Trong báo cáo mới phát hành của ADB về Việt Nam, Việt Nam đã và đang trên con đường chuyển đổi bền vững từ một quốc gia thu nhập thấp sang quốc gia thu nhập trung bình kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới vào năm 1986. Tốc độ tăng trưởng nhanh (bình quân hơn 6,8% hàng năm trong giai đoạn 1990–2019) đã biến Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất ở châu Á thành một trong những nền kinh tế năng động nhất trên thế giới. Việt Nam đạt được vị thế quốc gia thu nhập trung bình thấp vào năm 2010, và GDP bình quân đầu người đạt 3.684 USD vào năm 2021. Sang năm 2022, mức GDP trên đầu người của Việt Nam tiếp tục cải thiện lên 3.869USD/người.
Những số liệu hiện tại cho thấy, người Việt Nam đã đạt mức tích lũy tài sản tăng nhanh những năm vừa qua. Theo kinh nghiệm phát triển của ngành quản lý tài sản ở các nước phát triển, bây giờ là thời cơ vàng để các Ngân hàng, công ty chứng khoán vào cuộc đua cung ứng dịch vụ giúp những người có nhu cầu gia tăng tài sản một cách an toàn bền vững, tối ưu hóa dòng tiền.
Hấp lực của ngành quản lý tài sản
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào một mùa quan trọng: Mùa đại hội cổ đông thường niên năm 2023. Năm nay, dù nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng có nhiều biến động nhưng kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng, công ty chứng khoán, tổ chức tài chính lớn đều cho thấy bức tranh rất khả quan của ngành tài chính. Đặc biệt, trong mùa Đại hội năm nay, nhiều nhà đầu tư đang ngóng đợi thông tin liên quan động thái nhiều ngân hàng đi bước tiến lớn trong ngành: tích cực mua công ty tài chính/ chứng khoán để hoàn thiện hệ sinh thái.
Theo tài liệu Đại hội cổ đông của VPBank, ngân hàng này xin ý kiến cổ đông mua hoặc thành lập các công ty con để hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực được phép. Tài liệu của VPBank nhấn mạnh từ “các công ty con” nhưng không nói rõ là bao nhiêu công ty; tài liệu cũng không nêu rõ ngành nghề nào nhưng trong các thông tin “bao gồm nhưng không giới hạn” thì VPBank có ghi chú rất nhiều ngành nghề liên quan đến thị trường chứng khoán trong đó có ngành quản lý tài sản.
Tổ chức ĐHCĐ vào 26/4 tới đây, HDBank (mã chứng khoán: HDB) cũng công bố nhiều kế hoạch kinh doanh đột phá trong đó đáng chú ý là kế hoạch mua lại một công ty chứng khoán.
Trước 2 ngân hàng này, rất nhiều công ty chứng khoán cũng đã nâng tầm lại dịch vụ Quản lý tài sản và quảng bá rộng rãi tới nhà đầu tư. Đơn cử như hồi cuối năm 2022, Chứng khoán SSI đã quay trở lại “educate” nhà đầu tư về dịch vụ quản lý tài sản của mình.
Vì sao các tổ chức tài chính nói chung lại sốt sắng với việc đẩy nhanh dịch vụ Quản lý tài sản đến thế? Lý do có nhiều nhưng điều dễ thấy nhất đó là thị trường chứng khoán thời gian qua đã chứng kiến những biến động rất mạnh, nhà đầu tư nhỏ lẻ ít kinh nghiệm là những người thiệt hại nặng nề nhất. Đương nhiên, những công ty tài chính sẽ nhìn ngay được “nỗi khổ” của nhà đầu tư và mong muốn giới thiệu đến cho họ sản phẩm an toàn, bền vững hơn: Dịch vụ quản lý tài sản.
Ở Việt Nam, dịch vụ Quản lý tài sản hình thành đã lâu nhưng chưa phải đại trà. Tại nhiều quốc gia phát triển, quản lý tài sản không chỉ là ngành hái ra tiền cho các Tập đoàn tài chính mà còn cho cả những nhà đầu tư muốn sinh lời tài sản một cách an toàn. Hầu hết các ngân hàng lớn trên thế giới đều coi mảng dịch vụ Quản lý tài sản là mảng chủ đạo trong hoạt động kinh doanh và nếu quan sát kỹ, nhà đầu tư sẽ thấy những tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới và khu vực khi vào Việt Nam cũng sẽ có mô hình Ngân hàng – Công ty chứng khoán kết hợp kiểu 2 như 1, những cái tên như Mirae Asset; Yuanta, Maybank, Hongleong; Shinhan…
Tại sao việc ngân hàng – CTCK hay nhỏ hơn một chút là dịch vụ quản lý tài sản mà các CTCK, ngân hàng đang triển khai lại hấp dẫn đến vậy? Theo kinh nghiệm của các quốc gia phát triển đã đi trước, thông thường, khi thu nhập và tài sản tích lũy tăng lên thì nhu cầu của người dân trong việc bảo toàn và gia tăng tài sản bền vững trở thành điều tất yếu. Đối với nhiều người thuộc giới trung, thượng lưu, họ sẽ không tự mình quản lý tài sản bởi việc đầu tư tự thân bởi cả yếu tố mất thời gian nghiên cứu đầu tư lẫn khó khăn trong đa dạng hóa danh mục để phòng ngừa rủi ro. Để đầu tư an toàn, nhà đầu tư thường sẽ chọn bên quản lý tài sản là các Ngân hàng, Công ty chứng khoán…chuyên nghiệp để nhận được “trọn gói” từ dịch vụ tư vấn, quản lý đầu tư và tài chính toàn diện. Thậm chí, tại nhiều quốc gia, khách hàng sẽ được cung cấp dịch vụ A-Z từ tư vấn đầu tư, hướng dẫn thuế, lên kế hoạch bất động sản, kế hoạch nghỉ hưu, thừa kế và thậm chí hỗ trợ pháp lý.
Cạnh tranh mảng dịch vụ quản lý tài sản, đâu là những lợi thế cần có?
Nhìn thấy mảnh đất màu mỡ về Quản lý tài sản nên mấy năm gần đây, nhiều ngân hàng và công ty chứng khoán lớn đã tích cực phát triển dịch vụ. Nhiều tổ chức đã sớm nhìn thấy các mảnh ghép lớn tạo nên lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực này nên liên tục hoàn thiện các sản phẩm dịch vụ để “khép kín” được nhu cầu của khách hàng bởi khách hàng dùng dịch vụ này thường yêu cầu rất cao.
Theo chuyên gia trong lĩnh vực, 2 yếu tố CẦN tạo nên thành công của ngành quản lý tài sản là năng lực đa dạng giải pháp tài chính và năng lực hỗ trợ cá nhân hóa nhu cầu. Để làm được yếu tố đa dạng giải pháp tài chính, các bên cung ứng dịch vụ phải chạy đua phát triển nhiều sản phẩm khác nhau để chinh phục được khách hàng với các yêu cầu cá nhân khác nhau.
Nhưng, yếu tố ĐỦ để tạo ra sự thành công đột phá của ngành quản lý tài sản là có rổ tài sản an toàn sẵn để khách hàng lực chọn rót tiền đầu tư.
Bình luận về trường hợp VPBank hay HDBank đều đang muốn có thêm công ty con trong lĩnh vực chứng khoán liệu có “cửa sáng” cạnh tranh với các ngân hàng, công ty chứng khoán lớn đã triển khai dịch vụ quản lý tài sản từ nhiều năm nay hay không, giới phân tích cho rằng câu trả lời là Có. Riêng HDBank được giới chuyên môn đánh giá có một lợi thế riêng ít bên (dù đã hình thành dịch vụ từ rất lâu) có là “rổ tài sản an toàn”. Đây là yếu tố ĐỦ có thể giúp ngân hàng đạt được thành công trong lĩnh vực quản lý tài sản.
Nhiều năm qua, HDBank đã thực hiện chiến lược “Nguồn vốn xanh – Đầu tư xanh”. Chiến lược này giúp HDBank là bên cung ứng nguồn vốn xanh cho rất nhiều doanh nghiệp kiến tạo tài sản xanh, bền vững cho xã hội. Những tài sản này thông thường là “gu” đầu tư của những người sử dụng dịch vụ quản lý tài sản bởi khả năng sinh lời ổn định, bền vững cho nhà đầu tư.
Cho đến thời điểm hiện tại, HDBank vẫn chưa lên tiếng công bố lý do vì sao trình Đại hội cổ đông mua lại một công ty chứng khoán. Tuy nhiên, theo giới phân tích, hấp lực của ngành quản lý tài sản chính là lý do HDBank đặt mục tiêu mua lại công ty chứng khoán.