Vì sao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo nhưng lãi suất cho vay chưa giảm?

Hoàng An | 07:33 27/04/2023

Theo ông Phan Lê Thành Long - CEO AFA Group, có một lý do khác khiến lãi suất cho vay chưa giảm mà không đến từ việc cho vay bán lẻ, tư nhân như nhiều ngân hàng giải thích.

Vì sao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo nhưng lãi suất cho vay chưa giảm?

Nội dung chính:

  • Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, nhưng nhiều ngân hàng vẫn đưa ra mức lãi suất cho vay rất cao - qua đó có thể tranh thủ kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn. 
  • Với việc áp lực lạm phát không quá lớn, chuyên gia kỳ vọng ngân hàng nhà nước có thể giảm lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong năm 2023.

Tại Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023 diễn ra chiều 25/04 vừa qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước liên tục chỉ đạo các Ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thì hiện nay, vẫn còn nhiều ngân hàng thương mại đưa ra lãi suất cho vay rất cao. 

Thực tế, lãi suất cho vay 13-14%/năm mới là mức lãi suất cho vay bình quân ở một số ngân hàng, thậm chí có ngân hàng đưa lãi suất cho vay bình quân lên tới 14,63%/năm. Đáng chú ý, một số ngân hàng đang huy động lãi suất bình quân ở mức tương đương thị trường nhưng lại cho vay ra với lãi suất bình quân cao hơn, với lý do phân khúc khách hàng chiến lược là cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Về vấn đề này, ô Phan Lê Thành Long, CEO AFA Group nhận định: “Chúng tôi quan sát thấy có nhiều ngân hàng thực hiện ngay việc giảm lãi suất đầu vào, nhưng lãi suất đầu ra còn liên quan đến các hợp đồng tín dụng đã được ký kết, và các đặc thù rủi ro của các dự án, hay mục đích vay vốn của khách hàng. Mặt khác, nếu như kéo dài thời gian duy trì lãi suất cho vay cao, tranh thủ lãi suất đầu vào giảm thì các ngân hàng có thể tăng lợi nhuận ít nhất là trong ngắn hạn”.

CEO AFA group cũng nhận thấy, phần lớn những ngân hàng đưa ra mức lãi suất cho vay cao là những ngân hàng thương mại cổ phần quy mô vừa và nhỏ. Trái lại, những ngân hàng lớn, có tiềm lực tài chính và tích lũy lợi nhuận đủ tốt, có khách hàng lớn hơn đều đã có thay đổi khá đáng kể. 

Tuy nhiên đi cùng với việc tranh thủ chênh lệch lãi suất để có lợi nhuận, có rủi ro tăng nợ xấu, thì các ngân hàng cũng phải có động thái cơ cấu lại.

Lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ ra sao?

Ông Phan Lê Thành Long kỳ vọng, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất điều hành thêm một lần nữa.

“Trong bối cảnh lạm phát không còn là yếu tố đáng lo ngại, không còn thấy ai ca điệp khúc ‘tôi đi ra chợ…’ nữa, thì từ nay cho tới hết năm 2023, chúng tôi vẫn kỳ vọng sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất điều hành, để hỗ trợ nền kinh tế” - chuyên gia này nói.  

CEO AFA Group cũng cho rằng, trong bối cảnh lạm phát chưa đáng ngại do nền kinh tế chậm lại, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, thì Việt Nam vẫn có dư địa để áp dụng linh hoạt các chính sách tiền tệ.

Ngoài ra, ông Phan Lê Thành Long chỉ ra một điểm cần lưu ý về lãi suất vào cuối năm. 

Ông Long cho biết, kinh nghiệm ở các nước cho thấy thường lãi suất huy động sẽ tăng vào đầu năm. Tuy nhiên riêng ở Việt Nam thì ngược lại. Lẽ ra, đầu năm thường là thời điểm ngân hàng cần vốn cho các kế hoạch kinh doanh, nhưng đặc thù tại Việt Nam thì lãi suất lại tăng vào cuối năm do nhu cầu "chạy kế hoạch". Nếu kế hoạch chưa đạt, các ngân hàng sẽ đẩy lãi suất huy động tăng lên vào cuối năm để đạt chỉ tiêu.

Nhận định của ông Phan Lê Thành Long được chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền: Lãi suất cho vay có giảm? First Republic Bank tiếp diễn khủng hoảng, bão liệu đã tan?

Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Vì sao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo nhưng lãi suất cho vay chưa giảm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO