Vì sao Microsoft bình an vô sự trước thuế quan?
Khi Microsoft kỷ niệm 50 năm thành lập vào tuần trước với sự kiện tại Seattle nêu bật những phát triển AI mới nhất, các nhà đầu tư có thể thở phào nhẹ nhõm khi cổ phiếu của công ty đã vượt qua được cơn sóng thần thuế quan một cách êm ả hơn những cái tên cùng ngành.
Trong số những công ty công nghệ được gọi là nhóm "Magnificent 7" – bao gồm Apple, Microsoft, Google (Alphabet), Amazon.com, Nvidia, Meta Platforms và Tesla, cổ phiếu của Microsoft trải qua mức giảm ít nhất kể từ khi thông báo về thuế quan toàn cầu được đưa ra.

Microsoft chủ yếu tập trung vào khách hàng doanh nghiệp.
Giá cổ phiếu của Microsoft giảm khoảng 5,8% trong ngày thông báo về thuế quan. Ngược lại, Meta, Apple, Amazon, Nvidia và Tesla đều đã phải chịu mức giảm phần trăm hai chữ số, giảm từ 10% đến 16% và xóa sổ hàng chục tỷ đô la giá trị thị trường.
Chỉ có công ty mẹ của Google là Alphabet có thành tích gần như tốt bằng Microsoft, với cổ phiếu giảm 7%.
Lý giải cho điều này, các nhà phân tích nói với Fortune rằng Microsoft có lợi thế hơn vì công ty không kinh doanh nhiều sản phẩm vật lý hoặc tiêu dùng, những thứ chịu ảnh hưởng trực tiếp của thuế quan.
Hơn nữa, việc Microsoft tập trung vào khách hàng doanh nghiệp đồng nghĩa với việc một phần lớn các luồng doanh thu của công ty gắn liền với các hợp đồng dài hạn, mang lại cho Microsoft sự ổn định hơn.
Trong năm tài chính 2024 của Microsoft, phân khúc đám mây của công ty, bao gồm Azure, là mảng đóng góp doanh thu lớn nhất, tạo ra khoảng 43% tổng doanh thu.
Daniel Newman, CEO của công ty phân tích The Futurum Group, nói với Fortune rằng các công ty ít chịu thuế quan và có doanh thu doanh nghiệp lớn có thể sẽ là "nơi trú ẩn an toàn" và "Microsoft nằm trong số những công ty này".
Rishi Jaluria, giám đốc điều hành tại RBC Capital Markets, chỉ ra rằng Microsoft không miễn nhiễm với thuế quan, nhưng nhìn chung họ có vị thế tốt.
"Mảng kinh doanh lớn nhất của công ty là phần mềm doanh nghiệp, nơi họ bán các ứng dụng đám mây và cơ sở hạ tầng cho khách hàng doanh nghiệp", ông nói. "Ngay cả khi có thuế quan, không biết người ta sẽ đánh thuế các dịch vụ phần mềm đấy như thế nào".
Khách hàng doanh nghiệp khó từ bỏ Microsoft

Mảng phần cứng của Microsoft không đóng góp nhiều vào doanh thu.
Ngược lại, Apple sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuế quan khi iPhone trở nên đắt đỏ và nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, Patrick Moorhead, nhà sáng lập và nhà phân tích chính tại Moor Insights and Strategy cho biết.
Trong khi đó, "Amazon mua hầu hết các sản phẩm từ Trung Quốc. Rủi ro thuế quan sẽ lớn".
Người này cho biết, Microsoft, công ty có các sản phẩm phần cứng chính là máy chơi game xBox và nhiều mẫu máy tính xách tay, bán "ít sản phẩm đến nỗi không có thông tin chi tiết nào được nêu trong báo cáo thu nhập".
Nói một cách dễ hiểu hơn, Apple hay nhiều công ty khác chịu ảnh hưởng thuế quan vì phụ thuộc doanh thu vào sản phẩm vật lý, trong khi Microsoft chủ yếu tập trung vào phần mềm, phần cứng chỉ là thứ yếu.
Tất nhiên, Microsoft có đầu tư vào cơ sở hạ tầng vật lý như các trung tâm dữ liệu lớn để phục vụ cho hệ thống đám mây Azure và công ty gần đây đã gây chú ý khi rút lại hàng chục khoản đầu tư đó trên toàn thế giới.
Nhưng chất bán dẫn, cùng với dược phẩm, gỗ xẻ, vàng thỏi và một số khoáng sản nhất định, hiện đang bị loại khỏi mức thuế quan đối ứng 32% do Tổng thống Trump công bố.
Các nhà phân tích đồng tình rằng việc cắt giảm chi tiêu đến từ khách hàng doanh nghiệp của Microsoft có thể là một thách thức.
Nhưng dù khó có thể nói trước điều gì sẽ xảy ra trong những tuần và tháng tới, ngay cả khi có nhiều mức thuế quan đối ứng gây ra suy thoái, Microsoft vẫn an toàn nhiều hơn so với các công ty tập trung vào người tiêu dùng, Jaluria cho biết.
Nhiều dịch vụ mà Microsoft cung cấp quan trọng đối với việc điều hành doanh nghiệp đến nỗi không dễ cắt giảm.
Ngoài ra, Newman của Futurum Group cho rằng AI có tác dụng giảm phát - nghĩa là nó có thể giảm chi phí bằng cách tự động hóa các tác vụ - đây là lĩnh vực mà Microsoft đang đầu tư mạnh mẽ thông qua phần mềm Copilot và các dịch vụ AI Azure.
"Tôi hy vọng các công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào AI và các công cụ khác giúp họ giảm chi phí hoạt động và cắt giảm hoặc quản lý số lượng nhân viên", Newman cho biết.