Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn nhóm 6 quốc gia giàu nhất ASEAN

Dy Khoa | 10:21 20/12/2024

Tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam có nhiều cơ hội.

Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn nhóm 6 quốc gia giàu nhất ASEAN

Theo báo cáo mới nhất của Oxford Economics, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo cao hơn so với mức tăng chung của nhóm 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN (ASEAN-6) trong những năm tới.

Hãng này chỉ ra nhiều động lực tăng trưởng của Việt Nam, trong đó nhắc đến tiềm năng rộng mở với “những luồng gió mới” trong ngành sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI).

Oxford Economics nhận định GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,7% năm 2024 và 6,5% cho năm 2025 nhờ ngành chế biến chế tạo vững chắc và nhu cầu trong nước phục hồi nhanh. Động lực tăng trưởng chủ yếu của Việt Nam trong năm tới vẫn sẽ là xuất khẩu hàng chế biến và chế tạo.

Tiêu dùng tư nhân và hoạt động của doanh nghiệp nội địa đang phục hồi chắc chắn. Tăng trưởng tiêu dùng đã trở lại mức trước đại dịch COVID-19 nhờ tăng trưởng lương năm 2025, chủ yếu trong khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Ngành du lịch cũng là một động lực quan trọng, dù mức độ đóng góp có thể ít hơn năm 2024. Bên cạnh đó, Việt Nam còn được biết đến là trung tâm đóng gói, kiểm thử (APT) của ngành chip bán dẫn. Trong đó có 2 nhà máy tiêu biểu thuộc Intel và Amkor Technology.

vietnam-national-day.jpg
Việt Nam có nhiều yếu tố góp phần cho tăng trưởng, trong đó có du lịch.

Oxford Economics đánh giá nhu cầu chip toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm tới nhưng vẫn đóng vai trò tích cực. Việc tích trữ sau giai đoạn đứt gãy chuỗi cung ứng đã làm tăng dư thừa tồn kho và nhu cầu trong các mảng ôtô, điện thoại và máy tính yếu đi. Chỉ số xuất khẩu chip tại châu Á cho thấy tốc độ tăng trưởng khối lượng xuất khẩu chip chậm lại từ đầu năm nay.

Tại Việt Nam, điều này được thể hiện ở sản lượng linh kiện điện tử giảm từ giữa năm 2024 và sản lượng các phụ kiện liên quan ngành điện tử cũng không còn nổi trội.

Oxford Economics dự báo sang năm 2025, sẽ có những động lực mới cho ngành chế biến chế tạo. Đó là những lĩnh vực liên quan đến AI như tăng đầu tư cho trung tâm dữ liệu trên toàn cầu. Các mặt hàng xuất khẩu lớn khác như máy móc và thiết bị điện, dệt may, và nông sản được dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng.

Việt Nam cũng có cơ hội đẩy nhanh các đơn hàng xuất khẩu vào năm tới do lo ngại thuế quan tăng, góp phần bù đắp cho nhu cầu hàng điện tử suy yếu trong ngắn hạn.

Các nhà nghiên cứu thuộc Oxford Economics cho biết: “Chính sách tài khóa nới lỏng của Mỹ cũng sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam trong năm sau, vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam”.

Theo quan sát của Oxford Economics, tăng trưởng về dòng vốn FDI sẽ tiếp tục được duy trì, dù tốc độ có chậm lại. Oxford Economics kỳ vọng tăng trưởng đầu tư trong năm 2025 đạt mức 7,2%, cao hơn mức 6,9% được dự báo cho năm nay.

Việt Nam có nhiều động lực tăng trưởng 

Bà Nguyễn Thúy Hạnh - Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp và đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhận định, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối mạnh mẽ. GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh 6,7% vào năm 2025.

Trả lời Thời báo Tài chính, bà Hạnh cho biết Standard Chartered dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh khoảng 6,7% vào năm 2025, với mức tăng trưởng trong nửa đầu năm đạt 7,5% so với cùng kỳ năm trước và ở mức 6,1% trong nửa cuối năm.

ho-chi-minh-city-vietnam-cityscape-areial-daytime-16x9.jpeg
Việt Nam được khuyến cáo đa dạng hóa nền kinh tế ngoài sản xuất và tìm kiếm thêm nguồn FDI khác ngoài Châu Á.

“Để thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong trung hạn, Việt Nam sẽ cần tăng cường các phương án ứng phó với thiên tai, đa dạng hóa nền kinh tế ngoài sản xuất và tìm kiếm thêm nguồn FDI khác ngoài Châu Á”, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp và đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nêu quan điểm.

Nữ Tổng Giám đốc cũng nêu tiếp: “Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa nguồn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam phát huy tiềm năng và đẩy nhanh phát triển kinh tế vào năm 2025”.

Trước đó, trong bài viết của Business Times (Singapore) hồi tháng 7 năm nay, cho biết ASEAN-6 sẵn sàng vượt qua tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong thập kỷ tới. Khu vực này đã củng cố nền tảng của mình bằng cách thúc đẩy các lĩnh vực chính như sản xuất và đầu tư vào các lĩnh vực mới nổi.

Sáu nền kinh tế hàng đầu của ASEAN, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, dự kiến ​​sẽ đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội trung bình hàng năm là 5%.

Ngược lại, Trung Quốc dự kiến ​​sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ổn định từ 3,5 đến 4,5% trong cùng kỳ từ năm 2024 đến năm 2034, theo báo cáo mới của Ngân hàng DBS, công ty tư vấn Bain & Company và Hội đồng Angsana, một nhóm cố vấn phi lợi nhuận do nhà đầu tư công nghệ có trụ sở tại Singapore là Monk's Hill Ventures thành lập.

Đáng chú ý, lần đầu tiên sau 10 năm, Đông Nam Á đã thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn Trung Quốc vào năm ngoái.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn nhóm 6 quốc gia giàu nhất ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO