Từ ngôi đền bị lãng quên ở Campuchia đến tương lai của CBDC tại Châu Á?

Lam Sơn SM | 15:51 08/12/2022

Trước áp lực về việc đồng tiền kỹ thuật số e-CNY của Trung Quốc có thể trở thành đồng tiền dự trữ trong thanh toán thương mại xuyên quốc gia, và sự thành công của Bakong - ứng dụng CBDC của Campuchia, các quốc gia châu Á đang bắt đầu tham gia vào quá trình này.

Từ ngôi đền bị lãng quên ở Campuchia đến tương lai của CBDC tại Châu Á?
Ảnh: Kyodo/Getty Images

Nội dung chính:

  • Campuchia, quốc gia được đánh giá kém phát triển, lại là nước đầu tiên tại Đông Nam Á phát hành tiền kỹ thuật số quốc gia - CBDC.
  • Các quốc gia châu Á đang ráo riết thử nghiệm CBDC.
  • Đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc đang được sử dụng rộng rãi và có khả năng trở thành đồng tiền dự trữ và thanh toán quốc tế.

Bakong là tên một ngôi đền nằm trong quần thể di tích Angkor nổi tiếng của Campuchia. Năm 1860, khi một nhà thám hiểm Pháp phát hiện ra Angkor Wat, công trình này và sau đó là cả quần thể Angkor đã khiến toàn bộ thế giới thật sự ngỡ ngàng. Và Bakong cũng chính là tên của ứng dụng thanh toán quốc gia sử dụng công nghệ blockchain đầu tiên tại Đông Nam Á, do Ngân hàng Trung ương Campuchia triển khai. 

Chính thức ra mắt vào tháng 10/2020, Bakong được công nhận là một trong những loại tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC) đầu tiên trên thế giới đưa vào triển khai chính thức. 

Tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (Central Bank Digital Currency - CBDC) là một loại tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương của một quốc gia. CBDC đang có những thử nghiệm và ứng dụng thực tế có giới hạn tại một số quốc gia trên thế giới.

Bị Liên Hợp Quốc xếp vào danh sách "quốc gia kém phát triển nhất" với chỉ 22% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng hoặc thanh toán di động (vào năm 2017), thấp hơn nhiều so với con số 70% trong khu vực ở Đông Á và Thái Bình Dương, Bakong của Campuchia đã khiến toàn bộ các quốc gia đang thử nghiệm CBDC cảm thấy ngỡ ngàng vì tốc độ triển khai và ứng dụng nhanh chóng của mình.

Ứng dụng Bakong. (Ảnh: soramitsu.co.jp)

Cùng với Trung Quốc, Campuchia là một trong những quốc gia đầu tiên phổ biến CBDC.

Một cuộc khảo sát của BIS vào tháng 5/2021 cho thấy 90% trong số 81 ngân hàng trung ương đã bắt đầu quá trình khám phá CBDC ở mức độ nhất định. Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Liên minh Châu Âu và gần đây nhất là Nhật Bản vẫn đang xem xét liệu họ có nên phát hành CBDC hay không.

Châu Á trong cuộc chạy đua thử nghiệm CBDC  

Châu Á tỏ ra là mảnh đất năng động hơn trong việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng - mau lẹ hơn các nước phát triển tại châu Âu, châu Mỹ. 

Ngày 30/11, Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) đã tiết lộ kế hoạch ra mắt tiền kỹ thuật số cho đồng rupiah, áp dụng công nghệ blockchain dù trước đó nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đã tuyên bố “không vội vàng về tiền kỹ thuật số”.

Nhật Bản cũng đã bước vào giai đoạn 3 trong chương trình thử nghiệm CBDC, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trở thành một trong những ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới - cùng với Trung Quốc, Mỹ và châu Âu - đang khám phá tiền kỹ thuật số như một công cụ bổ trợ hoặc có thể thay thế cho tiền mặt. Đây cũng là giai đoạn cuối trong quá trình thử nghiệm để quyết định xem liệu có thể sử dụng CBDC trong thực tế vào năm 2026, hay không.

Một trong những nền kinh tế lớn của Châu Á là Ấn Độ cũng đã thông báo dự kiến phát hành phiên bản số của đồng Rupee trong năm tài chính 2022-2023 (bắt đầu từ ngày 1/12/2022). 

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) Rhee Chang Yong đã tiết lộ trong một bài phát biểu vào tháng 9 rằng Ngân hàng Trung ương nước này gần đây đã hoàn thành cuộc thử nghiệm kéo dài 10 tháng đối với đồng won kỹ thuật số. 

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) Rhee Chang Yong. (Ảnh: Bloomberg)

Không chỉ những nền kinh tế đứng đầu Châu Á mà các quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan, Malaysia, Philippines… cũng đang tham gia vào các quá trình thử nghiệm CBDC riêng của mình. 

Dù cách tiếp cận khác nhau nhau và với các quy mô khác nhau nhưng các quốc gia châu Á vẫn đang vươn lên dẫn đầu trong quá trình thử nghiệm và ứng dụng CBDC. Rất có thể “tương lai của CBDC sẽ được thiết lập ở Châu Á” - trang East Asia Forum nhận định. 

Lợi ích của CBDC và áp lực “không ai muốn bị bỏ lại phía sau”

Có khoảng 270.000 người dùng tải xuống ứng dụng Bakong và loại tiền này đã tiếp cận được khoảng 7,9 triệu người - tương đương gần một nửa dân số Campuchia, bao gồm cả những người được tiếp cận gián tiếp thông qua các ứng dụng từ các ngân hàng đối tác.

Một trong những lợi ích hiện hữu nhất của Bakong, mà như bà Chea Serey, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Campuchia cho biết đó là việc giúp thu hẹp khoảng cách giữa ngân hàng và phi ngân hàng, giữa nông thôn và thành thị, và do đó tạo ra sự gắn kết xã hội mạnh mẽ ở quốc gia có số đông người dân là lao động nhập cư.

“Điều này đặc biệt đáng chú ý đối với những người lao động nhập cư và sinh viên rời quê hương để làm việc hoặc học tập ở các khu vực thành thị và cần kết nối tài chính với gia đình của mình” - bà Chea Serey cho biết.

Bà Chea Serey, Thống đốc ngân hàng Trung ương Campuchia. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Không chỉ thúc đẩy việc sử dụng Bakong trong nước, Ngân hàng Trung ương Campuchia cũng đang hợp tác với các tổ chức tài chính nước ngoài. Ví dụ như sự hợp tác của Campuchia với ngân hàng thương mại Malaysia Malayan Banking để phát triển dịch vụ chuyển tiền xuyên biên giới thông qua Bakong, mang đến cho những người lao động nhập cư Campuchia ở Malaysia một phương tiện mới tiện lợi hơn để gửi tiền về cho gia đình.

Chia sẻ về Bakong và lý do Campuchia đi đầu tại Châu Á trong việc thúc đẩy CBDC,  ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch hiệp hội Blockchain Việt Nam giải thích thêm: “Các quốc gia như Campuchia trước đây bị nạn đô-la hoá rất cao. Và chính phủ Campuchia đã nhận thấy lợi thế của CBDC trong việc thanh toán không tiền mặt, có thể tạo ra sự cạnh tranh với tiền mặt, trong đó có đồng đô-la nên quốc gia này đã nhanh chóng thúc đẩy CBDC bán lẻ để giải quyết vấn đề đô-la hóa”. 

Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung. (Ảnh: Đức Dũng)

Lợi ích của CBDC hứa hẹn sẽ rất đáng kể, từ việc tăng cường tài chính toàn diện, cải thiện năng suất và tăng đầu tư, tiêu dùng và tăng trưởng từ chi phí vốn thấp hơn. Ngoài ra CBDC còn có thể tăng tính cạnh tranh và giảm rủi ro trong thanh toán di động, tăng tốc độ số hóa để giảm chi phí tiền mặt và giảm rửa tiền thông qua “ẩn danh có thể kiểm soát”. Các quốc gia đã đầu tư mạnh vào công nghệ thanh toán kỹ thuật số và phát triển CBDC sẽ sớm thu được lợi ích. Họ có khả năng nhìn thấy sự tăng trưởng trong hoạt động kinh tế nhờ tính dễ ứng dụng thực tế và tiết kiệm nhiều hơn thời gian, chi phí và công sức”. - Gordon R Clarke, Giám đốc điều hành của Monetics và Emir Hrnjic, Trưởng phòng Đào tạo FinTech tại Viện Tài chính Kỹ thuật số Châu Á, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) chia sẻ trong một bài trình bày trên East Asia Forum. 

 CBDC còn có thể tăng tính cạnh tranh và giảm rủi ro trong thanh toán di động, tăng tốc độ số hóa để giảm chi phí tiền mặt và giảm rửa tiền thông qua “ẩn danh có thể kiểm soát"

Gordon R Clarke - Trưởng phòng Đào tạo FinTech tại Viện Tài chính Kỹ thuật số Châu Á, Đại học Quốc gia Singapore

Kể cả lợi ích không quá rõ ràng, thì trước áp lực của việc Trung Quốc đang tiến xa hơn hầu hết các quốc gia trong các ứng dụng về CBDC khi hiện nay, CBDC của Trung Quốc, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY) đã được sử dụng phổ biến ở nhiều thành phố lớn của Trung Quốc, bao gồm Thẩm Quyến, Thành Đô và Tô Châu. Và với khả năng e-CNY có thể trở thành tiền tệ dự trữ trong thương mại quốc tế, các ngân hàng trung ương châu Á có thể thấy một cách rất rõ ràng mình sẽ chịu áp lực phát hành tiền kỹ thuật số trong tương lai không xa. 

Và khi điều này xảy ra, những nước tụt hậu về kỹ thuật số ở châu Á sẽ khó mà xoay xở kịp.

“Bây giờ là lúc để bắt đầu bắt kịp hoặc sẽ bị bỏ lại phía sau” - Gordon R Clarke và Emir Hrnjic kết luận trong bài trình bày của mình vào tháng 4/2021.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Từ ngôi đền bị lãng quên ở Campuchia đến tương lai của CBDC tại Châu Á?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO