Tỷ lệ nợ xấu thực không dừng lại ở con số báo cáo hiện nay

Huyền Anh | 21:26 25/06/2022

“Tỷ lệ nợ xấu không dừng lại ở con số Ngân hàng Nhà nước báo cáo hiện nay, mà đang nằm ở những khoản chưa phải là nợ xấu, nhưng sẽ trở thành nợ xấu trong tương lai rất gần”, TS. Vũ Đình Ánh nhận định.

Tỷ lệ nợ xấu thực không dừng lại ở con số báo cáo hiện nay
Việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu chỉ là giải pháp tạm thời. (Ảnh: Int)

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, vấn đề nợ xấu có thể trở thành tâm điểm của thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2022, khi mà tỷ lệ nợ xấu gộp đang ở mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, phá vỡ thành quả tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016 - 2020.

Do có độ trễ, nợ xấu nội bảng được dự báo có thể lên mức 2,3-2,5% và nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% trong năm 2022, và có thể còn ở mức cao hơn từ năm 2024.

Nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% năm 2022

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được trên 1,3 triệu tỷ đồng nợ xấu; trong đó, giai đoạn 2012-2015 xử lý được 493,1 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2016-2021 xử lý được trên 800 nghìn tỷ đồng.

Tổng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 368,9 nghìn tỷ đồng không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro. Số nợ xấu được xác định là được xử lý thu hồi trong giai đoạn từ ngày 15/8/2017 đến cuối năm 2021, đạt trung bình khoảng 6,92 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,94 nghìn tỷ đồng/tháng so với giai đoạn trước khi có Nghị quyết số 42 (giai đoạn năm 2012 - 2017). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2016-2021 được duy trì dưới mức 3%.

Việc Quốc hội thể chế hóa hoạt động xử lý nợ xấu thông qua việc xây dựng và ban hành Nghị quyết 42 là nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động xử lý nợ xấu, tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất và đồng bộ về xử lý nợ xấu; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc xử lý hiệu quả, dứt điểm nợ xấu, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, nợ xấu có nguy cơ tăng mạnh trở lại. Nguyên nhân một phần do khách hàng vay vốn gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19, đã được khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn nợ, nhưng hết thời gian được giãn nợ, gia hạn nợ mà vẫn chưa hết khó khăn, chưa có nguồn để trả nợ đúng hạn.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến hết năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,5%, nhưng nếu tính cả nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản nợ được cơ cấu lại thì tỷ lệ nợ xấu gộp có thể khoảng 6,3% (so với mức 5,1% cuối năm 2020).

Với đà này, dự báo nợ xấu nội bảng có thể lên mức 2% và nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% năm 2022 và sẽ là thách thức khi các chính sách giãn hoãn nợ, cơ cấu lại nợ và Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu hết hiệu lực.

Ngân hàng Nhà nước dự kiến nợ xấu theo Nghị quyết số 42 có thể tăng lên mức 430.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022 và 453.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024 (tại thời điểm 31/12/2021 là 412.700 tỷ đồng).

Giải toả sức ép về nợ xấu

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại về các khoản nợ sẽ trở thành nợ xấu “trong tương lai”: “tỷ lệ nợ xấu không dừng lại ở con số Ngân hàng Nhà nước báo cáo hiện nay, mà đang nằm ở những khoản chưa phải là nợ xấu, nhưng sẽ trở thành nợ xấu trong tương lai rất gần”.

Ví dụ, các khoản nợ nhà băng của FLC, Tân Hoàng Minh hiện có thể chưa phải là nợ xấu, thậm chí còn được đánh giá là tốt, nhưng sau khi 2 ông chủ bị bắt, các nhà băng cho vay đều tìm cách thu nợ càng sớm càng tốt, kể cả chấp nhận đòi trước hạn. Nếu các bên vay chưa thể “xoay” kịp để trả nợ, thì khoản nợ đó sẽ biến thành nợ xấu.

Việc nhà băng đòi nợ trước hạn đối với dự án bất động sản chắc chắn không dừng lại ở 2 doanh nghiệp từng “nổi đình, nổi đám” trên thị trường bất động sản này, mà có thể sẽ lan đến các dự án bất động sản khác theo hiệu ứng dây chuyền.

Đồng tình, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, các ngân hàng cũng đang chịu sức ép lớn về nợ xấu những tháng cuối năm. “Hiện nay, nợ xấu bị che giấu bởi quy định giãn, hoãn nợ. Bắt đầu từ tháng 6, quy định này sẽ không còn nữa, số nợ xấu tăng nhiều hơn, trích lập dự phòng rủi ro cũng tăng lên. Nguồn tiền thu từ nợ về cho vay sẽ giảm và lãi suất (cả huy động và cho vay) sẽ tăng.

Báo cáo tài chính quý I/2022 của các ngân hàng cho thấy, tình hình nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng xấu đi trong quý I/2022. Nguyên nhân một phần là việc phân loại lại các khoản nợ tái cơ cấu thành nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) hoặc nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) sau khi hết thời hạn tái cơ cấu. Tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng tương đối mạnh ở hầu hết ngân hàng.

Chẳng hạn, Vietcombank là ngân hàng mà cả ba nhóm nợ 3, 4, 5 đều tăng so với cuối năm 2021, trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng gần gấp đôi, nợ nhóm 4 tăng 75% và nợ nhóm 5 tăng 18%.

Tại Vietinbank, hai nhóm nợ 3 và 4 đều giảm mạnh nhưng riêng nợ nhóm 5 lại tăng mạnh 36%. Tương tự như tại BIDV, cũng có nợ nhóm 3 và 4 giảm so với đầu năm, chỉ có nợ nhóm 5 tăng với mức tăng 19%. Đến cuối quý này, BIDV cũng là ngân hàng có con số tuyệt đối nợ nhóm 5 cao nhất với 8.683,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng tăng mạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu như: tại BIDV, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng tăng mạnh lên trên 277%. Còn Vietcombank có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt mức cao nhất ngành là 424%, Vietinbank gần 200%...

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng đánh giá, từ khi đại dịch Covid -19 bùng phát, nợ xấu tăng lên rất nhanh. Để thực hiện mục tiêu phấn đấu xử lý và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức dưới 2% trong thời gian tới là thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tỷ lệ nợ xấu thực không dừng lại ở con số báo cáo hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO