Lúa mì là một trong những mặt hàng lương thực quan trọng của thế giới và tại Việt Nam, nguồn cung lúa mì của nước ta chủ yếu đến từ nhập khẩu. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2024 cả nước nhập khẩu 482 nghìn tấn với trị giá hơn 128 triệu USD, giảm 42,8% về lượng và giảm 43,4% về kim ngạch so với tháng trước đó.
Lũy kế trong 10 tháng đầu năm lượng lúa mì nhập khẩu của cả nước đạt hơn 5,01 triệu tấn, tương đương hơn 1,37 tỷ USD, tăng 35% về lượng và tăng 7,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Giá nhập khẩu bình quân đạt 274 USD/tấn, giảm mạnh 20,6% so với năm trước.
Đáng chú ý trong số các thị trường nhập khẩu, Ukraine bất ngờ vươn lên trở thành nhà cung cấp lớn nhất của Việt Nam với hơn 1,37 triệu tấn, trị giá hơn 351 triệu USD, tăng mạnh 879% về lượng và tăng 800% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023 và vượt qua các nhà cung cấp chủ đạo của Việt Nam từ xưa đến nay là Brazil, Úc, Mỹ, Canada,... Giá nhập khẩu bình quân đạt hơn 254 USD/tấn, giảm 8,1% so với 10T/2023.
Chỉ riêng trong tháng 10, thị trường này đã cung cấp cho Việt Nam hơn 248 nghìn tấn lúa mì với kim ngạch hơn 63 triệu USD, tăng mạnh 329,4% về lượng, tăng 304,2% kim ngạch so với tháng 10/2023.
Ukraine hiện là nước trồng lúa mì và ngô lớn trên toàn cầu. Trước khi xảy ra cuộc xung đột với Nga vào năm 2022, Ukraine xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng qua các cảng trên Biển Đen. Tại Ukraine, theo Bộ Nông nghiệp nước này, nông dân đã hoàn thành khoảng 92% kế hoạch trồng lúa mì vụ đông tính đến ngày 28/10. Tuy nhiên, do hạn hán kéo dài từ mùa hè đến đầu thu, nông dân buộc phải trồng lúa mì trên đất khô cằn, khiến cây trồng chậm phát triển và năng suất bị đe dọa. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới triển vọng sản lượng lúa mì năm tới của Ukraine.
Ngoài thị trường Ukraine, Brazil là nhà cung cấp đứng thứ 2 với sản lượng đạt 1,17 triệu tấn, tương đương trên 293,14 triệu USD, tăng mạnh 348,9% về lượng và tăng 205,9% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Giá trung bình 249,6 USD/tấn, giảm 32% so với 10 tháng đầu năm 2023.
Tiếp đến thị trường Australia với hơn 948 nghìn tấn, tương đương 292 triệu USD, giảm mạnh 63,2% về lượng và giảm 66,8% kim ngạch. Giá nhập khẩu đạt bình quân 308,5 USD/tấn, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội chăn nuôi, lúa mì chủ yếu được sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp. Việt Nam không sản xuất lúa mì, vì vậy nguồn cung phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Giá lúa mì nhập khẩu năm nay lao dốc với mức giảm gần 22% so với năm ngoái, khiến các doanh nghiệp tận dụng cơ hội giá rẻ, đặc biệt từ Ukraine để gia tăng lượng nhập khẩu.
Thị trường lúa mì toàn cầu rất lớn, với sản lượng khoảng 770 triệu tấn mỗi năm và giá trị vượt 200 tỷ USD. Các quốc gia xuất khẩu chính bao gồm Nga, Mỹ, Canada và Ukraine. Việt Nam, với khối lượng nhập khẩu này, đứng trong top 10 quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.
USDA dự báo tiêu thụ lúa mì toàn cầu trong năm 2024/25 tăng 4,1 triệu tấn lên mức kỷ lục 804 triệu tấn, chủ yếu nhờ lượng thức ăn chăn nuôi và cho các mục đích khác cao hơn ở EU, Kazakhstan và Ukraine. Bên cạnh đó là nhu cầu sử dụng lúa mì làm thực phẩm, hạt giống và công nghiệp (FSI) cao hơn ở Nigeria và Algeria.