Tại VietinBank, trong khi các mảng kinh doanh khác đều có lãi khả quan thì hoạt động mua bán chứng khoán lỗ tới 126 tỷ đồng trong năm 2022. Kết quả này kém hơn nhiều so với năm trước đó khi ngân hàng có lãi 720 tỷ ở mảng kinh doanh này trong năm 2021.
Tại Techcombank, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh năm 2022 cũng lỗ tới 241 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 152 tỷ. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư có lãi 425 tỷ, giảm mạnh so với mức 1.804 tỷ của năm 2021.
Sacombank cũng ghi nhận kết quả từ hoạt động mua bán chứng khoán. Cụ thể, ngân hàng ghi nhận lỗ 20 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán đầu tư trong năm 2022, trong khi cùng kỳ có lãi 163 tỷ đồng.
Ngay cả “ông lớn” Vietcombank cũng có trong xu hướng này. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh năm 2022 của nhà băng này lỗ 115 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi 137 tỷ. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tích cực hơn, với mức lãi 81 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 85 tỷ).
Hàng loạt nhà băng khác như VPBank, ACB, SHB, ABBank,…đều ghi nhận kết quả hoạt động kinh doanh chứng khoán thấp hơn so với năm 2021.
Hoạt động mua bán chứng khoán là một trong những mảng kinh quan trọng của ngân hàng, nhằm mục đích sinh lợi thông qua hai kênh: qua chênh lệch giá và qua lãi nắm giữ giấy tờ có giá. Hoạt động mua, bán chứng khoán của các ngân hàng thường được phân thành mua, bán chứng khoán đầu tư và mua, bán chứng khoán kinh doanh. Chứng khoán ngân hàng mua vào có thể bao gồm chứng khoán nợ và chứng khoán vốn. Trong đó, chứng khoán nợ thường là trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, chứng chỉ quỹ,…
Theo Fiin Ratings, việc lãi suất tăng, biến động tỷ giá, sự sụt giảm mạnh của các chỉ số chứng khoán và tình trạng “đóng băng” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, đầu tư chứng khoán của các ngân hàng. Nhiều ngân hàng ghi nhận lỗ từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư, đồng thời giảm tỷ trọng các loại chứng khoán trong tổng tài sản.
Cụ thể, nền lãi suất tăng đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ trong những tháng cuối năm tăng mạnh lên tới 5,2% so với mức lợi suất khoảng 2,2% vào tháng 1/2022. Vì vậy, trái phiếu chính phủ hạch toán theo giá thị trường do các ngân hàng nắm giữ cũng sụt giảm về giá trị. Tỷ trọng trái phiếu chính phủ trên tổng tài sản sinh lời của các ngân hàng giảm từ mức 7,2% cuối năm 2021 xuống mức 6,3% cuối quý 3 năm 2022.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối năm 2022, VNIndex và HNXIndex giảm lần lượt 32,7% và 56,7% so với đầu năm, khiến danh mục cổ phiếu nắm giữ của các ngân hàng và các công ty con được hợp nhất trên BCTC của các ngân hàng sụt giảm mạnh.
Đặc biệt, danh mục trái phiếu doanh nghiệp của một số ngân hàng đang tiềm ẩn rủi ro tín dụng khi thị trường đã xuất hiện một số trường hợp chậm trả lãi và gốc trái phiếu. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 2,2% tổng tài sản sinh lời của các ngân hàng, nhưng khi trái phiếu doanh nghiệp bị “nhảy” nhóm nợ cũng sẽ làm các khoản vay khác của doanh nghiệp đó tại các ngân hàng khác bị phân loại vào nhóm có chất lượng nợ thấp hơn, gia tăng tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống.