Tại Trung Quốc, có một tỷ phú “ngắn hạn” mất hai năm để lọt vào top người giàu nhất Trung Quốc. Ông chính là Lý Hà Quân được mệnh danh là “Ông vua quang điện”, Chủ tịch Tập đoàn Hanergy.
Theo tạp chí Forbes, Lý Hà Quân đã có tài sản ròng lên tới 32,7 tỷ USD vào tháng 4 năm 2015, là người giàu nhất Trung Quốc.
Chàng thư sinh nghèo với niềm tin học tập sẽ thay đổi số phận
Lý Hà Quân sinh ra tại Quảng Đông, Trung Quốc. Lớn lên trong một gia đình nông thôn bình thường. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, ông đỗ Đại học Giao thông Bắc Kinh, là sinh viên đại học duy nhất trong làng vào thời điểm đó.
Cuộc sống đại học đa sắc màu, Lý Hà Quân bèn nghĩ cách đi làm thêm giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình. Năm hai đại học, ông lập một nhóm bạn cùng nhau bán một vài món đồ tạp hóa tại căng tin trường.
Từ việc bán hàng này, Lý Hà Quân bộc lộ được tài năng kinh doanh hơn người, đồng thời trải nghiệm cảm giác thành tựu khi kiếm tiền. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã kiếm đủ tiền học phí và chi phí sinh hoạt, ông còn nổi tiếng trong trường với tên gọi là “Ông chủ Lý”.
Tuy nhiên, Lý Hà Quân không vì kiếm tiền mà bỏ bê việc học, ông vẫn duy trì học lực xuất sắc và giành được học bổng hàng năm.
Năm 22 tuổi, người thầy đại học cho ông vay vốn 50.000 NDT để khởi nghiệp. Với số tiền này, Lý Hà Quân thành lập Tập đoàn Hanergy.
Tuy nhiên, lần đầu tiên khởi nghiệp không suôn sẻ như ông tưởng tượng, kinh doanh ngoài xã hội khác hoàn toàn so với trường học. Ông bị một vài người có ý xấu lợi dụng, chưa đến 3 tháng đã dùng hết số vốn để đền bù cho người ta.
Tuy nhiên, Lý Hà Quân không hề bị đánh bại trước khó khăn, ông đã dành cả ngày ở Zhongguancun (một trung tâm công nghệ tại Bắc Kinh), vừa nghiên cứu vừa phát triển công ty. Chưa đầy một năm, ông đã trả lại số tiền nợ cho thầy của mình.
Liên tiếp tạo nên những huyền thoại kinh doanh
Mặc dù công ty phát triển nhanh chóng, nhưng thiếu ngành công nghiệp chính và vẫn chưa có kế hoạch phát triển rõ ràng trong tương lai. Sau nhiều lần nghiên cứu thị trường, Lý Hà Quân nhận thấy thị trường nhà máy điện đang phát triển tốt nên ông đã mua một nhà máy thủy điện nhỏ ở quê nhà với giá 10 triệu NDT.
Các dự án thủy điện là một lĩnh vực kinh doanh tốt, mặc dù cần đầu tư thời gian, sức lực và tiền bạc khá nhiều trong giai đoạn đầu, nhưng lợi nhuận khổng lồ. Lý Hà Quân nhận thấy tiềm năng trong ngành này lớn hơn so với những gì ông tưởng tượng.
Vào thời điểm đó, chính phủ Trung Quốc đang thực hiện các chính sách liên quan. Lý Hà Quân đã được mời đến Vân Nam để khảo sát và đầu tư, ông nhận thấy rằng điều kiện nơi đây rất có tiềm năng để phát triển nhà máy thủy điện 100 triệu kilowatt.
Sau nhiều lần thương lượng, tập đoàn Hanergy tiếp nhận xây dựng công trình thủy điện Kim An Kiều. Từ 2002 đến 2011 kéo dài 8 năm, ông liên tiếp đầu tư hơn 20 tỷ NDT vào dự án nhà máy thủy điện này. Để ứng phó với các khoản đầu tư đắt đỏ, Lý Hà Quân đã bán các nhà máy điện mà mình xây dựng trước đây và trích khoản dự phòng rủi ro.
Nhà máy thủy điện Kim An Kiều
Có người nói rằng, “Lý Hà Quân thật điên rồ khi đem bỏ tất cả quả trứng vào một chiếc giỏ.”
Tuy nhiên, nhà máy thủy điện Kim An Kiều là nhà máy điện do tư nhân xây dựng lớn nhất thế giới cho đến nay, nằm trên sông Kim Sa với độ cao hơn 2.000 mét so với mực nước biển.
Tổng công suất lắp đặt của nhà máy thủy điện Kim An Kiều đạt 3 triệu kilowatt, lớn hơn 30% so với đập Hoover ở Hoa Kỳ và 10% so với nhà máy thủy điện Gezhouba ở Trung Quốc.
Sau khi dự án hoàn thành, lợi nhuận ròng đạt hơn 2 tỷ mỗi năm. Lý Hà Quân trở thành người giàu nhất Quảng Đông và Tập đoàn Hanergy trở thành một cái tên rất quen thuộc.
Lý Hà Quân chuyển sự chú ý sang ngành công nghiệp quang điện (pin mặt trời), bắt đầu huyền thoại kinh doanh thứ hai. Sau thành công xây dựng nhà máy thủy điện, Lý Hà Quân đã lãnh đạo một đội nhóm chuyên nghiệp đầu tư xây dựng 8 cơ sở sản xuất năng lượng mặt trời màng mỏng.
Kể từ năm 2010, ông đã mua lại Solibro ở Đức, MiaSolé, Global Solar Energy và Alta Devices ở Mỹ nhằm đưa công nghệ pin mặt trời nước ngoài về Trung Quốc với chi phí 50 tỷ NDT. Cùng với kỹ thuật tiên tiến, Hanergy nhanh chóng dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng mặt trời màng mỏng toàn cầu.
Năm 2013, Hanergy của Lý Hà Quân cuối cùng đã được niêm yết. Vào năm 2014, giá cổ phiếu bắt đầu tăng vọt, từ 1,8 đô la Hồng Kông tăng đến 9,07 đô la Hồng Kông trên mỗi cổ phiếu.
Đến tháng 3 năm 2015, giá trị thị trường của Hanergy hơn 300 tỷ đô la Hồng Kông. Khối tài sản của Lý Hà Quân cũng vượt qua ông chủ Alibaba Mã Vân và người giàu nhất Hồng Kông Lý Gia Thành, trở thành người giàu nhất Trung Quốc thời điểm bấy giờ.
Tiềm ẩn các rủi ro khi Hanergy đặt chân vào ngành công nghệ quang điện
Tuy nhiên, vì bước tiến quá nhanh, các khoản nợ còn tồn đọng rất nhiều. Nếu như Lý Hà Quân đi chậm lại, chờ lợi nhuận của nhà máy thủy điện thì các khoản vay hẳn sẽ nhanh chóng được giải quyết. Nhưng ông bất chấp sự phản đối của mọi người, đầu tư một khoản tiền lớn vào ngành công nghiệp quang điện.
Ngày 20/5/2015, cổ phiếu của Hanergy bất ngờ rớt giá nghiêm trọng, giảm 33,27% trong một phút. Trong cùng ngày, giá trị thị trường của Hanergy đã bốc hơi 144,2 tỷ đô la Hồng Kông, tài sản của Lý Hà Quân cũng bốc hơi gần 100 tỷ đô la Hồng Kông.
Ủy ban điều tiết chứng khoán Hồng Kông đã đình chỉ giao dịch cổ phiếu của Hanergy vào tháng 7/2015 do nghi ngờ giao dịch nội bộ, thao túng giá cổ phiếu.
Tháng 6/2019, sau 4 năm chật vật, Hanergy không còn hy vọng giao dịch trở lại và bị hủy niêm yết. Hàng trăm nhân viên kéo đến trụ sở Hanergy để đòi lương. Tháng 7/2020, ông tuyên bố phá sản, đế chế Hanergy trị giá 300 tỷ sụp đổ. Lý Hà Quân từ một tỷ phú trở thành “chúa chổm”.
Lý Hà Quân có sự nhạy bén trong kinh doanh và tài năng hơn người bình thường, nhưng ông lại quá “hiếu thắng” trên con đường khởi nghiệp, dẫn đến mọi thứ sụp đổ. Nếu như ông đi chậm lại có thể Hanergy đã có một chỗ đứng trong lĩnh vực xe hơi năng lượng hiện nay.