Việt Nam - "thỏi nam châm" hút đầu tư
Trong chuyến công tác đến Việt Nam của CEO Jensen Huang vào tuần trước, Nvidia thông báo sẽ hợp tác với Chính phủ Việt Nam để thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và một trung tâm dữ liệu AI.
Theo Tiến sĩ Jeff Nijsse, giảng viên cấp cao ngành Kỹ thuật phần mềm tại Đại học RMIT, khoản đầu tư của Nvidia – công ty có vốn hóa lớn nhất thế giới sẽ hỗ trợ toàn bộ ngành công nghệ Việt. “Nvidia không phải là công ty công nghệ lớn đầu tiên vào Việt Nam, nhưng họ là công ty AI lớn nhất", ông giải thích.
Song, không chỉ có Nvidia chọn Việt Nam để rót vốn. Tuần trước, Google đã xác nhận việc thành lập. Song song, hãng công khai tuyển dụng nhiều vị trí công việc liên quan đến Google Cloud, ứng dụng và game.
Trước đó, vào tháng 11, Foxconn - một nhà cung ứng của Apple - đã công bố khoản đầu tư 80 triệu USD vào hoạt động sản xuất chip tại tỉnh Bắc Giang. Còn Meta lại có kế hoạch mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo và Space X đã bày tỏ dự định đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam.
Tiến sĩ Sam Goundar, Giảng viên cấp cao ngành CNTT tại Đại học RMIT, coi các khoản đầu tư này là những cột mốc đáng chú ý. "Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một phần quan trọng của thế giới công nghệ toàn cầu. Những động thái này cho thấy Việt Nam không chỉ là điểm đến của sản xuất giá rẻ", ông nhận định.
Những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của Việt Nam rất đa dạng – từ dân số trẻ và am hiểu công nghệ, đến chính sách hỗ trợ của Chính phủ và vị trí địa lý chiến lược.
"Nhiều công ty muốn dịch chuyển một số hoạt động ra khỏi Trung Quốc", Tiến sĩ Goundar giải thích và thêm rằng Việt Nam là điểm đến lý tưởng với vị trí gần Trung Quốc, chi phí phải chăng và nguồn lao động lành nghề ngày càng tăng.
“Nhìn chung, đây là thời cơ tốt để Việt Nam vừa thu hút thêm nhiều đầu tư quốc tế, củng cố ngành công nghệ trong nước”, tiến sĩ Goundar nhấn mạnh.
Không chỉ là câu chuyện về vốn...
Nhận định về tiềm năng của của giới công nghệ toàn cầu vào Việt Nam, Tiến sĩ Sreenivas Tirumala, giảng viên cấp cao ngành CNTT tại Đại học RMIT, coi đây là "cơ hội phát triển kinh tế và xã hội", có thể hỗ trợ việc "thiết kế và phát triển một phương pháp tiếp cận tiên tiến vượt bậc cho giới trẻ Việt Nam".
Tuy vẫn gặp tình trạng thiếu hụt lớn về nhân lực công nghệ có kỹ năng cao, khoản đầu tư của các ông lớn công nghệ hứa hẹn sẽ mang đến nhiều dịp tiếp xúc với công nghệ tiên tiến và môi trường doanh nghiệp quốc tế. Các chuyên gia trẻ sẽ có thêm cơ hội để làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và đổi mới, đặc biệt về AI.
“Các công ty công nghệ lớn có dịch vụ CNTT nội bộ của riêng mình, nhưng có khá nhiều dịch vụ họ cần thuê ngoài. Những gã khổng lồ công nghệ có uy tín và giá trị cao như Nvidia và Google sẽ không chỉ cung cấp cơ hội việc làm mà còn khuyến khích người trẻ startup để cung cấp dịch vụ cho các công ty công nghệ lớn”, Tiến sĩ Tirumala nói thêm.
Các khoản đầu tư cũng có thể thúc đẩy Việt Nam tạo ra bản sắc riêng của mình trong lĩnh vực công nghệ ở Đông Nam Á.
“Những gã khổng lồ công nghệ đến Việt Nam là một tin vui, nhưng chúng ta cần đảm bảo rằng điều này thực sự đem lại lợi ích cho đất nước. Việt Nam nên tập trung xây dựng ngành công nghệ riêng của mình chứ không chỉ là nơi để các công ty lớn kinh doanh”, ông bình luận.
Theo ông, điều này đồng nghĩa với việc cần hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong nước, kết nối hợp tác giữa trường học và doanh nghiệp, đưa ra các chính sách thúc đẩy ý tưởng mới phát triển. Mục tiêu là để Việt Nam dẫn đầu, chứ không chỉ đi theo, về AI và công nghệ.
“Nếu chúng ta làm được, khoản đầu tư của các gã khổng lồ công nghệ có thể là khởi điểm của những thành tựu tuyệt vời cho đất nước”, tiến sĩ RMIT khẳng định.