Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết số 172, số 187 và số 188 liên quan phát triển đường sắt gồm: Nghị quyết chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TPHCM.
Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã rất tích cực xem xét các đề nghị của Chính phủ liên quan phát triển ngành đường sắt, bao gồm: Nâng cấp, các tuyến đường sắt đã có; nối lại các tuyến đường sắt đã có trước đây đang gián đoạn; triển khai các dự án đường sắt lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và các tuyến đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TPHCM.
Sau cuộc họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm vào tháng 3/2024 Thủ tướng Chính phủ đã giao 24 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương tập trung vào tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án. Đến nay, trong 19 nhiệm vụ theo tiến độ, có 12 nhiệm vụ chưa đến hạn, đã hoàn thành 6 nhiệm vụ, còn 1 nhiệm vụ chậm; cùng với 5 nhiệm vụ thường xuyên.
Cụ thể, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 172 của Quốc hội và được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 106 ngày 23/4/2025; đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 187 của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP trong đó bổ sung quy định việc tạm sử dụng rừng và hoàn trả rừng để thực hiện thi công công trình tạm phục vụ dự án.
Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Nghị định quy định phát triển khoa học, công nghệ đường sắt và quy định chi tiết về việc nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ.
Bộ Tài chính đã hoàn thiện thủ tục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất dự án Tuyến số 3, đoạn ga Hà Nội - Yên Sở (Hoàng Mai) theo đề nghị của UBND TP. Hà Nội; đã có ý kiến về việc dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với dự án đường sắt đô thị TPHCM, Tuyến số 2 đoạn Bến Thành - Tham Lương và điều chỉnh nguồn vốn cho dự án.
Bộ Tài chính đang chỉ đạo, tổ chức lập, hoàn thiện Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt. Bộ cũng đang thực hiện nhiệm vụ trình Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước trong tháng 4/2025 để tiến hành thẩm định cùng với quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rà soát quy hoạch các đại học, cao đẳng bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu đào tạo trong nước phục vụ đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành và phát triển công nghiệp đường sắt.
Tổng công ty Đường sắt đang lập hồ sơ dự án Tổ hợp công nghiệp đường sắt; có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề xuất cơ chế đặc thù, đặc biệt đẩy nhanh tiến độ dự án; UBND TP. Hà Nội nghiên cứu xem xét quyết định theo thẩm quyền hướng dẫn, hoàn thiện các thủ tục giao đất cho Tổng công ty để xây dựng tổ hợp này.
Giữ nguyên thời gian khởi công hai 'siêu dự án' đường sắt
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, các tuyến đường sắt tại Hà Nội và TPHCM.
"Mục tiêu không thay đổi là phải khởi công dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2026", Thủ tướng nhấn mạnh.
Với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, tại Nghị quyết số 106/NQ-CP, Chính phủ đã chấp thuận kế hoạch tổng thể triển khai, bảo đảm khởi công chậm nhất trong tháng 12 năm 2026, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương căn cứ các mốc tiến độ tổng thể và nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương.
Với dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các cơ quan tiếp tục trao đổi, làm việc, thúc đẩy phía Trung Quốc để sớm hoàn thành công tác đàm phán hiệp định vay, đáp ứng tiến độ triển khai Dự án.
Với các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phân cấp, yêu cầu các địa phương vận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù đã có trong tổ chức thực hiện, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn thêm nếu có vướng mắc.
Thủ tướng chỉ đạo UBND TP. Hà Nội và TPHCM khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết, tiến độ công việc triển khai các cơ chế chính sách của Nghị quyết số 188/2025/QH15 áp dụng cho hai Thành phố và ban hành kế hoạch riêng của mỗi thành phố thuộc thẩm quyền của địa phương.
Về nguồn vốn, Thủ tướng chỉ đạo huy động đa dạng các nguồn vốn, gồm vốn tự có của Trung ương, địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu của Chính phủ và doanh nghiệp, hợp tác công tư…
Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện Nghị quyết thống nhất các cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt, trình Chính phủ trong tháng 4 và trình Quốc hội trước ngày 5/5.
Với 4 nghị định của Chính phủ, Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Nghị định về thiết kế tổng thể kỹ thuật và các cơ chế đặc thù, đặc biệt; Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Nghị định về tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa; Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng Nghị định về phát triển khoa học công nghệ đường sắt; Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì xây dựng Nghị định về tạm sử dụng, hoàn trả rừng. Các nghị định hoàn thành trong tháng 5/2025.
Về phát triển công nghiệp đường sắt, phục vụ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thủ tướng nêu rõ, phải chuyển giao và làm chủ công nghệ hiện đại; quản trị khoa học, thông minh; đào tạo nhân lực chất lượng cao. Bộ Xây dựng và Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề án, kế hoạch đào tạo ngắn hạn, trung hạn, dài hạn ở các trình độ công nhân kỹ thuật, kỹ sư, tiến sĩ.
Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục dịch vụ hàng hóa công nghiệp đường sắt, hoàn thành chậm nhất trong nửa đầu tháng 6/2025.
Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Đề án về phát triển công nghiệp đường sắt; Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng Đề án về phát triển nguồn nhân lực. Thời gian hoàn thành của 2 đề án trong quý 2 năm 2025.
Cùng với đó, phải huy động các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân có năng lực công nghệ và sản xuất tham gia các dự án và phát triển công nghiệp đường sắt. Trong đó, Bộ Xây dựng giao các tập đoàn như VNPT, Viettel nghiên cứu tiếp nhận, phát triển, làm chủ công nghệ hệ thống thông tin, tín hiệu và hệ thống điều khiển của các dự án đường sắt.
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có tổng chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km, các tuyến nhánh khoảng 27,9 km; điểm đầu tại vị trí nối ray biên giới Việt - Trung, kết thúc tại khu bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), đi qua 9 tỉnh/thành phố; giai đoạn I đầu tư đường đơn, thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô đường đôi với tổng mức đầu tư 8,369 tỷ USD.
Về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh;
Về quy mô, đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 05 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Hình thức đầu tư công, áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa; bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả.