Từ chủ thầu xây dựng “phá sản” tới ông chủ chuỗi 32 cửa hàng Thai Market, CEO Lê Thái Hoàng kể chuyện khởi nghiệp với 120 triệu đồng, từng “lao đao” suốt 2 năm vì hợp tác với bạn bè

Ánh Lê | 23:22 11/12/2023

Trước khi trở thành ông chủ chuỗi 32 cửa hàng Thái, anh Lê Thái Hoàng đã từng thất bại với đội thầu xây dựng vì khủng hoảng kinh tế ập đến. Trong cái khó, doanh nhân này đã tìm thấy một cơ hội mới trên thị trường để thoát nghèo và chinh phục thành công giấc mơ khởi nghiệp của mình.

Từ chủ thầu xây dựng “phá sản” tới ông chủ chuỗi 32 cửa hàng Thai Market, CEO Lê Thái Hoàng kể chuyện khởi nghiệp với 120 triệu đồng, từng “lao đao” suốt 2 năm vì hợp tác với bạn bè

Sau 8 năm làm công nhân ở công trường và hơn 1 năm “khởi nghiệp” làm quản lý đội thầu xây dựng nhưng thất bại, anh Lê Thái Hoàng có màn “quay xe” ngoạn mục khi lựa chọn lĩnh vực ẩm thực, cửa hàng làm con đường mới. 

Khởi nguồn từ thành phố Đà Nẵng xinh đẹp, trải qua 11 năm hình thành và phát triển, Thai Market của doanh nhân này đã vươn mình trở thành chuỗi cửa hàng ẩm thực Thái đầu tiên có mặt tại 3 thành phố lớn nhất trên cả nước. Không những thế, đây còn là hệ thống chuỗi cửa hàng Thái chuyên sâu và lớn nhất về số lượng tại Việt Nam.

Nhìn lại hành trình khởi nghiệp của mình, anh Hoàng khiêm tốn cho rằng bản thân là một người vô cùng may mắn. Dù cho trước đó, doanh nhân này phải trải qua không ít lần “nằm gai nếm mật” để mưu đồ nghiệp lớn.

thai-title-1-01.jpg

Cơ duyên nào dẫn lối anh đến với kinh doanh ẩm thực?

Thời điểm 2011, khủng hoảng kinh tế ập đến khiến ngành xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề. Chủ thầu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn và gần như mất toàn bộ vốn liếng rồi phá sản. Thất nghiệp cùng lúc gia đình vừa đón chào thành viên mới, tôi quyết định ở nhà chăm con một thời gian. Thời điểm đó, vợ tôi phải đi phụ bán bún bò rồi mang thức ăn về. Cả nhà chỉ biết dựa vào số tiền trợ cấp 5 triệu đồng/tháng của ông bà để sống qua ngày. 

Trong chuỗi ngày đó, việc trắng tay ở tuổi 29 cùng với áp lực tài chính đè nén khiến tôi cảm thấy vô cùng tiêu cực và bí bách. Tuy nhiên, trách nhiệm của người đàn ông trụ cột gia đình không cho phép tôi gục ngã mà quyết định tìm cho mình một hướng đi mới. Trong một lần đọc sách, tôi bắt gặp một câu nói rất hay, đó là “bản thân có khả năng nào giỏi nhất thì hãy dùng khả năng đó để kiếm tiền”. Câu nói này thực sự đã “chạm” đến tôi, khiến tôi phải nhìn lại bản thân xem mình có cái gì tốt để rồi nhận ra khả năng nấu nướng của bản thân cũng không tồi. Cũng từ đây, tôi quyết định dùng kỹ năng này để tạo hướng đi mới cho cuộc đời. 

Tuy nhiên, vì trình độ nấu ăn lúc đó chỉ ở mức cơ bản nên tôi đã đánh liều “vét” hết số tiền trong nhà và theo học một đầu bếp dạy món Ấn tại Tp. HCM để nâng cao kỹ năng. 6 tháng sau đó, tôi trở về Đà Nẵng mở cửa hàng đầu tiên mang tên HQ Thai Food

tại Trung tâm thương mại Indonesia với số vốn 120 triệu đồng vay được từ bạn bè.

thai-quote-1-01.jpg

Học nấu món Ấn, tại sao anh lại “quay xe” chọn kinh doanh ẩm thực Thái?

Thời điểm còn đi học “nghề”, tôi chọn học và có ý định mở cửa hàng Ấn độ vì thích ăn cà ri. Tuy nhiên khi học xong, tôi nấu cho người nhà ăn thử thì không ai ăn được. Lúc đó, tôi mới nhận ra ẩm thực Ấn Độ rất khác biệt so với thói quen ăn uống của người Việt. Nếu kinh doanh thì thị trường sẽ rất nhỏ, lượt khách hàng tiếp cận cũng sẽ ít nên không khả quan. 

Hơn nữa, khi mở cửa hàng đầu tiên trong khu Food Court của trung tâm thương mại, họ yêu cầu mỗi store phải mang một nền ẩm thực khác nhau. Nhận thấy ở đấy chưa có món Thái nên tôi quyết định kinh doanh ẩm thực Thái luôn.

Mới chập chững kinh doanh ẩm thực, cả vốn và kinh nghiệm đều ít ỏi thì việc chọn khu trung tâm thương mại lớn ở Đà Nẵng để mở cửa hàng đầu tiên có phải là một quyết định liều lĩnh đối với anh?

Với tôi, đó không phải là một sự liều lĩnh mà là một may mắn to lớn. Khác với suy nghĩ của mọi người, việc chọn kinh doanh trong khu trung tâm thương mại lớn có nhiều lợi thế hơn so với việc kinh doanh ở bên ngoài. 

Lúc đó, cửa hàng của tôi nằm trong một Food Court, chi phí cho việc mở cửa hàng ở đây thấp hơn so với các cửa hàng truyền thống. Bên cạnh đó, tôi cũng giảm được chi phí thuê nhân sự khi chỉ cần tập trung quản lý gian bếp của mình, còn phần dịch vụ sẽ có nhân viên của Food Court lo liệu. Tiếp đó, trong Food Court đã có sẵn một lượng khách hàng mục tiêu. Họ đến đó là để dùng bữa nên khi kinh doanh ở đây, tôi gần như không mất chi phí cho marketing mà vẫn có một lượng khách hàng ổn định. 

3 lợi thế đó cộng với sản phẩm chất lượng đã giúp tôi có một mô hình kinh doanh khá đầy đủ, có thể tiếp cận và chinh phục khách hàng nhanh nhất. Sau 3 tháng hoạt động, chúng tôi hoàn lại vốn mà không cần tới “trợ thủ” marketing. 

Anh nói nhiều về sự may mắn, vậy những khó khăn lúc ban đầu thì sao? 

Vì là lần đầu tiên bước chân vào ngành kinh doanh ẩm thực, tôi cũng gặp không ít khó khăn do còn nhiều cái bỡ ngỡ và thiếu hiểu biết. 

Đầu tiên, việc kinh doanh trong trung tâm thương mại vốn có nhiều luật chơi nhưng lúc đầu tôi chưa thể nắm hết được. Vì nhiều bên cùng kinh doanh và tranh giành quyền lợi ở đó nên thỉnh thoảng vẫn có xảy ra mâu thuẫn, bị một số đối thủ chèn ép nên việc kinh doanh không suôn sẻ. Khó khăn thứ 2 là tại thời điểm đó, cả menu món ăn và khâu decor của chúng tôi vẫn còn rất đơn giản, chưa ra dáng một cửa hàng chuẩn Thái. Chính vì vậy tôi phải vừa buôn bán, vừa lắng nghe góp ý của khách hàng rồi học hỏi để tối ưu liên tục.  

thai-title-2-01.jpg

Sau bao lâu thì anh mở cửa hàng thứ 2? 

Khi cửa hàng đầu tiên hoạt động được khoảng 7 tháng, tôi mở tiếp cửa hàng thứ 2 cách đó khoảng 700m. Lúc đó, việc kinh doanh trong khu trung tâm thương mại bị chèn ép, bán gì cũng bị cấm nên tôi quyết định tìm cơ sở mới để thoải mái kinh doanh hơn. Bên cạnh đó, dù “gia nhập” khá muộn nhưng HP Thai Food của tôi luôn nằm trong Top 5 cửa hàng kinh doanh tốt tại Food Court nên tôi rất tự tin khi mở rộng thương hiệu.

Anh mở cửa hàng thứ 2 có thuận lợi như cửa hàng đầu tiên?

Với cửa hàng này, tôi như ăn “quả đấm” khi công việc kinh doanh bước đầu gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là vào thời điểm đó, tôi chưa biết gì về marketing nên chỉ thụ động chờ khách hàng tới mà không có fanpage hay chiến dịch quảng bá. Khó khăn thứ 2 là vị trí cửa hàng có nhiều hạn chế khiến doanh thu vào buổi tối không được tốt. Dù mặt bằng nằm ở khu vực trung tâm nhưng vì nhà dân xung quanh đi ngủ sớm và có một dãy nhà hoang gần đó nên đường vừa tối, vừa vắng, ít người qua lại.

Lúc đó, để có thêm thu nhập bù đắp chi phí và duy trì hoạt động của cửa hàng, tôi và vợ phải bán thêm bún bò và bún Thái hải sản buổi sáng. Thời gian đó, cứ 2-4h sáng mỗi ngày, hai vợ chồng tôi phải đi chợ hải sản và chợ đầu mối để lấy được nguồn hàng tươi ngon, giá tốt nhất về. Nhưng cũng vì vậy mà chỉ 1 năm sau đó, tôi quyết định hy sinh mảng kinh doanh này vì quá cực và muốn tập trung làm cửa hàng chuẩn Thái vì thực đơn cửa hàng vẫn còn rời rạc, thiếu tính chuyên nghiệp. 

Có thời điểm, tôi thường xuyên bay sang Thái, ghé ăn những cửa hàng nổi tiếng mà khách hàng giới thiệu để tham khảo và nghiên cứu công thức rồi làm thử. Tôi cũng từng trả thêm tiền và xin theo học bếp trưởng của 1 cửa hàng bên Thái để họ dạy cho mình những món ngon chuẩn hương vị nhất. Cứ thế, tôi mất gần 3 năm cho việc tối ưu từ sản phẩm đến quy trình vận hành. Đồng thời, tôi đổi tên thương hiệu từ HQ Thai Food thành Thai Market để những đứa của mình chuyên nghiệp hơn. Nhờ có sản phẩm tốt cho nên tỷ lệ khách hàng quay trở lại rất cao.

Được đà tiến tới, anh mở thêm cửa hàng ở những thị trường mới?

Sau khi mở cửa hàng thứ 2 khoảng 1 năm thì lượng khách bắt đầu lấp đầy, tôi tự tin mở thêm cửa hàng thứ 3 theo trend lẩu và nướng vỉa hè nhưng phục vụ theo phong cách Thái Lan. Có lẽ vì “bắt đúng trend” nên khi cửa hàng mở ra là đông khách ngay. Điều này càng khiến tôi có thêm động lực để tiếp tục mở thêm cửa hàng thứ 4 ở Hội An và cửa hàng thứ 5 ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc mở 2 cửa hàng này thất bại đã khiến tôi học được rất nhiều bài học trong kinh doanh.

thai-quote-2-01.jpg

Những bài học mà anh nhắc đến là gì?

Bài học đầu tiên chính là khi lấn sân sang một thị trường mới, việc chưa có đủ kiến thức về kinh doanh đã khiến tôi phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Lúc đầu, tôi cứ nghĩ rằng chỉ cần mình có sản phẩm tốt thì mở cửa hàng ở đâu cũng sẽ đông khách. Vì vậy tôi vô tư triển khai mà không qua các bước phân tích thị trường, phân khúc khách hàng. Hội An là một thị trường đặc thù với gần 100 % khách hàng là khách du lịch. Họ đến đây đa phần đều chọn thưởng thức những đặc sản của địa phương. Trong khi đó, sản phẩm của tôi là dành cho người bản địa nhưng người dân ở đây lại không chi tiêu nhiều cho việc ăn ngoài. Do đó việc kinh doanh cửa hàng này không thuận lợi như những cửa hàng trước đó.

Bài học tiếp theo đến từ việc hợp tác kinh doanh khi mở cửa hàng thứ 5 ở Đà Nẵng. Lúc đó, 1 người bạn đã đổ tiền vào cùng tôi kinh doanh các cửa hàng. Họ cho vẽ cho tôi thấy những tham vọng, những viễn cảnh tươi đẹp khi hợp tác cùng nhau nhưng rồi kết quả thì chẳng có gì ngoài sự bất đồng về ý kiến và quan điểm kinh doanh. Cũng vì vậy mà cửa hàng liên tục xảy ra sự cố về sản phẩm, dịch vụ khiến khách bỏ đi rất nhiều. Cuối cùng, chúng tôi quyết định “đường ai nấy đi” sau một thời gian kết hợp. 

Khi người bạn này quyết định rút cổ phần và rời đi cùng phần vốn và lợi nhuận, lúc đó đã là 27 Tết. Để có thể xoay dòng tiền lớn lên đến mấy tỷ đồng, tôi đã vừa phải đi vay ngân hàng, vừa mượn của bạn bè và gia đình để có đủ tiền trả cho họ. Sau lần hợp tác đó, tôi mất nhiều thứ lắm, mất danh tiếng, mất uy tín, mất cả cơ hội kinh doanh lẫn tiền bạc. Phải 2 năm sau đó tôi mới “hoàn hồn”. Sau này khi lựa chọn đối tác, tôi đều cân nhắc rất kỹ và lựa chọn những người cùng hệ giá trị, chân thành và tin tưởng.

Sau lần vấp ngã đó, động lực nào khiến anh quyết định mở thêm những cửa hàng khác?

Sau cú sốc đó, tôi dành ra một khoảng thời gian rất dài để suy nghĩ cẩn thận và nghiêm túc về quá trình kinh doanh của mình. Cũng từ đây, tôi thấy được nguyên nhân của sự thất bại không chỉ xuất phát từ việc mình đặt niềm tin vào người khác mà nó còn đến từ việc mình thiếu kiến thức nên họ nói gì mình cũng nghe theo. Sau khi nhận ra điều đó, tôi đã dùng 2 năm sau đó để đi học một lớp CEO nhằm bổ sung những kiến thức mà mình đang thiếu. Càng học, tôi càng yêu thích việc kinh doanh hơn, càng có thêm động lực muốn hoàn thiện bản thân và hoàn thiện đội ngũ của mình nên đã mở thêm những cửa hàng sau này.

thai-title-3-01.jpg

Thời điểm nào thì anh quyết định mở thêm cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội?

Khi Thai Market đã phủ sóng khắp thị trường Đà Nẵng, tôi mới nghĩ tới việc mở rộng thương hiệu của mình sang những thị trường mới. Lúc đó, tôi đứng trước 2 sự lựa chọn. Một là mở cửa hàng ở những thành phố lớn, đông dân. Hai là mở cửa hàng ở tỉnh lẻ và các thành phố nhỏ.  

Kinh doanh ở hai thị trường này đều có những thuận lợi và khó khăn riêng. Ví dụ, với những thị trường đông đúc như Tp HCM và Hà Nội thì khách hàng có đời sống cao nhưng lại có khó khăn là thị trường cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi mình phải đầu tư nguồn lực về con người và tài chính rất tốt thì mới có thể tồn tại. Còn với thị trường ở tỉnh, dù sự cạnh tranh không nhiều nhưng mức sống và nhu cầu của người dân thấp  nên việc kinh doanh cũng không có sự đột phá. Do đó, tôi quyết định chọn các thị trường như Tp HCM, Hà Nội để tối ưu công quản lý của mình.

Đứng trước bài toán mở rộng thương hiệu, anh có từng nghĩ đến việc sẽ tìm kiếm những đối tác nhượng quyền? 

Cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội của tôi là cửa hàng nhượng quyền. Tuy nhiên, tôi đã tiếp quản lại nó và quyết định không đi theo hướng nhượng quyền nữa vì cảm thấy không phù hợp. Nguyên nhân là vì việc kinh doanh cửa hàng full-service cộng với menu lên đến 100 món ăn sẽ khiến đối tác phải rất vất vả trong khâu vận hành. Hơn nữa, nó cũng yêu cầu dịch vụ cũng rất cao nên với những đối tác nhượng quyền chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về nền tảng kinh doanh F&B và nội lực cũng như nguồn lực của họ còn hạn chế thì rất khó khăn trong việc hợp tác. Một vấn đề nữa là nếu vận hành với mô hình như vậy, lợi nhuận thu về sẽ rất thấp và không hiệu quả nên chúng tôi dừng mô hình kinh doanh này và tiếp tục với mô hình chuỗi bấy lâu.

thai-quote-3-01.jpg

Hiện tại, Thai Market của anh có bao nhiêu cửa hàng trên cả nước?

Sau 11 năm khởi nghiệp, Thai Market đã phát triển mạnh mẽ, trở thành chuỗi cửa hàng ẩm thực Thái đầu tiên có mặt tại 4 thị trường lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam và TP.HCM với 32 cửa hàng. Ngoài Thai Market restaurant (món Thái đậm vị), chúng tôi cũng đã phát triển thêm các thương hiệu mới như MorFai (lẩu Thái chuẩn vị), Pi Thai (hủ tiếu truyền thống Thái Lan) cũng rất hút khách.

Anh có gặp khó khăn khi quản lý một lúc nhiều cửa hàng? 

Hiện tại trụ sở chính của Thai Market ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, tôi cũng có những quản lý cấp trung ở những cơ sở ở Tp HCM, Hà Nội. 

Với tôi, khó khăn thì ngày nào cũng có cả, bởi vậy tôi luôn trong tư thế sẵn sàng đối diện với nó. Đặc biệt với ngành F&B thì khó khăn luôn thường trực với những thách thức về tính dịch vụ, về đánh giá của khách hàng. Song song với việc làm hài lòng khách hàng, chúng tôi luôn xác định phải cố gắng hoàn thiện bản thân, hoàn thiện doanh nghiệp và phải thúc đẩy quá trình đó trong từng nhân viên để công việc lúc nào cũng phải tới nơi tới chốn. Nghĩ kỹ lại, tôi thấy những điều đó không phải là khó khăn mà đó là thách thức mà bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng phải hiểu và đối diện. 

thai-title-4-01.jpg

Theo anh, Thai Market có điểm gì thu hút để giữ chân khách hàng và cạnh tranh với những đối thủ khác trên thị trường ?

Cho đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn nghĩ menu của Thai Market với những món ngon chuẩn vị, đa dạng và chất lượng là một trong những điểm thu hút giúp thương hiệu của mình tồn tại và phát triển trên thị trường ẩm thực. 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang tập trung vào việc tăng trải nghiệm và cung cấp dịch vụ tốt nhất tới khách hàng. Đối với người Thái, họ xem đây là gốc rễ của kinh doanh ẩm thực và dùng chiến lược này để cạnh tranh với thị trường thế giới. Tôi cũng áp dụng phương pháp đó vào việc kinh doanh của mình để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tuyệt vời nhất khi đến với Thai Market. Tái định vị và thiết kế nhấn mạnh vào không gian ăn uống chuẩn Thái chính là cách mà chúng tôi đang thực hiện để mang tới sự sang trọng, cảm giác dễ chịu và hạnh phúc khi khách hàng sử dụng dịch vụ ở Thai Market.

Trong tương lai, anh có nghĩ mình sẽ tiếp tục mở thêm cửa hàng ? 

Chắc chắn là có. Tôi vẫn đang trên con đường chinh phục khát vọng của mình. Tôi mong muốn những thương hiệu của mình có thể phủ sóng khắp Việt Nam với 200 - 300 cửa hàng. Đó là một ước mơ rất lớn.

Anh đặt mục tiêu sẽ chinh phục ước mơ lớn này trong thời gian bao lâu?

Chắc là 5 năm. Thực ra khi đưa ra con số này, tôi đã có sự tính toán phù hợp cho nó. Giai đoạn đầu 2024, nền kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Tôi cho rằng đây là thời gian phù hợp để tinh chỉnh lại bộ máy, hệ thống, quy trình, con người, sản phẩm, dịch vụ. Đó là một quá trình tái định vị và xây dựng chiến lược cho công ty nhằm hướng đến sự phát triển trong tương lai. Quá trình này sẽ mất khá nhiều thời gian nên sắp tới chúng tôi sẽ hạn chế các chiến lược khác để tập trung chuẩn bị cho mục tiêu to lớn đó. 

Sau 11 năm làm trong ngành F&B, anh thấy bản thân anh đã thay đổi như thế nào so với cái giai đoạn đầu? 

Giai đoạn này, tôi thấy mình nhẹ nhàng hơn, có nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm hơn. Dù bản thân vẫn tham vọng nhưng tôi đã cẩn trọng hơn trong những bước đi của mình. Hiện tại, những quyết định của tôi có thể vẫn liều lĩnh, thế nhưng sự liều lĩnh đó đều nằm trong một mức độ cho phép. Ở giai đoạn này, khi đã là ông chủ của nhiều nhân viên thì quyết định của tôi sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến các cá nhân và cả tập thể. Do đó, tôi nghĩ bản thân cần phải có trách nhiệm hơn với từng quyết định và bước đi của mình. 

Cảm ơn những chia sẻ của anh!


(0) Bình luận
Từ chủ thầu xây dựng “phá sản” tới ông chủ chuỗi 32 cửa hàng Thai Market, CEO Lê Thái Hoàng kể chuyện khởi nghiệp với 120 triệu đồng, từng “lao đao” suốt 2 năm vì hợp tác với bạn bè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO