Thị trường chứng khoán vừa trải qua phiên giao dịch đầu tuần 28/10 tương đối ảm đạm với khối lượng khớp lệnh trên HoSE chưa đầy 447 triệu đơn vị. Giá trị khớp lệnh tương ứng đạt hơn 10.000 tỷ đồng, giảm 19% so với phiên liền trước và là mức thấp nhất trong vòng hơn 1 tháng kể từ giữa tháng 9/2024.
Thanh khoản lình xình là xu hướng kéo dài trong nhiều tháng qua trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Giá trị giao dịch bình quân chỉ hơn 14.500 tỷ đồng/phiên trong quý 3/2024, giảm 15% so với quý trước. Thanh khoản ngày càng teo tóp ghi nhận giữa lúc thị trường đang trải qua mùa BCTC, những thông tin lợi nhuận được hé lộ cũng không thể kích thích dòng tiền giao dịch sôi động hơn.
Không loại trừ khả năng một lượng tiền lớn đã được nhà đầu tư rút ra khỏi thị trường. Theo thống kê, số dư tiền gửi khách hàng tại các CTCK vào cuối quý 3/2024 đạt khoảng 91.000 tỷ đồng, giảm 4.000 tỷ đồng so với quý liền trước, đánh dấu quý thứ 2 liên tiếp lượng tiền này sụt giảm so với quý liền trước. Đây hầu hết là tiền gửi của nhà đầu tư chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý. Lượng tiền này đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm 30/9/2024.
Đặc biệt, chứng khoán cũng phải đối diện thêm sự cạnh tranh gay gắt hơn tới từ các kênh đầu tư vào các lớp tài sản khác. Tính từ đầu năm đến nay, vàng miếng ghi nhận hiệu suất sinh lời 18%, trong khi vàng nhẫn lên tới 35%. Hiện giá vẫn neo cao ở mốc 89 triệu đồng/lượng. Thị trường bất động sản cũng chứng kiến mức tăng giá chóng mặt, đặc biệt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng Bitcoin cũng đang giao dịch ở mức 67.591 USD/coin, vượt đỉnh lịch sử vùng trên 65.000 USD từng lập vào tháng 11/2021 và là mức cao nhất của đồng tiền số này từ trước tới nay, tương đương khoảng 1,7 tỷ đồng/coin. Trong khi đó, tỷ giá USD/VNĐ cũng “nóng” trở lại trong những tuần qua phần nào tạo thêm áp lực lên thị trường chứng khoán.
Ngay cả kênh đầu tư an toàn như gửi tiết kiệm cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Thống kê từ NHNN cho biết lượng tiền gửi của dân cư vào ngân hàng Việt Nam đang ở mức cao chưa từng có, đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024. Số tiền này đã tăng thêm hơn 305.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tương ứng với mức tăng trưởng 4,68%.
Trong báo cáo mới nhất, SGI Capital cho rằng thanh khoản thị trường đang chịu áp lực từ những yếu tố chưa thuận lợi. Trong đó, việc bất động sản thực nóng lên đang là tâm điểm hút dòng tiền nội. Trong chu kỳ 2010 – 2011, thị trường bất động sản phía Bắc xảy ra sốt nóng cũng đồng thời với giai đoạn thanh khoản của thị trường chứng khoán cạn kiệt và lãi suất ngân hàng nhích tăng. USD-Index tăng lại gần đây cũng đang khiến dòng tiền nóng đảo chiều quay lại bán ròng các thị trường trong khu vực ngoại trừ Trung Quốc. Do đó, thanh khoản của TTCK sẽ khó cải thiện nếu thiếu dòng tiền ngoại mua ròng mạnh.
“Thị trường chứng khoán không kéo dài sự tích cực với thông tin vĩ mô tốt trong tháng 9 phần nào thể hiện sự khó khăn trong việc thu hút dòng tiền mới trong bối cảnh khan hiếm các cơ hội hấp dẫn”, SGI Capital nhận định.
Việc chỉ số chính VN-Index nhiều lần vượt cản 1.300 điểm không thành công dẫn tới thị trường chưa thể xác nhận một xu hướng tăng ngắn hạn. Điều này cũng có ảnh hưởng nhất định đến tâm lý nhà đầu tư, khó đưa ra quyết định. Theo ông Lã Giang Trung , CEO Passion Investment, P/E thị trường hiện đang ở mức 13 lần, không thấp nhưng cũng không quá cao, song xét về các nhóm cổ phiếu lại đang ở trạng thái phân cực về định giá. Nếu bỏ tiền vào nhóm định giá rất cao thì không hợp lý, bỏ tiền vào nhóm định giá thấp lại lăn tăn vì quá khó.
"Tôi nghĩ rằng thị trường đang ở giai đoạn rất khó để lựa chọn, nhưng với quan điểm đầu tư an toàn thì định giá rẻ vẫn là ưu tiên", ông Lã Giang Trung cho hay.