Việt Nam chuẩn bị cho khả năng chiến tranh thương mại ngay trong năm nay: Chuyên gia nêu nguy cơ lớn nhất

Dy Khoa | 17:56 06/02/2025

Mỹ và Trung Quốc đang tung đòn và đáp trả. Kinh tế Việt Nam có quan hệ khăng khít với cả hai nền kinh tế này.

Việt Nam chuẩn bị cho khả năng chiến tranh thương mại ngay trong năm nay: Chuyên gia nêu nguy cơ lớn nhất

Mức thuế quan bổ sung 10% của chính quyền Tổng thống Donald Trump áp lên tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ có hiệu lực vào lúc 0h01 sáng 4/2 theo giờ miền Đông của Mỹ.

Chỉ trong vòng vài phút sau đó, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo Trung Quốc sẽ áp mức thuế 15% đối với than và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ và 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số ô tô nhập khẩu. 

Bộ này cho biết mức thuế quan mới đối với hàng hóa Mỹ sẽ bắt đầu được áp dụng vào ngày 10/2.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc và hải quan nước này cho biết họ đang áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu một số đất hiếm và kim loại có vai trò quan trọng đối với các thiết bị công nghệ cao và quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

china-us-flag-04564091-16x9_0.jpg.jpg
Trung Quốc đã đáp trả mức thuế quan bổ sung mà Mỹ đơn phương áp đặt. Việc này thổi bùng thương chiến giữa hai cường quốc.

Trung Quốc cũng khởi động cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google, đồng thời đưa cả PVH Corp (công ty quần áo của Mỹ sở hữu các thương hiệu như Calvin Klein) và công ty công nghệ sinh học Illumina của Mỹ vào "danh sách các thực thể không đáng tin cậy".

"Cuộc chiến thương mại hiện ở giai đoạn đầu, nên khả năng cao (hai bên) sẽ áp thêm thuế quan", công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics bình luận.

Ông Trump cảnh báo ông có thể tiếp tục tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nếu Bắc Kinh không ngăn chặn được dòng thuốc giảm đau gây nghiện fentanyl vào Mỹ.

Việt Nam chủ động ứng phó tác động của chiến tranh thương mại

Kinh tế Việt Nam liên kết khăng khít với cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu rằng tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến rất khó lường, tác động trực tiếp tới nước ta, nhất là tới xuất khẩu, sản xuất kinh doanh, kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự báo, phân tích thật sát tình hình tháng 2 và thời gian tới, nhất là những vấn đề mới, những vấn đề nổi lên, như khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới, nếu có sẽ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp các thị trường xuất khẩu; từ đó đề xuất giải pháp của chúng ta để phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không bị động, bất ngờ, không để lỡ thời cơ và giữ đà, giữ nhịp, giữ khí thế đang có để tiếp tục phát triển.

hanoi-old-quarter-hero.jpg.png
Ứng phó chiến tranh thương mại, Việt Nam sẽ khai thác hiệu quả các FTA đã ký kết, khai thác các thị trường mới như Trung Đông, Châu Phi, Mỹ Latin, kết nối đảm bảo đầu vào và đầu ra…

Thủ tướng gợi ý một số giải pháp như tiếp tục tập trung làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhất là các thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ…

Trong khi đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/2, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết xuất khẩu năm 2025 có thể gặp thách thức tương đối lớn liên quan tới chính sách bảo hộ, chính sách thuế của Mỹ.

Cùng đó là những nguy cơ rủi ro thị trường thương mại thế giới có thể xảy ra từ các cuộc trả đũa thương mại của các nước. Vì vậy cần phân tích và nắm chắc tình hình, ứng phó trước cuộc chiến thương mại.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng đã chỉ đạo khai thác hiệu quả các FTA đã ký kết, khai thác các thị trường mới như Trung Đông, Châu Phi, Mỹ Latin, kết nối đảm bảo đầu vào và đầu ra…

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nói với Thanh Niên: "Việt Nam hiện không nằm trong các quốc gia bị áp thêm thuế hoặc các mặt hàng bị đánh thuế chưa rơi vào nhóm xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, sớm hay muộn, chiến lược mặc cả trong đàm phán thương mại của Mỹ sẽ nhắm đến các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn. Và đây là vấn đề cực kỳ đáng lo ngại cho hàng hóa từ Việt Nam, đặc biệt với các nhóm hàng Việt Nam đang có lợi thế lớn tại Mỹ mà Trung Quốc từng có lợi thế xuất khẩu trước đây".

TS Nguyễn Quốc Việt lưu ý với một nền kinh tế có độ mở cao của Việt Nam, xuất khẩu lại phụ thuộc vào nhóm doanh nghiệp nước ngoài. Trong bối cảnh này, nguy cơ lớn nhất và tiềm ẩn đáng lo ngại là các doanh nghiệp tại các quốc gia bị đánh thuế cao, chuyển sang Việt Nam, thực hiện các công đoạn cuối để mượn xuất xứ, xuất khẩu sang Mỹ.


(0) Bình luận
Việt Nam chuẩn bị cho khả năng chiến tranh thương mại ngay trong năm nay: Chuyên gia nêu nguy cơ lớn nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO