Vị thế ngày càng lên, mặt hàng này của Việt Nam được nhiều ông lớn sản xuất mạnh tay gom hàng - Xuất khẩu tăng nóng gần 900% chỉ trong tháng 10

Khánh Vy | 22:03 12/11/2023

Nhóm hàng chủ lực của Việt Nam đang được nhiều cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới quan tâm thay cho hàng Made in China.

Vị thế ngày càng lên, mặt hàng này của Việt Nam được nhiều ông lớn sản xuất mạnh tay gom hàng - Xuất khẩu tăng nóng gần 900% chỉ trong tháng 10

Theo số liệu thống kê cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm phương tiện vận tải và phụ tùng của Việt Nam trong tháng 10 đạt 1,17 tỷ USD, giảm 3,5% so với tháng trước đó nhưng tăng mạnh 17,8% so với tháng 10/2022. Lũy kế 10 tháng đầu năm, Việt Nam thu về từ nhóm hàng này 11,46 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022.

Sau khi vượt mốc 10 tỷ trong tháng 9, nhóm hàng này tiếp tục có nhiều tín hiệu xuất khẩu tích cực so với năm 2022. Các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam là những nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức… 

Xét về thị trường, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhập khẩu 2,41 tỷ USD trong 10T/2023, chiếm 21,1% tỷ trọng. Đứng sau lần lượt là Mỹ và Hàn Quốc, chiếm tỷ trọng 20,6% và 9,15%. Cả 3 thị trường này đều tăng nhập khẩu trong tháng 10.

op.png

Đáng chú ý, nhiều thị trường còn đẩy mạnh nhập khẩu tăng trưởng tới 3 chữ số trong tháng 10. Trong đó phải kể đến quốc gia láng giềng Lào.

Cụ thể, trong tháng 10/2023, nước ta xuất khẩu hơn 6,05 triệu USD phương tiện vận tải và phụ tùng sang Lào, con số này chỉ là hơn 624.000 USD trong tháng 10 năm ngoái, tức tăng nóng tới 870%. Lũy kế 10 tháng đầu năm, Lào chi ra 38,3 triệu USD để nhập khẩu nhóm hàng này, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, thị trường này chỉ chiếm 0,33% tổng lượng xuất khẩu nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng trong 10T/2023 của Việt Nam.

Ngoài Lào, còn rất nhiều thị trường ghi nhận mức tăng trưởng đột biến trong 10 tháng đầu năm như UAE, Nauy, Chile, Nam Phi, Philipines,... Điều này cho thấy các hãng công nghệ và ô tô trên thế giới đang ngày càng tin tưởng vào chất lượng linh kiện, phụ tùng của Việt Nam.

Trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ toàn ngành ô tô sụt giảm, việc xuất khẩu linh kiện phụ tùng ô tô tăng trưởng hai chữ số chứng tỏ Việt Nam có vị trí trong chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu. 

Kết quả này một phần cũng nhờ tác động của việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, tìm nhà cung cấp linh kiện thay thế nhằm giảm sự phụ thuộc vào “công xưởng” sản xuất của thế giới là Trung Quốc.

Đây được xem là cơ hội lớn cho các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam được chú ý nhiều. Những linh kiện phụ tùng ô tô Việt Nam xuất khẩu những năm gần đây có công nghệ tương đối cao như bộ dây đánh lửa, phụ tùng trong hộp số, túi khí an toàn, linh kiện điện tử trong hộp số,…

Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng chọn Việt Nam làm điểm sản xuất để xuất khẩu đi toàn cầu từ Nhật Bản, Đài Loan,... Đồng thời, Việt Nam cũng thu hút được các nhà cung cấp phụ tùng ô tô của các nước khác như Đức, Hàn Quốc,...

Trong năm nay, hàng loạt dự án công nghiệp phụ trợ ô tô đã vào Việt Nam với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Đơn cử, dự án của Waffer (Đài Loan, Trung Quốc) có suất đầu tư 1.250 tỷ đồng sẽ đi vào hoạt động trong tháng 11 tại tỉnh Hải Dương, dự kiến xuất khẩu linh kiện ô tô đúc từ nhựa và hợp kim nhôm từ năm 2024.


(0) Bình luận
Vị thế ngày càng lên, mặt hàng này của Việt Nam được nhiều ông lớn sản xuất mạnh tay gom hàng - Xuất khẩu tăng nóng gần 900% chỉ trong tháng 10
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO