'Viên ngọc quý' của Credit Suisse: Trong khi tập đoàn liên tiếp thua lỗ và khủng hoảng, bộ phận này vẫn lãi lớn và dẫn đầu thị trường

Thu Hương | 12:42 20/03/2023

Theo các chuyên gia phân tích của JPMorgan Chase, bộ phận này có giá trị ít nhất 10 tỷ franc (tương đương 10,8 tỷ USD) – cao hơn cả giá trị vốn hóa của toàn tập đoàn.

'Viên ngọc quý' của Credit Suisse: Trong khi tập đoàn liên tiếp thua lỗ và khủng hoảng, bộ phận này vẫn lãi lớn và dẫn đầu thị trường

Những ngày này, khi ngân hàng từng là niềm tự hào của đất nước Thụy Sĩ đang khó khăn chồng chất, đã đến lúc nhìn vào những tài sản có giá trị nhất của Credit Suisse.

Trong lúc các quan chức chính phủ, nhà quản lý và các giám đốc chạy đua với thời gian để tìm cách ổn định lại ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ, sự chú ý đang đổ dồn vào 1 “viên ngọc quý”: mảng kinh doanh tại Thụy Sĩ.

Những năm gần đây, trong khi tập đoàn liên tiếp thua lỗ và gặp hết cuộc khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, ngân hàng nội địa chính là một "ngôi sao sáng". Theo các chuyên gia phân tích của JPMorgan Chase, bộ phận này có giá trị ít nhất 10 tỷ franc (tương đương 10,8 tỷ USD) – cao hơn cả giá trị vốn hóa của toàn tập đoàn. Năm ngoái, chỉ có 4 bộ phận của tập đoàn Credit Suisse có lãi, trong đó có ngân hàng nội địa.

screenshot_2.png

Trước khi UBS chính thức chốt thương vụ mua lại Credit Suisse với giá 3,2 tỷ USD, trên thị trường xuất hiện tin đồn Chính phủ Thụy Sĩ có thể chia tách mảng ngân hàng nội địa khỏi tập đoàn. Có thể coi đây là “phiên bản thu nhỏ” của chính Credit Suisse với đầy đủ các bộ phận: ngân hàng bán lẻ, ngân hàng tư nhân, ngân hàng phục vụ khách hàng doanh nghiệp và cả ngân hàng đầu tư.

Năm 2017, CEO của Credit Suisse khi đó là Tidjane Thiam đã bác bỏ kế hoạch IPO bộ phận ngân hàng nội địa, lựa chọn kế hoạch huy động vốn cho cả tập đoàn. Mục đích ban đầu là để nhận rõ giá trị của bộ phận ngân hàng nội địa, huy động vốn cần thiết nhằm tái cấu trúc cả tập đoàn. Tuy nhiên các cổ đông đã phản đối vì không muốn bán đi “cỗ máy tạo lợi nhuận chính”.

Năm 2022, bộ phận ngân hàng nội địa đóng góp hơn 1/4 doanh thu của cả tập đoàn và vẫn có lợi nhuận trong khi mảng quản lý tài sản và ngân hàng đầu tư thua lỗ. Bộ phận này cũng không rơi vào cảnh liên tiếp thay lãnh đạo cấp cao.

Trong quý IV năm ngoái, khi Credit Suisse bị khách hàng rút tiền nhiều chưa từng thấy, các khách hàng giàu có của mảng ngân hàng nội địa đã tỏ ra kiên nhẫn hơn. Chỉ có khoảng 8,3 tỷ franc bị rút ra (tương đương khoảng 1,5%) trong khi tỷ lệ chung của tập đoàn là khoảng 17%.

Lâu nay Credit Suisse vẫn là người dẫn đầu hoạt động ngân hàng đầu tư tại Thụy Sĩ nếu xếp hạng theo giá trị các thương vụ, đúng như những gì nhà sáng lập hướng tới. Năm 1856, nhà công nghiệp Alfred Escher đã lập nên tiền thân của Credit Suisse là ngân hàng Schweizerische Kreditanstalt để tài trợ cho các dự án phát triển công nghiệp của Thụy Sĩ.

Năm ngoái, ngân hàng nội địa đứng sau các thương vụ M&A lớn ở Thụy Sĩ cũng như nhiều thương vụ lớn trên thị trường nợ và thị trường vốn, giúp những ông lớn như Nestle hay Roche huy động vốn.

Rõ ràng ngân hàng nội địa sẽ là ưu tiên số 1 của các nhà quản lý cũng như công chúng Thụy Sĩ. Từ khủng hoảng tài chính 2008 – khi chính UBS được chính phủ giải cứu – đạo luật “quá lớn để sụp đổ” có hiệu lực. Theo đó chính phủ Thụy Sĩ buộc phải giải quyết mọi thứ trên cơ sở “đặt Thụy Sĩ lên hàng đầu”. Trong trường hợp 1 ngân hàng phá sản, những phần liên quan đến sự ổn định của hệ thống tài chính Thụy Sĩ sẽ được bơm thêm vốn trong khi những phần khác được thanh lý.

Tại thủ đô Bern, công chúng vẫn có niềm tin rằng các cơ quan chức năng, trong đó có NHTW Thụy Sĩ (SNB) sẽ bảo vệ ngân hàng nội địa. Tương tự như quy định chung trên toàn EU, các tài khoản từ 100.000 franc trở xuống sẽ được chính phủ bảo lãnh.

“Credit Suisse sẽ không sụp đổ vì có SNB hậu thuẫn”, Alexander Schweingruber (22 tuổi) nói. “Kể cả nếu điều đó xảy ra thì mảng kinh doanh tại Thụy Sĩ vẫn sẽ sống sót. Và đó mới là điều quan trọng với tôi”.

Tham khảo Bloomberg

Bài liên quan

(0) Bình luận
'Viên ngọc quý' của Credit Suisse: Trong khi tập đoàn liên tiếp thua lỗ và khủng hoảng, bộ phận này vẫn lãi lớn và dẫn đầu thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO