Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 với lợi nhuận trước thuế còn 6,9 tỷ đồng, giảm tới 22,68% so với cùng kỳ năm trước, dù không trích lập chi phí dự phòng rủi ro.
Cụ thể, so với quý 1/2022, thu nhập lãi thuần của BaoVietBank giảm mạnh 34,12% xuống mức 119,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, hoạt động từ mua bán chứng khoán đầu tư báo lỗ 110,9 tỷ đồng (cùng kỳ cũng lỗ 63,4 tỷ đồng) và lãi từ dịch vụ giảm xuống còn 15,5 tỷ đồng, tương đương giảm 17,81%.
Điểm sáng duy nhất trong hoạt động kinh doanh của BaoVietBank trong kỳ này lãi từ kinh doanh ngoại hối thu về hơn 18 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước và lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 9,4 tỷ đồng, tăng 28,54%; Hoạt động khác lãi 141,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lãi gần 11,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý trong quý 1/2023, trong bối cảnh nợ xấu tiếp tục tăng mạnh nhưng nhà băng này không trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của BaoVietBank vẫn lao dốc tới 22,69% xuống còn 5,5 tỷ đồng.
Tính tới ngày 31/3/2023, tỉ lệ nợ xấu nội bảng của BaoVietBank tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, Nợ nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn) của nhà băng giảm 1,78% so với hồi đầu năm xuống mức 30.593,2 tỷ đồng; Nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) tăng 46,97% lên mức 1.380,7 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ xấu nội bảng của BaoVietBank có sự dịch chuyển từ Nợ nhóm 3 và Nợ nhóm 4 sang Nợ nhóm 5. Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) giảm 54,64% xuống còn 115,2 tỷ đồng; Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) cũng giảm nhẹ 0,64% xuống 108,2 tỷ đồng; Đặc biệt, Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh 80,89% đạt mức gần 1.349,9 tỷ đồng, chiếm 85,79% trong tổng nợ xấu.
Do đó, chỉ sau 3 tháng đầu năm, tổng nợ xấu nội bảng của BaoVietBank đạt 1.573,4 tỷ đồng, tăng 41,84%. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng này tăng từ mức 3,34% đầu năm lên 4,69%, vượt mức quy định của Ngân hàng Nhà nước (3%).
Đáng lưu ý, BaoVietBank đang sở hữu khoản nợ xấu 2.614,4 tỷ đồng dưới dạng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Do đó ngân hàng này phải trích lập dự phòng 864,3 tỷ đồng cho khoản nợ này.
Theo báo cáo tài chính của BaoVietBank cho thấy, ở khoản chứng khoán đầu tư đạt mức 13.715,8 tỷ đồng, giảm 29,29% so với đầu năm. Trong đó, chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán bao gồm chứng khoán Nợ là 11.750,1 tỷ đồng, dự phòng rủi ro cho khoản này là 25,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, Chứng khoán đầu tư giữ đến này đáo hạn bao gồm giá trị chứng khoán Nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành là 349 tỷ đồng, ngân hàng đã trích ra 108,3 tỷ đồng dự phòng rủi ro cho khoản này.
Kết thúc quý 1/2023, tổng tài sản của BaoVietBank đạt 75.211,5 tỷ đồng, giảm 3,91% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm đến 61,23% xuống còn 450,2 tỷ đồng; Cho vay và cho thuê tài chính khách hàng tăng nhẹ 1,06% lên 33.547,2 tỷ đồng,...
Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng 6,53% so với đầu năm lên mức 44.085,7 tỷ đồng; Tiền gửi và vay các TCTD khác giảm 15,93% xuống còn 23.850,8 tỷ đồng,... Ngoài ra, phát hành giấy tờ có giá gần như đi ngang so với đầu năm ở mức 1.924,8 tỷ đồng; Các khoản nợ khác tăng 20,76% lên mức 1.618,2 tỷ đồng.
Trước đó, vào năm 2022, BaoVietBank là 1 trong 8 ngân hàng bị thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng trong hệ thống.