Trong chuyến đi đến Tokyo vào tháng 4/2023, Warren Buffett chia sẻ rằng ông “rất tự hào” về khoản đầu tư vào Itochu, Mitsubishi Corp., Mitsui & Co., Sumitomo và Marubeni. Tập đoàn Berkshire Hathaway của ông đã đầu tư vào 5 công ty thương mại này từ năm 2019, sở hữu 5% cổ phần tại mỗi công ty vào ngày 31/8/2020.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu của các công ty này giảm từ 13% đến 31%, khi đạt đỉnh vào cuối mùa xuân năm ngoái đến đầu mùa hè, song vẫn cao hơn khoảng 3 lần so với trước khi Berkshire đưa ra thông báo. Diễn biến này đã trở thành lực cản với chỉ số Nikkei 225, trong khi trước đó lại thúc đẩy chỉ số này tăng 50% từ năm 2023 đến 2024.
Nhìn chung, đây là một khoản đầu tư giá trị của Buffett. Trước khi ông “xuống tiền”, tỷ lệ P/B của cổ phiếu các công ty này chỉ ở mức khoảng 0,6, khiến các nhà đầu tư tự hỏi liệu thị trường có đang định giá thấp hơn giá trị tài sản ròng của các công ty này hay không. Giá cổ phiếu các công ty thương mại này thấp đến mức chỉ riêng cổ tức đã có lợi suất khoảng 6%, tạo cơ hội cho Buffett thu về khoản chênh lệch “giá hời” khi vay bằng yên với lãi suất gần bằng 0, sau đó nhận cổ tức.
Giá cổ phiếu của các công ty này vẫn cao hơn nhiều so với thời điểm Buffett mới đầu tư, với cổ tức hiện có lợi suất khoảng 3%. Hơn nữa, lãi suất ở Nhật Bản đã tăng từ mức gần bằng 0, cho phép Buffett nhận 4,5% lợi nhuận không rủi ro bằng cách đi vay và đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, các điều kiện kinh tế hiện nay rất khác so với năm 2019. Thị trường bất động sản Trung Quốc suy thoái đã kéo tụt đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Điều này cũng làm giảm nhu cầu với thép và quặng sắt - 2 sản phẩm chính của các công ty thương mại Nhật Bản.
Giá quặng sắt đã giảm hơn 20% trong 12 tháng qua, trong khi giá than chỉ bằng 1/4 so với mức đỉnh năm 2022.
Giờ đây, các công ty thương mại phải chứng minh rằng họ không chỉ một công ty giá trị, nếu muốn cổ phiếu tiếp tục tăng.
2 trong số những công ty lớn nhất - Mitsubishi và Mitsui, dễ bị ảnh hưởng hơn trước những vấn đề trên thị trường hàng hoá so với các công ty cùng ngành. Trong báo cáo tài chính mới công bố tuần trước, cả 2 công ty đều nói rằng họ sẽ chứng kiến lợi nhuận giảm 2 năm liên tiếp trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3. Các nhà phân tích dự kiến đà giảm còn kéo dài sang năm tài chính tiếp theo. Do đó, cổ phiếu 2 công ty này giảm khoảng 30% so với mức đỉnh vào tháng 5/2024.
Trong khi đó, Itochu lại cho thấy khả năng hồi phục trong chu kỳ hàng hoá, một phần là do công ty tập trung nhiều hơn vào việc mở rộng kinh doanh trong nước thông qua các thương vụ M&A.
![screen-shot-2025-02-11-at-10.05.14(1).png](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/11/screen-shot-2025-02-11-at-10.05.14(1).png)
"Các công ty thương mại thường được đánh giá là có khả năng bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Trump hơn các công ty khác", Tomochika Kitaoka, chiến lược gia cổ phiếu trưởng tại Nomura Securities cho biết. Các nhà phân tích dự đoán lợi nhuận của các công ty có thể sẽ đi ngang hoặc thấp hơn một chút trong năm nay và năm sau.
Một số nhà đầu tư kỳ vọng Berkshire sẽ mang đến một chất xúc tác khác cho các công ty này khi công bố bức thư gửi cho các cổ đông vào cuối tháng 2 và tại cuộc họp cổ đông vào tháng 5. Tháng 2 năm ngoái, Berkshire cho biết đã tăng cổ phần tại 5 công ty thương mại Nhật Bản lên trên 9% sau khi đầu tư tổng cộng 1,6 nghìn tỷ yên. Tập đoàn cũng khẳng định lại rằng sẽ không nắm giữ tỷ lệ vượt quá 9,9%.
Mitsubishi Corp. và Mitsui & Co. đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào việc sản xuất các nguồn tài nguyên thiên nhiên như than và quặng sắt, do sự biến động về lợi nhuận của mảng này. 2 công ty từng phải chịu khoản lỗ ròng hàng năm đầu tiên trong năm kết thúc vào tháng 3/2016 do giá khí đốt tự nhiên và đồng giảm.
Trong năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 3, 45% lợi nhuận ròng của Mitsubishi dự kiến sẽ đến từ khoản đầu tư vào lĩnh vực trong đó có kim loại và năng lượng.
Theo Masayuki Kubota, chiến lược gia đầu tư chính tại Rakuten Securities, Mitsubishi được kỳ vọng sẽ phục hồi. Ông cho hay, đầu tư vào các công ty thương mại là một cách để tiếp cận các thị trường bên ngoài Nhật Bản, bao gồm Mỹ và các thị trường mới nổi.
Tham khảo Nikkei Asia