Nội dung chính:
- Thu hoa hồng bán bảo hiểm của VIB trong quý I/2023 giảm 45% so với cùng kỳ.
- Các khoản cho vay khách hàng cuối quý I/2023 giảm 1,3% so với cuối năm 2022.
- Lợi nhuận ngân hàng vẫn đạt 2.155 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2022.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 với lợi nhuận sau thuế đạt 2.155 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2022.
Cho vay khách hàng vẫn là động lực tăng trưởng chính của VIB. Thu nhập lãi thuần (thu nhập đến từ nghiệp vụ cho vay khách hàng) - nguồn thu chính của ngân hàng tăng 22,4%, đạt 4.304 tỷ đồng. Tỷ trọng thu nhập lãi thuần trên Thu nhập hoạt động (trước thuế) của VIB tăng từ mức 85% quý I/2022 lên 87,3% quý I/2023.
Mảng kinh doanh bảo hiểm gặp khó
Báo cáo của VIB đã thể hiện những khó khăn của việc kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) từ đầu năm đến nay. Thu nhập từ hoa hồng bảo hiểm quý I/2022 của VIB chỉ còn 118 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ 2022.
Năm 2022, VIB là ngân hàng có khoản thu nhập từ kinh doanh bảo hiểm đứng thứ hai hệ thống, đạt gần 1.900 tỷ đồng doanh số bảo hiểm mới, theo thống kê của VCBS. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 tổ chức tháng 3/2023, lãnh đạo VIB cho biết ngân hàng tự tin mảng bancassurance sẽ khởi sắc trong năm nay với sự cải thiện về sản phẩm bảo hiểm. Prudential và VIB ký hợp đồng đối tác chiến lược 15 năm từ năm 2015. Đến nay, hai bên dự kiến sẽ tiếp tục bàn bạc và gia hạn hợp đồng thêm 13 năm.
Khó khăn của mảng bancassurance bắt đầu từ cuối năm 2022 khi Bộ tài chính, Ngân hàng Nhà nước đồng loạt phát đi thông điệp sẽ kiểm soát chặt chẽ nghiệp vụ này, tránh việc tư vấn viên không cung cấp đầy đủ thông tin khi bán bảo hiểm cho khách hàng. Tiếp theo đó là hàng loạt sự kiện liên quan đến các hợp đồng bancassurance được công bố gây nhầm lẫn với các hợp đồng đầu tư, người dân bắt đầu “cảnh giác” hơn với loại hình sản phẩm này. Đồng thời, các ngân hàng và công ty bảo hiểm cũng thận trọng hơn khi bán bảo hiểm.
Khác với lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp, cho đến nay các cơ quan quản lý chưa có văn bản pháp luật chính thức bổ sung nhằm điều chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Tuy vậy, thị trường bảo hiểm đã phản ứng khá mau lẹ, ít nhất qua kết quả kinh doanh của một trong số các ngân hàng hàng đầu trong mảng bancassurance như VIB.
Tín dụng thụt lùi nhưng vẫn là động lực tăng trưởng lợi nhuận
Trái với kỳ vọng được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng tới 25% trong năm 2023, trong quý đầu năm, tín dụng (cho vay khách hàng) của VIB đã sụt giảm so với cuối năm trước.
Cụ thể, tín dụng cuối quý I/2023 của VIB đạt trên 226.000 tỷ đồng (sau khi trừ các khoản dự phòng), giảm 1,3% so với số dư cuối năm 2022. Tuy nhiên, so với cuối quý I/2022, số dư tín dụng của VIB vẫn tăng trưởng 6,8%. Đây cũng là động lực chính giúp kết quả kinh doanh của VIB tăng trưởng trong quý I vừa qua.
Tín dụng VIB liên tục tăng trưởng trong thời gian vừa qua, chỉ bắt đầu chững lại từ quý I/2023
Lãi suất cho vay đã hỗ trợ tăng trưởng mảng cho vay khách hàng của VIB trong quý I/2023. Khách hàng của VIB hầu hết là cá nhân và hộ gia đình với các khoản vay tiêu dùng (mua nhà, sửa nhà, mua ô tô…). Dù tăng trưởng chỉ 6,8% về giá trị các khoản cho vay, thu nhập từ mảng này của VIB đã tăng hơn 22% so với cùng kỳ 2022.
Sự “thụt lùi” của VIB trong việc cho vay khách hàng cũng thể hiện bức tranh chung của ngành ngân hàng và nền kinh tế trong quý I vừa qua.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tăng trưởng tín dụng cả nền kinh tế trong quý I/2023 chỉ đạt 2,06%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 5,04% cùng kỳ 2022. Với kết quả này, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2023 của cả hệ thống đạt mức 14 - 15%, tương đương mức tăng năm 2022, là rất khó.
“Các ngân hàng vẫn tăng trưởng tín dụng cao các năm trước cũng sẽ gặp khó khăn trong năm nay” - ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích Maybank Investment Bank nhận định.