Các đối thủ của Intel là TSMC và Broadcom đều đang để mắt đến các thỏa thuận tiềm năng được cho là có thể chia tách biểu tượng sản xuất chip của Mỹ. Theo nguồn tin thân cận, Broadcom đã xem xét kỹ lưỡng hoạt động kinh doanh thiết kế chip và tiếp thị của Intel, sau đó thảo luận không chính thức với các cố vấn về việc đấu thầu. Tuy nhiên, ông lớn này sẽ chỉ làm vậy nếu tìm được đối tác.
Riêng TSMC đã nghiên cứu việc kiểm soát một phần hoặc toàn bộ các nhà máy sản xuất chip của Intel. Phía Broadcom và TSMC không hợp tác với nhau và tất cả các cuộc đàm phán cho đến nay đều chỉ là sơ bộ, không chính thức.
Khó khăn đang khiến Intel trở thành mục tiêu của các thương vụ mua lại. Kịch bản xấu nhất có thể là sự sụp đổ của Intel sau suốt khoảng thời gian dài biểu tượng của nước Mỹ thống trị hoạt động sản xuất bộ xử lý trung tâm cho cả máy tính cá nhân và trung tâm dữ liệu.
Kế hoạch chia tách Intel được cho là phù hợp với sự thay đổi trong ngành. Frank Yeary, chủ tịch điều hành tạm thời của Intel, đã dẫn đầu các cuộc thảo luận với người mua tiềm năng và quan chức chính quyền ông Trump. Mục tiêu lớn nhất là tối đa hóa giá trị cho các cổ đông của Intel.
Khó khăn của Intel bắt đầu khi công ty này tụt hậu so với TSMC trong việc sản xuất chip nhanh, có bóng bán dẫn nhỏ. Bản thân Intel cũng đã thất bại trong một nỗ lực xoay chuyển tình thế đầy tham vọng dưới thời Tổng giám đốc điều hành Pat Gelsinger, người vừa bị lật đổ mới đây vào tháng 12 năm ngoái.
Hiện Intel đã bắt đầu tách bộ phận sản xuất chip khỏi phần còn lại của công ty. Các cuộc đàm phán xoay quanh nhà máy đang trong giai đoạn đầu. Một quan chức Nhà Trắng cho biết tổng thống khó có thể ủng hộ một thỏa thuận liên quan đến một thực thể nước ngoài điều hành các nhà máy của Intel.
Được biết, Hội đồng quản trị của Intel hiện đang tìm kiếm một CEO mới. Intel đã cắt giảm nhiều doanh nghiệp và đang trong quá trình bán cổ phần đơn vị chip lập trình có tên là Altera. Intel đã mua Altera vào năm 2015 với giá 16,7 tỷ USD.
Theo WSJ, bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến TSMC và các nhà đầu tư khác nắm quyền kiểm soát nhà máy của Intel đều phải được chính phủ Mỹ chấp thuận. Đạo luật Chips năm 2022 đã thiết lập một chương trình tài trợ trị giá 53 tỷ USD cho hoạt động sản xuất chip trong nước và Intel là đơn vị nhận được khoản tài trợ lớn nhất theo chương trình này với 7,9 tỷ USD. Theo một phần của thỏa thuận đó, Intel được yêu cầu phải duy trì phần lớn cổ phần tại các nhà máy nếu chúng được tách thành một thực thể mới.
Các nhà máy của Intel phần lớn được thành lập để sản xuất chip Intel và công ty chỉ mới bắt đầu cố gắng sản xuất chip cho khách hàng bên ngoài vài năm trở lại đây. Việc tái cơ cấu các nhà máy của Intel để sản xuất chip tiên tiến theo cách của TSMC sẽ là một thách thức kỹ thuật đáng kể và tốn kém.
Sự sụt giảm danh tiếng của nhà sản xuất chip mang tính biểu tượng này phần lớn là do những khó khăn trong sản xuất khiến công ty tụt hậu so với TSMC và Samsung Electronics của Hàn Quốc. Công ty cũng bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh ngày càng tăng trong các chip xử lý trung tâm, trong khi bỏ lỡ sự bùng nổ về trí tuệ nhân tạo vốn đã chuyển hướng chi tiêu của các gã khổng lồ công nghệ sang chip AI của Nvidia.
Được biết những năm 1980-1990, Intel được coi là “thế lực mới” ở thung lũng Silicon nhờ sản xuất CPU – thành phần cốt lõi trong cuộc cách mạng máy tính cá nhân. Dưới thời CEO cũ là Andy Grove, những con chip này được dùng để vận hành hệ điều hành Window cũng như rất nhiều các thiết bị xuất hiện nhan nhản khác trên khắp các văn phòng toàn cầu.
Tuy nhiên, trải qua nhiều thập kỷ, Intel đang lần lượt bị các đối thủ vượt mặt. Phía tập đoàn cũng liên tục trì hoãn việc tung ra các sản phẩm mới và khiến khách hàng bối rối.
Tháng 4/2023, Intel ghi nhận quý thua lỗ tồi tệ nhất trong lịch sử. Trung tâm nghiên cứu trị giá 200 triệu USD ở Haifa, Isreal – dự án lớn đầu tiên mà Gelsinger thông báo sau khi nhậm chức CEO – bị hủy bỏ. Một dự án 700 triệu USD khác ở Oregon cũng có số phận tương tự trong khi Intel cắt giảm cổ tức và sa thải nhân viên với mục tiêu đến năm 2025 sẽ có thể tiết kiệm 10 tỷ USD/năm.
“Chúng tôi cũng đang giảm chi phí cốt lõi trong năm 2022 và sẽ xem xét thực hiện các kế hoạch bổ sung trong nửa cuối năm”, cựu CEO Pat Gelsinger cho biết vào thời điểm đó.
Theo các chuyên gia, sự bất ổn tại Intel có thể mang lại động lực cho TSMC, vốn đã là công ty dẫn đầu thế giới về sản xuất chip theo hợp đồng. Intel Foundry Service, đơn vị kinh doanh sản xuất chip, vẫn chưa tạo ra doanh thu đáng kể.
“Sự thay đổi lãnh đạo của Intel có thể dẫn đến sự không chắc chắn trong ngắn hạn về kế hoạch chi tiêu vốn của họ. Ít nhất, chúng tôi nghi ngờ Intel sẽ cam kết chi tiêu đáng kể bên ngoài nước Mỹ”, Damian Thong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu công nghệ Châu Á tại Macquarie Capital, cho biết, đồng thời nói thêm rằng nếu Intel tăng cường sự phụ thuộc vào dịch vụ gia công đúc, điều này sẽ là tín hiệu tích cực cho TSMC.
Câu chuyện về cách Intel tụt hậu trong làn sóng A.I. đại diện cho những thách thức lớn hơn mà công ty hiện đang phải đối mặt. Theo các cuộc phỏng vấn với hơn 20 cựu giám đốc, giám đốc hội đồng quản trị và nhà phân tích ngành của Intel, đã có những cơ hội bị bỏ lỡ.
Dấu vết của những bước đi sai lầm sinh ra từ một nền văn hóa với nhiều thập kỷ thành công và lợi nhuận cao, bắt đầu từ những năm 1980, khi chip của Intel và phần mềm của Microsoft trở thành động cơ của ngành công nghiệp máy tính cá nhân. Nền văn hóa đó rất mạnh mẽ, tập trung vào nhượng quyền thương mại trong máy tính cá nhân và sau cùng là các trung tâm dữ liệu. Các giám đốc điều hành của Intel, khi ấy nửa đùa nửa thật, đã mô tả công ty là “sinh vật đơn bào lớn nhất hành tinh”, một thế giới khép kín biệt lập.
Tuy nhiên, các dự án đã được tạo ra, sau đó đột ngột dừng lại. Nhiều khoản đầu tư vào thiết kế chip mới hơn luôn phải xếp sau nỗ lực bảo vệ và mở rộng trụ cột kiếm tiền của công ty.
“Công nghệ đó từng là viên ngọc quý của Intel — độc quyền và rất có lợi nhuận”, James D. Plummer, giáo sư kỹ thuật điện tại Đại học Stanford và là cựu giám đốc của Intel cho biết.
Theo: WSJ, The NY Times