Vì sao xe hợp đồng đang "bóp nghẹt" xe khách tuyến cố định?

Đinh Tịnh - Quang Minh | 09:16 20/12/2023

Một trong những nguyên nhân khiến xe khách cố định bỏ lốt tại các bến xe là do không thể cạnh tranh với các xe hợp đồng chạy tự do bắt khách lẻ. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng buông lỏng kiểm soát khiến dịch vụ xe hợp đồng bùng phát.

Vì sao xe hợp đồng đang "bóp nghẹt" xe khách tuyến cố định?
Trong khi tuyến xe khách cố định bị ràng buộc giữa một "rừng" thủ tục thì quản lý xe hợp đồng đang bị buông lỏng

Cạnh tranh không công bằng

Ông Trần Văn Phương, Phó tổng giám đốc bến xe miền Tây (TP.HCM), cho biết: Theo quy định pháp luật, xe hợp đồng chỉ hợp đồng vận chuyển với nhóm khách đi từ điểm A đến điểm B, không được gom khách lẻ.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp vận tải vì lợi nhuận mà lách luật, đưa xe phù hiệu hợp đồng vào hoạt động nhưng lượng khách đưa đón hằng ngày lại là khách tuyến cố định.

Về nguyên nhân, bên cạnh do các doanh nghiệp ham muốn lợi nhuận còn bởi loại hình này đang đáp ứng được nhu cầu của hành khách, mang lại nhiều tiện lợi cho người dân.

“Thời gian qua, Nhà nước đã có rất nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này tuy nhiên, việc thực hiện chưa triệt để, do đó, cần tìm giải pháp khách quan, khoa học hơn. Nếu chỉ chạy theo để kiểm soát, xử lý thì lực lượng chức năng không thể đáp ứng được”, ông Phương nhìn nhận.

Chia sẻ về những khó khăn khi hoạt động trong bến, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc điều hành Công ty du lịch và vận tải Vân Anh cho biết, năm 2018, công ty chúng tôi đã đăng ký vào hoạt động tại Bến xe Nước Ngầm. Sau 5 năm, công ty có 70 lốt chạy tuyến Hà Nội - Thanh Hóa. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp đang phải cạnh tranh gay gắt giữa các xe trong bến với các xe hợp đồng ở ngoài.

Cụ thể, xe hợp đồng chạy ở ngoài không bị quản chế, chỉ cần có hợp đồng, ghi tên hành khách là có thể thực hiện chuyến đi ngay, không phụ thuộc vào giờ giấc hay cơ quan quản lý chức năng. Sự tiện ích này tạo nhiều thuận lợi cho hành khách nên loại xe hợp đồng ngày càng được ưa chuộng.

Trong khi đó, xe cố định phải chịu quản lý của Nhà nước, phải có vé, có giờ đi giờ đến nên gây thêm nhiều khó khăn cho hành khách. Việc xe hợp đồng nở rộ thì hành khách ít vào bến hơn.

Bản chất xe hợp đồng rất thuận lợi, người dân không cần ra bến mua vé, chỉ cần đặt chỗ qua điện thoại di động là xong, còn ở bến có giờ, xe mới xuất phát được.

“Chúng tôi rất cố gắng phục vụ bằng mọi phương tiện, có xe trung chuyển, đầu tư cả ngàn mét vuông phòng chờ ở bến xe nhưng hành khách không đến”, ông Dũng nói.

Khó khăn thứ hai là cạnh tranh về giá, ông Dũng chỉ ra xe cố định sẽ có giá vé cao hơn vì mất thêm nhiều loại tiền khác như thuế VAT của vé, tiền bến. Sự cạnh tranh không công bằng đó khiến xe tuyến cố định gặp nhiều khó khăn.

Chỉ ra một khó khăn khác, ông Dũng cho biết hiện mỗi tháng công ty Vân Anh đang vận chuyển khoảng 50.000 lượt nhưng vẫn còn nhiều dư địa chưa thể khai thác do khó khăn khi xin lốt xe.

“Thực tế có địa phương, xã huyện có rất nhiều nhu cầu nhưng để xin lốt chạy lên Hà Nội rất vất vả, không chỉ qua một khâu mà nhiều khâu. Chúng tôi đã thực hiện xin lốt xe ở Sầm Sơn nhưng cả năm nay vẫn chưa xin được”, ông Dũng nói.

Do đó, theo ông, những vấn đề này đang gây khó khăn cho tuyến cố định và càng khó cho cố định thì hợp đồng càng nở rộ.

Siết chặt xe khách tuyến cố định, thả nổi xe hợp đồng?

"Nguyên nhân khiến xe hợp đồng gia tăng nhanh vì quản lý xe tuyến cố định quá chặt chẽ còn xe hợp đồng lại lỏng lẻo, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định.

Ông Quyền phân tích: “hiện nay, kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định chỉ doanh nghiệp hoặc hợp tác xã mới được đăng ký, các đơn vị này không được tự ý tăng chuyến theo cung cầu thị trường; việc tăng, giảm chuyến phải báo cáo bến xe, Sở GTVT; xe phải vào bến, thậm chí tăng giá vé cũng phải kê khai và báo cáo.

Trong khi xe hợp đồng chỉ cần có xe và phù hiệu là hoạt động, hộ kinh doanh cũng có thể tham gia loại hình này trong khi việc đảm bảo ATGT của hộ kinh doanh rất hời hợt.

Chưa kể câu chuyện thực hiện nghĩa vụ thuế, phí của đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng nhưng trá hình chở khách du lịch cũng đang gây tranh cãi.

Ông Nguyễn Văn Quyền cũng cho hay, hiện số lượng xe hợp đồng gấp 14 lần xe tuyến cố định, song không phải 240.000 xe hợp đồng này đều chạy trá hình tuyến cố định.

Hiện nay, xe hợp đồng có ba loại. Loại thứ nhất là xe hợp đồng theo định kỳ chở các công nhân, đưa đón các chuyên gia đến các khu công nghiệp, đưa đón học sinh, số này chiếm rất nhiều và xu thế tăng lên là tất yếu nên việc gia tăng xe hợp đồng là dễ hiểu.

Nhóm xe hợp đồng thứ hai là xe hợp đồng theo chuyến, thường chở khách đám cưới hỏi, tổ chức sự kiện ở các trường học.

Theo ông Quyền, hai nhóm trên hiện nay đã chấp hành đúng quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng.

“Riêng loại thứ ba hay được gọi là xe hợp đồng trá hình, tôi cho rằng đây chính là loại xe hợp đồng chia sẻ, nhiều hành khách khác nhau cùng sử dụng chung một dịch vụ trên một chuyến xe. Và đây là hình thức xe hợp đồng cần phải bàn để quản lý, song số lượng xe này hiện nay chưa có thống kê. Hình thức xe hợp đồng chia sẻ này cần phải quản lý chặt chẽ”, ông Quyền kiến nghị.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Vì sao xe hợp đồng đang "bóp nghẹt" xe khách tuyến cố định?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO