Đầu bài viết, anh Tú chia sẻ khái quát về về bức tranh tài chính của bản thân.
Cách đây 10 năm, anh quyết định mua nhà ngay sau cưới. Kế hoạch ban đầu là vay ít, mua căn hộ từ 1 - 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi tìm kiếm, căn phù hợp lại có giá hơn 1,6 tỷ. Lúc ấy, vợ chồng anh quyết định vay ngân hàng gần 1 tỷ, cộng với 700 triệu tiết kiệm sau hơn 5 năm đi làm để tiền mua.
Quyết định này được anh Tú miêu tả là “áp lực” khi đó bởi anh xuất thân từ “gia đình có mức sống trung bình thấp” và “lần đầu tiên trong đời mình nợ số tiền lớn”. Theo bảng tính của ngân hàng, khoản vay này cần 15 năm để trả hết. Tuy nhiên, vợ chồng anh đã sắp xếp tài chính và trả hết nợ trong 3 năm. Hiện tại, gia đình anh Tú có mức sống ổn định hơn, con cái học trường quốc tế, có thu nhập thụ động và sở hữu một số tài sản.
Dưới đây là số bài học tài chính quan trọng dành cho các cặp đôi mà vợ chồng anh Tú đã đúc rút.
Tài chính tập trung, không xé lẻ
Nhiều cặp vợ chồng giữ tài chính riêng biệt, chia nhau chi trả các khoản trong gia đình. Ví dụ, chồng lo tiền góp nhà và học phí con cái, vợ chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, điện nước. Mỗi người giữ phần tiền còn lại mà không chia sẻ hoặc bàn bạc với đối phương.
Cách này ban đầu tạo cảm giác tự do, nhất là với người chồng. Tuy nhiên, về lâu dài, việc tách bạch tài chính khiến cả hai không thể nắm rõ tổng tài sản của gia đình, dẫn đến khó khăn trong quản lý tài chính chung. Hôn nhân giống như một tổ chức – nếu bạn không biết "quỹ công ty" còn bao nhiêu tiền, bạn sẽ khó hoạch định và đầu tư hiệu quả.
Giải pháp là cả hai cần thống nhất quan điểm và tập trung tài chính về một chỗ, giúp quản lý dễ dàng hơn và đảm bảo minh bạch trong chi tiêu.
Lập bảng theo dõi tài chính đơn giản
Sau khi đồng thuận tập trung tài chính, vợ chồng mình bắt đầu lập một bảng theo dõi tài chính (dùng Excel, Google Sheet, Notion…). Một bảng đơn giản nên có các nội dung sau:
- Thu nhập thực tế của mỗi người hàng tháng.
- Chi tiêu thực tế của gia đình.
- Số tiền dư hàng tháng sau khi trừ chi tiêu.
- Kế hoạch sử dụng số tiền dư (tiết kiệm, đầu tư hay trả nợ).
- Tổng tài sản hiện có, bao gồm tiền mặt, tài khoản ngân hàng, các khoản đầu tư.
- Phân loại tài sản theo mức thanh khoản cao (tiền mặt, chứng khoán, quỹ mở) và thanh khoản thấp (bất động sản, cổ phần kinh doanh).
“Vợ mình là người chủ động theo dõi bảng này, và nhờ đó cả hai luôn có cái nhìn rõ ràng về tài chính gia đình”, anh Tú cho biết.
Quản lý tài chính dựa trên tình hình thực tế
Một nguyên tắc khác được anh Tú rút ra là “quản lý tài chính dựa trên tình hình thực tế”. Sau khi có các dữ liệu về bức tranh tài chính của gia đình, vợ chồng anh Tú áp dụng quy tắc 6 cái hũ để phân bổ thu nhập. Việc áp dụng quy tắc này cần được tuân thủ đều đặn.
- Quỹ khẩn cấp: Dành cho tình huống bất ngờ như bệnh tật, sự cố gia đình.
- Chi tiêu bắt buộc: Các khoản thiết yếu như ăn uống, nhà ở, điện nước, đi lại.
- Tiện nghi - Giải trí: Du lịch, tiệc tùng, cà phê, xem phim.
- Trả nợ: Dành riêng cho các khoản vay nếu có.
- Giáo dục và Sức khỏe: Học phí, bảo hiểm, khám chữa bệnh.
- Đầu tư: Bất động sản, chứng khoán, vàng, crypto, kinh doanh.
Tỷ lệ phân bổ có thể điều chỉnh theo tình hình tài chính của mỗi gia đình. Quy tắc này giúp vợ chồng mình kiểm soát dòng tiền tốt hơn và đảm bảo luôn có nguồn tài chính dự phòng.
![](https://scontent.fhan15-2.fna.fbcdn.net/v/t39.30808-6/479522528_9586146714739111_7986299980403277675_n.jpg?_nc_cat=111&ccb=1-7&_nc_sid=127cfc&_nc_eui2=AeGde2c2gDQqG9fosGHpJQWwJjB4nisWvqQmMHieKxa-pCyYDBLXrG3fL6yq2H-aDEKzS2W0C6YZmznYh4zloCtL&_nc_ohc=Ui_5D4IE0ugQ7kNvgFpTJqS&_nc_oc=Adjr68wqUnKp18S7cqHzUNXG2R8rKatqBVAAIbwmyfL7Chh_5pN_Dj3kRjqGPbCSRTk&_nc_zt=23&_nc_ht=scontent.fhan15-2.fna&_nc_gid=A-_Q92mr1hL2R9lomu8PeUZ&oh=00_AYCPr3O-UHGZVaPztp2gObx4p13gijr_oDWmy63H5NQMoA&oe=67B4D5A8)
Tuân thủ nguyên tác tài chính cơ bản
Bên cạnh đó, vợ chồng anh luôn tuân thủ nguyên tắc cơ bản là thu nhập phải lớn hơn chi tiêu. Nếu có thời điểm chi tiêu tăng cao hơn thu nhập, cả hai sẽ điều chỉnh lại bằng cách cắt giảm các khoản không thiết yếu như chi phí giải trí, giáo dục hoặc hạn chế vay thêm.
Đồng thời, việc đảm bảo một quỹ dự trữ đủ cho 3 - 6 tháng sinh hoạt là ưu tiên hàng đầu, giúp gia đình có thể duy trì ổn định ngay cả khi đột ngột mất thu nhập.
Một quy tắc quan trọng khác là không sử dụng quỹ khẩn cấp cho đầu tư. Những khoản đầu tư tiềm năng dù hấp dẫn đến đâu cũng không phải lý do để lấy từ quỹ này, bởi quỹ khẩn cấp chỉ dành cho những tình huống thực sự cần thiết như bệnh tật hoặc sự cố bất ngờ.
Bên cạnh đó, vợ chồng anh luôn duy trì sự cân bằng giữa các loại tài sản, đảm bảo có đủ tài sản thanh khoản cao như tiền mặt, vàng, chứng khoán để dễ dàng sử dụng khi cần, tránh tình trạng "giàu trên giấy" nhưng lại thiếu tiền mặt.
Dự phòng rủi ro và thừa kế tài sản
Anh Tú cho biết, nguyên tắc này là việc dự phòng cho các rủi ro và đảm bảo người kế thừa có khả năng truy cập vào tài sản. Nếu chẳng may một trong hai người gặp sự cố, người còn lại cần biết cách truy cập tài sản gia đình.
Giải pháp cho vấn đề này được vợ chồng anh thống nhất là tạo danh sách tài sản đang nắm giữ, hướng dẫn truy cập cho người còn lại. Ngoài ra, hai vợ chồng cần cập nhật định kỳ khi có thay đổi về tài sản.
![459810133_8652837194736739_6691372109956306011_n.jpg](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/14/459810133_8652837194736739_6691372109956306011_n.jpg)
Tận dụng đòn bẩy phù hợp
Theo anh Tú, vay và nợ ngân hàng không phải lúc nào cũng xấu, nếu sử dụng hợp lý. Vợ chồng mình không ngại vay nếu nó nằm trong ngưỡng an toàn dựa trên thu nhập.
Hai nguyên tắc anh rút ra khi sử dụng đòn bẩy tài chính gồm: Không ngại trả nợ trước hạn, dù có phí phạt, vì tổng chi phí lãi vay khi trả đúng hạn sẽ cao hơn; Chỉ vay khi có dòng tiền ổn định và có kế hoạch trả nợ rõ ràng.
Cuối bài đăng, anh Tú cho biết, việc chia sẻ câu chuyện về tài chính cá nhân xuất phát từ việc muốn giúp các vợ chồng trẻ hoặc những ai đang lên kế hoạch tài chính dài có thể xây dựng được phương án cho riêng mình.