Mới đây, chia sẻ tại hội thảo “Thúc đẩy Dự án Vành đai 3 - Động lực mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã cho rằng để các dự án hạ tầng trọng điểm đảm bảo tiến độ thì ngoài nguồn lực tài chính và năng lực kỹ thuật thì cơ chế thông thoáng là yếu tố không thể thiếu.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc giải ngân vốn đầu tư công tại các dự án hạ tầng trọng điểm đều không đạt tiến độ đề ra. Nguyên nhân được chỉ ra thường không phải do thiếu vốn mà chủ yếu xuất phát từ những vướng mắc liên quan đến thể chế như cơ chế chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, trình tự, thủ tục đầu tư,…
Cơ chế giải phóng mặt bằng
Theo đó, TS. Dũng cho rằng yếu tố trước hết và quan trọng nhất quyết định tiến độ một dự ấn hạ tầng hiện nay chính là cơ chế về giải phóng mặt bằng.
Hiện nay, Nghị quyết số 57/2022/QH15 của Quốc hội đã cho phép "người đứng đầu của cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu… các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư".
Tuy nhiên, theo TS. Dũng, việc chỉ định thầu cho bất kỳ ai, thì mức giá đền bù phải như thế nào, hỗ trợ tái định cư cần ra sao vẫn là những vấn đề còn phải mất vô cùng nhiều công sức mới có thể giải quyết được.
Thực tế cho thấy, quá trình thực hiện Dự án vành đai 2 TP.HCM, công tác giải phóng mặt bằng có những vị trí phải mất đến hàng chục vẫn chưa giải quyết xong.
Dự án vành đai 3 TP.HCM lên kế hoạch đến tháng 6 năm 2023 giải phóng 70% mặt bằng quả thực là một kỷ lục về tiến độ thời gian.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Theo đó, TS. Dũng cho rằng việc dự án vành đai 3 TP.HCM lên kế hoạch đến tháng 6 năm 2023 giải phóng 70% mặt bằng quả thực là một kỷ lục về tiến độ thời gian.
Nhận định về nguyên nhân của những khó khăn vấn đề thường phát sinh trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, TS. Dũng cho rằng từ trước tới nay chúng ta đang chủ yếu căn cứ vào loại đất để đề ra mức giá bồi thường.
Cụ thể, đất nông nghiệp, đất rừng sẽ được đền bù thấp hơn rất nhiều so với đất thổ cư. Và thông thường với mức đề bù như vậy, nhiều khi người dân sẽ rất thiệt thòi. Và đây cũng là lý do dẫn đến kiếu kiện kéo dài.
Trong lúc đó, từ xa xưa cha ông ta đã khẳng định đất đai thì "Thứ nhất cận thị, thứ nhị cận giang"- Giá trị của đất đai do vị trí của đất đai xác định. Xác định giá đất chỉ căn cứ vào loại đất mà không căn cứ vào vị trí của đất đai là không hoàn toàn hợp lý. Đất xung quanh Hồ Tây của Hà Nội cho dù là đất nông nghiệp, thì đề bù với giá đất nông nghiệp chắc chắn không một người dân nào chấp nhận, TS. Dũng nhận định.
Đất xung quanh Hồ Tây của Hà Nội cho dù là đất nông nghiệp, thì đề bù với giá đất nông nghiệp chắc chắn không một người dân nào chấp nhận.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Từ vấn đề đặt ra như trên, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nêu quan điểm tại dự án Vành đại 3 TP.HCM, bên cạnh loại đất, thì vị trí đất cũng có thể cần được xem xét để xác định giá đền bù cho dân. Nếu cơ chế này được giải quyết, sự đồng tình của người dân với chủ trương thu hồi đất chắc chắn sẽ cao hơn.
Bên cạnh đó, cũng theo TS. Dũng, người dân sẽ chấp nhận việc đề bù, giải tỏa dễ dàng hơn, nếu họ được tái định cư tại chỗ. Tuy nhiên, việc này sẽ rất khó khăn nếu các địa phương không thể điều chỉnh quy hoạch hoặc không thể chuyển đổi mục đính sử dụng đất.
“Nên chăng, nếu không vì những lý do bất khả kháng, thì cần cho phép các địa phương được điều chỉnh quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho việc tái định cư tại chỗ để giải phóng mặt bằng cho Dự án vành đai 3”, TS. Dũng nhận định.
Trình tự thủ tục đầu tư dự án
Nhóm vấn đề còn bất cập thứ hai được TS. Dũng gợi mở là việc quy định về trình tự thủ tục liên quan tại các dự án hạ tầng trọng điểm hiện nay có thể cần phải cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.
Cụ thể, tại dự án vành đai 3 TP.HCM được chia thành 8 dự án thành phần. Mỗi dự án thành phần lại đều phải trải qua trình tự, thủ tục thẩm định, quyết định đầu tư như đối với dự án đầu tư công nhóm A.
Theo TS. Dũng, cách làm này quả thật không biết có hợp lý hay không? Khi Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường vành đai, thì nên chăng cần tiến hành các thủ tục tiếp theo cho cả Dự án này.
Tại dự án Vành đại 3 TP.HCM, sau khi xác định chủ đầu tư là TP.HCM thì TP.HCM sẽ ký hợp đồng với các địa phương khác để triển khai các phần việc cấu thành của Dự án.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Chẳng hạn như tại dự án Vành đại 3 TP.HCM, sau khi xác định chủ đầu tư là TP.HCM thì TP.HCM sẽ ký hợp đồng với các địa phương khác để triển khai các phần việc cấu thành của Dự án.
Làm theo cách này sẽ không chỉ tiết kiệm được thời gian, mà còn bảo đảm được sự nhất quán của các chuẩn mực và quy trình kỹ thuật. Ngoài ra, phần đường vành đai đi quan địa phương nào vẫn do địa phương đó đảm nhận.
Công nghệ “1 luật sửa nhiều luật”
Trong bối cảnh có quá nhiều các quy định liên quan đế hoạt động đầu tư dự án nói chung và dự án đầu tư công nói riêng đang nằm tại nhiều văn bản luật khác nhua hiện nay theo TS. Dũng nên áp dụng công nghệ một luật sửa nhiều luật của thế giới cho việc triển khai Dự án đường vành đai.
Công nghệ một luật sửa nhiều luật được hiểu là: khi một chính sách lập pháp mới được thông qua, thì tất cả những chính sách lập pháp trái với chính sách này trong các đạo luật khác đều bị sửa đổi tương ứng.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Khi Dự án đường vành đai với bản thiết kế kỹ thuật của nó được thông qua, thì tất cả các loại đất đai đều đương nhiên được chuyển đổi tương ứng. Tiến hành các thủ tục riêng rẽ để chuyển đổi đất rừng, đất lúa phục vụ việc xây dựng Dự án sẽ rất tốn kém thời gian, công sức, mà gần như không bổ sung được giá trị, TS. Dũng phân tích.