc hơi” gần 9% thị giá.
Ở chiều ngược lại, giá cổ phiếu VJC của VietJet “đi lùi” so với thời điểm đầu năm. So với 2 mã cổ phiếu cùng ngành hàng không kể trên, kể từ đầu năm tới nay, giá cổ phiếu VJC ít có thay đổi nhất. Giá cổ phiếu của hãng hàng không giá rẻ này lập đỉnh vào giữa tháng 5 ở mức giá 118.800 đồng/cổ phiếu (phiên 13/5), rồi “đi lùi” suốt hơn 1 tháng qua.
Kết phiên 25/6, giá cổ phiếu VJC là 101.600 đồng/cổ phiếu, đứng giá so với phiên giao dịch trước, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh là gần 800 nghìn đơn vị.
Như vậy, sau nhịp điều chỉnh mạnh về giá ở giai đoạn cuối tháng 5 và đầu tháng 6, giá cổ phiếu của hãng hàng không giá rẻ VietJet đã đánh mất hết mọi lỗ lực tăng giá có được ở thời điểm giữa tháng 5 và chính thức rơi xuống mức giá thấp hơn so với thời điểm hồi đầu năm mới.
Báo cáo mới nhất của VinaCapital cho biết, du lịch nội địa chiếm thêm khoảng 4% GDP Việt Nam nhưng đã phục hồi hoàn toàn vào năm ngoái. Do đó chi tiêu của khách du lịch trong nước dù có tăng thêm cũng sẽ không đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay. Như vậy, du lịch quốc tế và nội địa chiếm khoảng 12% GDP của Việt Nam trước đại dịch Covid-19.
Theo đó, VinaCapital kỳ vọng lượng khách du lịch quốc tế tiếp tục phục hồi và sẽ đóng góp thêm hơn 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Theo ông Michael Kokalari, CFA, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng 65% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2024 và hiện cao hơn một chút so với mức trước dịch Covid-19, mặc dù thực tế lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam - và các nước khác ở châu Á - vẫn thấp hơn đáng kể so với mức năm 2019.
Du lịch quốc tế chiếm khoảng 8% GDP của Việt Nam, trước dịch Covid-19 (so với 12% ở Thái Lan), do đó ngành du lịch Việt Nam tiếp tục phục hồi trong năm 2024.
Chuyên gia VinaCapital cũng đánh giá sự phục hồi của lượng khách du lịch quốc tế khi Việt Nam mở cửa trở lại sau dịch được thúc đẩy bởi lượng du khách từ Hàn Quốc và Mỹ, tiếp đó là Trung Quốc sau khi nước này từ bỏ chính sách “Zero Covid-19” vào năm 2023.
“Việt Nam cũng nới lỏng các yêu cầu về thị thực du lịch vào năm ngoái, giúp tăng doanh thu của các công ty liên quan đến du lịch trong năm nay. Doanh thu của các công ty dịch vụ lữ hành trong nước tăng gần 50% so với cùng kỳ trong tháng 5 đầu năm 2024 và giá cổ phiếu của Vietnam Airlines (HVN) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - nhà điều hành sân bay hàng đầu cả nước, lần lượt tăng gần 200% và hơn 100% so với đầu năm.
Trong khi đó, giá cổ phiếu của hãng hàng không giá rẻ VietJet (VJC) không thay đổi nhiều trong năm nay, một phần do giá cổ phiếu của hãng này tăng trước thời điểm Việt Nam mở cửa trở lại sau dịch Covid-19”, báo cáo của VinaCapital nêu.