TS Trần Đình Thiên phân tích lý do tăng trưởng liên tục 2 con số trong ‘Kỷ nguyên vươn mình’ là khả thi và hiến kế chống tham nhũng với nguyên lý ‘đuổi chuột không làm vỡ bình’

Bình Minh - Hoàng Ly/ TK: Hải An | 06:05 10/01/2025

Bước vào “Kỷ nguyên vươn mình”, liệu tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đột biến? Năm 2025, kinh tế Việt Nam sẽ ra sao? Làm thế nào để tiếp tục chống tham nhũng hiệu quả? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

TS Trần Đình Thiên phân tích lý do tăng trưởng liên tục 2 con số trong ‘Kỷ nguyên vươn mình’ là khả thi và hiến kế chống tham nhũng với nguyên lý ‘đuổi chuột không làm vỡ bình’
ndt-web-10.jpg
ndt-web-19.jpg

Nếu tháo gỡ được điểm nghẽn thể chế, tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 2 con số trong thập kỷ tới, giúp Việt Nam trở thành "con rồng" kinh tế Châu Á. Ông đánh giá sao về khả năng này?

Điều này tuyệt đối khả thi! Cách đây 20 năm, tôi từng nói với một vị lãnh đạo cao cấp rằng: Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng 2 con số nhiều năm chứ không chỉ một vài năm để lấy thành tích cho oai, thậm chí có thể đạt 15-20%. Điều này mang tính khả thi!

Nhìn sang Trung Quốc, nền kinh tế của họ lớn như vậy mà cũng tăng trưởng 2 con số trong nhiều năm. Hàn Quốc còn khó hơn ta nhiều, ngày xưa làm gì có vốn đầu tư nước ngoài vào nhiều như Việt Nam mà cũng tăng trưởng hơn 10% trong nhiều năm… Chúng ta đi sau, có thể học kinh nghiệm từ họ nhưng lại chưa làm được, thấy tăng trưởng 6-7%/năm là nổi lên lòng tự hào rồi, trong khi giảm tốc tăng trưởng trong dài hạn lại là xu thế nổi bật.

anh-man-hinh-2025-01-09-luc-16.22.47.png

Ở đây, lại phải nói về cơ chế phân bổ nguồn lực. Phân bổ nguồn lực mang tính xin cho thì hiệu quả tăng trưởng rất thấp, không phát huy được sức mạnh của kinh tế tư nhân. Thời kỳ trước Đổi mới (1986), khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, chỉ cần cho phép khu vực tư nhân hoạt động là nền kinh tế trỗi dậy phi thường, tình thế phát triển đảo ngược ngay.

Hiện tại, năng lực giúp chúng ta vượt lên kiểu như vậy còn rất lớn. Chỉ cần giải phóng các nguồn lực đó bằng cách thay đổi cơ chế phân bổ chúng thì GDP tăng trưởng hai con số trong nhiều năm là hoàn toàn khả thi.

Tôi xin lấy mấy ví dụ đơn giản. Lãi suất của Việt Nam cao gấp đôi lãi suất vay quốc tế suốt mấy chục năm, nếu đưa mặt bằng lãi suất trong nước bằng với thế giới thì tăng trưởng GDP sẽ được đẩy lên mạnh mẽ.

Thêm nữa, chi phí giao dịch ở Việt Nam quá cao, làm doanh nghiệp Việt không thể lớn và khó cạnh tranh hiệu quả phát triển và vòng quay của vốn. Một dự án phải mất 3-5 năm để hoàn tất các thủ tục, trong khi ở nước ngoài, thời gian chỉ khoảng 1-2 năm. Hai năm đó làm phát sinh chi phí vốn, chi phí nhân công và chi phí tiếp khách… Giảm được những thứ này thì ICOR giảm mạnh, tức hiệu suất sử dụng vốn sẽ tăng “đột biến”. Chưa kể tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng kinh niên trên các thị trường – nguồn lực (vốn, đất đai, lao động, …).

ndt-web-22.jpg

Rồi chuyện các dự án hạ tầng lớn chậm trễ trong nhiều năm, nếu được đẩy nhanh tiến độ thì đóng góp vào tăng trưởng cũng rất lớn. Nếu chúng ta gỡ được những chuyện như thế thì không có lý gì mà nền kinh tế không thể tăng trưởng lên 2 chữ số kéo dài nhiều năm.

Thế nên tôi cho rằng, chỉ riêng việc xử lý được câu chuyện về lãng phí tài nguyên, lãng phí nguồn lực thôi thì đã giúp nền kinh tế này tăng trưởng mạnh hơn về số lượng rồi. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn số lượng là đẳng cấp phát triển. Nếu cứ chăm chăm đầu tư vào những dự án có giá trị gia tăng thấp, năng suất lao động thấp thì dù có to cũng không thay đổi được đẳng cấp, không tạo ra sự nhảy vọt về tăng trưởng trong tương lai.

Tôi ví dụ trạng thái của chúng ta giống như con kiến, nếu tăng mạnh thì cũng chỉ thành kiến càng thôi, nhưng bước chân của con kiến ngắn lắm. Tốc độ bước chân của con kiến có thể rất nhanh, nhưng tốc độ đua tranh của con kiến với những con khác, vi dụ như con thỏ hay con ngựa thì kém lắm.

Trong quá trình đua, chúng ta phải làm sao để tự biến mình, ví dụ, từ con kiến thành con ngựa, chứ không thể chỉ nỗ lực tăng tốc con kiến. Tức là Việt Nam phải chuyển mình sang một hệ giá trị gia tăng khác, một cấu trúc phát triển mới để mỗi bước đi, mỗi phần trăm tăng trưởng sẽ gấp ba, gấp bốn lần một phần trăm tăng trưởng của thế hệ trước, lúc đó mới giải quyết được vấn đề.

ndt-web-21.jpg

Thực tế là sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng, các chỉ số của chúng ta vẫn còn rất xa so với thế giới. Phải chăng điều này do chúng ta đã lùi thời hạn để đạt được những mục tiêu chiến lược kiểu trở thành nước công nghiệp hiện đại, nước phát triển mới có thu nhập cao… và trong “Kỷ nguyên vươn mình”, các mục tiêu này có thể thành hiện thực hay lại lùi tiếp?

Thực ra chúng ta chưa lùi cái gì cả. Trước đây, nhiều mục tiêu kiểu ấy mang tính chung chung, không phải là một cam kết hành động đúng nghĩa. Ví dụ mục tiêu “đến năm 2020 Việt Nam phấn đấu cơ bản trở thành một nước công nghiệp phát triển, theo hướng hiện đại” được nêu cách đây 20 năm. Về cơ bản, mục tiêu như vậy không có gì rõ ràng cả, cho nên bây giờ chưa thực hiện được cũng không có gì là “lùi” cả.

ndt-web-23.jpg

Đến kỳ Đại hội XIII gần đây, các mục tiêu đã được thiết kế mang tính cam kết rõ ràng hơn. Tuy nhiên, làm sao để mục tiêu cam kết có sự ràng buộc trách nhiệm chính trị - pháp và đi gắn với quyền lợi chính trị - kinh tế sẽ có tác động thúc đẩy lớn hơn.

Ông dự báo gì cho năm 2025 - đánh dấu khởi đầu của kỷ nguyên vươn mình?


Năm 2025 là năm chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIV. Đại hội sẽ xác định nội hàm của “Kỷ nguyên vươn mình”, định hình rõ cấu trúc mục tiêu và hệ giải pháp chiến lược, tức là toàn bộ hệ thống tư duy và cách tiếp cận phát triển mới cho Việt Nam. Năm 2025 không chỉ là năm tăng trưởng, dù dự báo tăng trưởng có thể vẫn khả quan, nhưng điều quan trọng là nó phải định vị rõ Việt Nam trong thế giới mới, đồng thời là năm hành động quyết liệt, để tạo thế, tạo đà, tạo năng lực mới để Việt Nam sau Đại hội thực sự bước vào Kỷ nguyên mới.

ndt-web-24.jpg

Chúng ta biết, thế giới đang trong giai đoạn bất thường; còn Việt Nam thì đang trong trạng thái “khác thường”. Khác thường ở đây chính là vươn mình, là khẳng định mới cho đất nước. Xác lập được thế Vươn mình này quan trọng hơn nhiều so với thành tựu phần trăm tăng trưởng đạt được trong năm 2025.

Nhiều học giả cho rằng, sau năm 2025, có thể biến chỉ tiêu “tốc độ tăng GDP” thành chỉ tiêu phụ. Các chỉ tiêu chất lượng như năng suất lao động, thị phần trên thị trường quốc tế, thực lực các tập đoàn kinh tế Việt, chuỗi giá trị và vai trò của Việt Nam, v.v. là những yếu tố quan trọng hơn rất nhiều so với chỉ tiêu tăng trưởng GDP.

Vì vậy, năm 2025 phải là năm thay đổi cách nghĩ, với Việt Nam là cuộc đua để "rũ bùn đứng dậy sáng lòa". Không thể đứng dậy mà vẫn giữ tư thế cũ, vẫn bị bùn lầy bao phủ. Khi thay đổi, thế và lực Việt Nam sẽ khác.

ndt-web-25.jpg

Trong “Kỷ nguyên vươn mình”, theo ông, làm thế nào để chúng ta có thể tiếp tục chống tham nhũng hiệu quả nhưng không tạo ra nỗi sợ quá mức?

Tôi vẫn ví hình ảnh cuộc chiến chống tham nhũng của chúng ta như việc đuổi chuột trong một căn phòng tối có rất nhiều đồ đạc.

Có thể diễn giải rằng trong căn phòng kinh tế, cơ chế chính sách càng lỉnh kỉnh, phức tạp, chồng chéo, của cải càng lộn xộn thì chuột tham nhũng càng có cơ hội lộng hành. Đấy chính là môi trường của chuột. Vì vậy, vào đánh chuột tham nhũng trong căn phòng tối với nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh là rất khó.

Khi người vào trong căn phòng đó và cầm gậy đánh, chuột sẽ chạy trốn vào trong các loại khe kẽ, ẩn nấp sau các loại đồ đạc lộn xộn. Việc không nhìn rõ, lại múa gậy loạn xạ trong phòng tối sẽ làm vỡ đồ đạc. Thậm chí, người đi chống tham nhũng có thể còn đập cả vào chân mình, thậm chí, đánh cả vào đồng đội đang cùng đánh chuột.

Mục tiêu là đuổi chuột ra khỏi phòng, để chúng ít có không gian và cơ hội lộng hành trong căn phòng kinh tế. Định hướng giải pháp không phải là tìm cách giết chuột mà là làm sao để trong phòng không có chuột, hay tìm ra cách đuổi, để chúng tự đi. Giết chuột không phải là mục tiêu mà chỉ là giải pháp. Trong quan hệ với mục tiêu tổng thể, đó không hẳn là giải pháp tốt.

ndt-web-26.jpg

Đuổi chuột có nhiều cách nhưng cách đơn giản nhất là vào phòng, bật đèn sáng lên, để chuột chạy ra ngoài hết. Tuy nhiên, việc bật đèn sáng đột ngột có thể làm cho chuột chạy loạn lên, gây đổ vỡ, hư hại tài sản trong phòng. Thậm chí, chuột cống có thể phi vào người gây thương tích.

Vì thế, cách phù hợp là bật đèn lên từ từ, làm sáng dần lên căn phòng vốn đang tối. Đèn sáng đến đâu, chuột sẽ lui đến đó. Đó cũng là lúc công cuộc xếp dọn lại đồ đạc trong căn phòng bắt đầu. Ánh sáng đến đâu, chuột lui đến đó, trật tự trong căn phòng được tái lập. Trong một căn phòng sáng đèn, chuột sẽ còn rất ít ở các góc khuất và không lộng hành được.

Con người lại trở thành chủ nhân đúng nghĩa của của cải và căn phòng của chính mình.

Nếu hình dung căn phòng chính là nền kinh tế, chai lọ, bình quý trong phòng là tài sản, sự bừa bộn của căn phòng là trạng thái cơ chế - chính sách, mức độ sáng tối của căn phòng là tình trạng công khai minh bạch, chúng ta sẽ nhận thấy cách tiếp cận chống tham nhũng và lãng phí theo một logic rõ ràng và tính triển vọng của nó.

Bài: Bình Minh - Hoàng Ly

Ảnh: Việt Hùng

Thiết kế: Hải An


(0) Bình luận
TS Trần Đình Thiên phân tích lý do tăng trưởng liên tục 2 con số trong ‘Kỷ nguyên vươn mình’ là khả thi và hiến kế chống tham nhũng với nguyên lý ‘đuổi chuột không làm vỡ bình’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO