Việt Nam là 1 trong 6 nước được tham gia vào chính sách quan trọng trong lĩnh vực "xương sống" của thế giới

Minh Hằng | 17:19 12/02/2025

Đây là chính sách quan trọng của Mỹ để phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu trong một lĩnh vực có giá trị lên tới 1.000 tỷ USD.

Việt Nam là 1 trong 6 nước được tham gia vào chính sách quan trọng trong lĩnh vực "xương sống" của thế giới
Việt Nam được chọn là một trong 6 quốc gia tham gia Đạo luật Chips. Ảnh minh họa

Đây là lĩnh vực bán dẫn. Theo dự báo của Gartner, bán dẫn có thể mang lại doanh thu lên tới 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Đây là một lĩnh vực rất tiềm năng, đồng thời có thể quyết định vị thế cũng như bước phát triển nhảy vọt cho các quốc gia trên thế giới trong thời gian tới.

Những nội dung liên quan tới lĩnh vực bán dẫn được đề cập tới tại Hội nghị phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vào chiều qua (11/2). Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính chủ trì.

Tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, tất cả các ngành các cấp, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc đồng bộ. Việc này không dừng lại ở các cơ quan nhà nước, các đại học, viện nghiên cứu mà các doanh nghiệp cũng phải tiên phong, mọi người dân phải tham gia, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể trong quá trình này.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc, khi hợp tác với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Pháp, Ireland, Hà Lan và các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Meta, Microsoft, Nvidia, Apple, Marvell, Samsung...

bo-truong-khdt-m.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Đặc biệt, theo Bộ trưởng, Việt Nam được chọn là 1 trong 6 quốc gia tham gia Đạo luật CHIPS. Đây là chính sách quan trọng của Mỹ để phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Hiện nay, cả nước có hơn 50 doanh nghiệp tham gia công đoạn thiết kế vi mạch, hơn 15 doanh nghiệp tham gia công đoạn đóng gói, kiểm thử vi mạch và sản xuất vật liệu, thiết bị bán dẫn hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, FPT đã ra mắt sản phẩm chip trong ngành Y tế và Viettel đã sản xuất chip phục vụ thiết bị 5G.

Về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển thành quốc gia hàng đầu khu vực về AI. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều sản phẩm AI được tạo bởi người Việt Nam được đánh giá cao trong cộng đồng công nghệ thế giới. Hơn nữa, các tập đoàn công nghệ lớn đang hình thành các trung tâm nghiên cứu và mở rộng hợp tác về trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam như Nvidia, Microsoft, Meta và Google.

Bộ trưởng cho biết, các hoạt động về thu hút doanh nghiệp "đại bàng", ươm tạo "kỳ lân" công nghệ liên tục được các trung tâm đổi mới sáng tạo triển khai. Theo đó, trong các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng mới, nhà máy thông minh, đô thị thông minh, an ninh mạng... với sự xuất hiện và mở rộng kinh doanh của Lam Research, Nvidia, Marvell, Cadence, ARM, Meta, Google, Synopsys, AMD, Qorvo, Qualcomm....

Hiện nay, đã có khoảng 210 quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài có mặt tại Việt Nam. So với các nước trong khu vực, nước ta đứng thứ 3 về số lượng thương vụ đầu tư mạo hiểm, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Một trong những giải pháp quan trọng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất là cần nhân rộng mô hình thu hút FDI như thu hút Tập đoàn Nvidia, tập trung vào dự án đầu tư đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt, tạo "luồng xanh" cho việc triển khai dự án, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; và sử dụng hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư để duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.

Đạo luật CHIPS có sức ảnh hưởng thế nào?

dao-luat.jpeg
Đạo luật CHIPS của Mỹ giúp nhiều công ty lớn trên thế giới được hưởng lợi. Ảnh: China Daily

Đạo luật CHIPS không chỉ cung cấp các khoản tài trợ mà còn bao gồm các ưu đãi về thuế cho những công ty đầu tư vào sản xuất chip trong nước. Trên thực tế, có nhiều công ty công nghệ lớn như Intel, TSMC... đang được hưởng lợi từ đạo luật này, khi xây dựng các nhà máy sản xuất chip ở Mỹ. 

Dù không công bố con số cụ thể về số việc làm đã được mang lại, nhưng chính quyền Mỹ vẫn chỉ rõ rằng Đạo luật CHIPS đang đi đúng hướng để tạo ra gần 50.000 việc làm đến năm 2032.

Theo các chuyên gia, Tổng thống Trump có thể tiếp tục Đạo luật CHIPS, với một số điều chỉnh nhỏ, thay vì sẽ thay đổi hoàn toàn. Bởi ngành công nghiệp bán dẫn đang đóng một vai trò thiết yếu trong nhiều lĩnh vực, từ quân sự đến dân dụng. Việc giữ nguyên đạo luật này được cho là nhằm đảm bảo Mỹ không bị tụt hậu trước những đối thủ cạnh tranh lớn như Trung Quốc.


(0) Bình luận
Việt Nam là 1 trong 6 nước được tham gia vào chính sách quan trọng trong lĩnh vực "xương sống" của thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO