
“Sau kháng chiến chống Pháp, nước ta tạm thời chia cắt hai miền Nam - Bắc. Tôi ra Bắc lúc 10 tuổi, được Nhà nước và nhân dân nuôi dạy để trưởng thành… nên cả cuộc đời, tôi không tiếc điều gì cho đất nước”. Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính - Viễn thông chia sẻ trong cuộc trò chuyện với chúng tôi.
Những năm 1990, với tinh thần “không tiếc điều gì cho đất nước”, ông Mai Liêm Trực sẵn sàng “tín chấp” chiếc ghế Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện để chịu trách nhiệm về việc đưa Internet vào Việt Nam, kiến tạo hạ tầng quan trọng góp phần giúp phát triển đất nước mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới.
Gần 30 năm sau, đứng trước ngưỡng cửa một kỷ nguyên mới của dân tộc, vẫn với sự quyết liệt như những ngày “làm Internet”, ông Trực khẳng định “đây là cơ hội cuối cùng, nếu không làm, chúng ta sẽ không thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”.

Ngày 19/11/1997 là một cột mốc đáng nhớ khi Việt Nam chính thức hòa mạng Internet toàn cầu. Ký ức của ông về ngày đó thế nào?
TS Mai Liêm Trực: Hôm đó, nhiều phóng viên của các hãng tin lớn trên thế giới có mặt. Lúc đó, tôi mới nhận ra, việc kết nối Internet toàn cầu không chỉ là vấn đề viễn thông, mà còn thể hiện chính sách đổi mới của Việt Nam. Và các nước muốn thăm dò chuyện đó.
Sau khi tuyên bố khai trương Internet, chúng tôi trả lời câu hỏi của báo chí. Một số phóng viên từ báo lớn trên thế giới đặt câu hỏi, tôi đã trả lời toàn bộ bằng tiếng Anh, nhờ một Vụ trưởng dịch ra tiếng Việt. Đó là sự phòng vệ, vì tôi không muốn thông tin truyền tải ra nước ngoài bị sai lệch.
Internet lúc đó còn khá sơ khai, xa lạ với số đông ở Việt Nam. Động lực nào khiến ông kiên quyết đưa Internet vào nước ta?
TS Mai Liêm Trực: Tôi tiếp cận Internet khá sớm. Có thể nói ngay từ đầu khi Internet vừa có tại Mỹ, vào khoảng tháng 5/1991, nhờ những người bạn giới thiệu. Lúc đó, công nghệ Internet chỉ truyền tệp dữ liệu, thư điện tử. Đến khoảng tháng 8-9/1991 mới có World Wide Web. Nhưng ngay từ lần đầu tiên tiếp xúc, tôi đã thấy Internet vô cùng hấp dẫn. Người dân có thể gửi thư điện tử từ đồng bằng lên miền núi, từ đất liền ra hải đảo, từ trong nước ra quốc tế vô cùng dễ dàng, nhanh chóng.
Mặc dù đã có nhiều kỳ vọng, nhưng chính tôi cũng không thể tưởng tượng, Internet sẽ phát triển kinh khủng như vậy, làm thay đổi toàn bộ cách thức hoạt động của xã hội và mang đến vô vàn tiện ích, cơ hội.
Từ sau Đại hội Đảng VI, ngành Bưu chính - Viễn thông đã chọn hướng đi thẳng vào công nghệ hiện đại, công nghệ số. Đó là một quyết sách rất lớn, với khát vọng xây dựng ngành viễn thông Việt Nam hiện đại. Thế hệ chúng tôi là những người rất thấm nỗi đau của dân tộc vì chiến tranh và đất nước bị chia cắt, cũng như cái nghèo, cái đói do hậu quả chiến tranh và cơ chế bao cấp.

Đã quyết tâm như vậy, vì sao phải mất tới 6 - 7 năm (từ 1991-1997), các ông mới mở đường đưa được Internet vào Việt Nam?
TS Mai Liêm Trực: Muốn đưa Internet vào, phải có 3 điều kiện. Thứ nhất, phải có mạng điện thoại tự động kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế. Internet sẽ kết nối qua đường dây điện thoại, gọi là dial-up. Thời đó, viễn thông của Việt Nam mới dừng ở mức bán tự động. Gọi liên tỉnh phải qua tổng đài viên kết nối. Thứ hai, phải có những doanh nghiệp nắm được công nghệ Internet và xây dựng cơ sở vật chất cũng như cán bộ quản lý. Thứ ba, phải được Đảng và Chính phủ cho phép. Vì vậy, chúng tôi mất 6-7 năm chuẩn bị.
Đến năm 1995, mạng điện thoại đã được số hoá và tự động hoá hoàn toàn. Giai đoạn 1996-1997, các doanh nghiệp hoàn thiện cơ sở vật chất và đào tạo cán bộ nắm vững công nghệ Internet. Đặc biệt, chúng tôi phải báo cáo, giải trình với Chính phủ, Bộ Chính trị. Lúc ấy, có nhiều lo lắng về chuyện thông tin tiêu cực tràn vào Việt Nam và sợ lộ bí mật Nhà nước.
Khi báo cáo Thường trực Bộ Chính trị, đồng chí Lê Khả Phiêu hỏi chúng tôi: “Nếu đưa Internet vào, liệu có làm lộ bí mật Nhà nước không?” Tôi trả lời thành thật: “Không thể nào ngăn chặn hết được. Ngay cả thư từ gửi ra nước ngoài, fax, hay điện thoại di động… cũng đã bị phê bình là làm lộ bí mật. Internet càng khó khăn hơn. Nhưng với ba giải pháp là hành lang pháp lý, các giải pháp kỹ thuật và việc tuyên truyền, hướng dẫn, chúng tôi sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro”.
Nghe xong, đồng chí Lê Khả Phiêu nói: “Các đồng chí qua báo cáo thêm với Thủ tướng Phan Văn Khải”.
Chúng tôi kéo đến nhà Thủ tướng vào một ngày Chủ nhật. Ông Khải là người cởi mở nên cuộc nói chuyện khá thuận lợi. Chỉ đến lúc chúng tôi ra về, Thủ tướng mới đặt tay lên vai tôi, nói: “Trực cố gắng quản lý Internet cho tốt! Chứ nếu mở ra mà phải đóng lại thì không biết ăn nói ra sao với thế giới!”. Chỉ một câu nói nhẹ nhàng mà khiến tôi cảm thấy trách nhiệm nặng nề hơn cả Nghị quyết đè trên vai.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải nói như vậy là trực tiếp giao trọng trách phát triển Internet cho ông. Tôi nghĩ rằng đó là một nhiệm vụ không hề dễ, nhất là trong bối cảnh có nhiều người vẫn còn hoài nghi về mặt tiêu cực của Internet...
TS Mai Liêm Trực: Dù có người lo ngại, nhưng nhiều lãnh đạo cấp cao ủng hộ, đặc biệt là Thủ tướng Võ Văn Kiệt (người tiền nhiệm ông Khải - PV) rất cởi mở và muốn Việt Nam hội nhập sâu với quốc tế. Tuy nhiên, với sự thận trọng cần thiết lúc bấy giờ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ban hành Nghị định Tạm thời về quản lý Internet, trong đó có phương châm: Quản đến đâu, mở đến đấy. Vì vậy, trong gần 3 năm đầu, chưa mở được Internet công cộng, do một số cơ quan chức năng nói rằng họ chưa quản lý được.
Có một lần, giữa đêm, địa phương gọi điện ra, báo rằng ở Phú Yên có một cửa hàng tư nhân mở máy cho người dân tiếp cận Internet nên bị công an bắt, tịch thu hết máy tính. Tôi trả lời mình cũng “bó tay”, vì chúng ta phải tuân thủ và tôn trọng pháp luật. Mặc dù trong thâm tâm tôi thấy rất thương và vô cùng muốn cứu người dân. Những gì họ làm đáng ra phải được bảo vệ. Đất nước đã bắt đầu có du lịch, việc mở Internet công cộng như là cafe Internet vô cùng cần thiết.
Hồi đó, cứ 6 tháng, Ban Điều phối Quốc gia về Internet họp một lần. Tổ chức này là cơ quan liên Bộ. Mỗi lần họp, những gì chưa tốt của Internet được đưa ra và tôi phải giải trình. Ví như thông tin tiêu cực hay ảnh sex trên mạng. Có nhiều khi, tôi hơi chống chế và nói bỗ bã một chút: “Xin nói thật với các anh, mấy cái ảnh các anh đưa ra thì mờ mờ vì Internet tốc độ còn chậm, trong khi ra phố có tranh ảnh và băng đĩa rõ hơn nhiều. Xin các anh đừng vì những chuyện nhỏ mà đóng Internet, bỏ qua cái lợi lớn”. Nói hơi thô như thế, nhưng mà vì nói đúng nên nhiều người ủng hộ. Và khi đã trải qua nhiều năm làm việc thì mọi người tin tưởng lẫn nhau.

Và kết quả lớn của sự tin tưởng ấy là gì?
TS Mai Liêm Trực: Đầu năm 2000, Ban Khoa giáo Trung ương được giao nhiệm vụ xây dựng Chỉ thị của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. GS Đặng Hữu lúc ấy chủ trì, tôi có tham gia, đặc biệt là về viễn thông và Internet, kể cả bằng văn bản. Nhờ vậy, khi Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị ra đời, phần viễn thông và Internet có hai nội dung quan trọng.
Thứ nhất, thay đổi phương châm quản lý từ “quản tới đâu, mở tới đó” thành “quản lý phải theo kịp yêu cầu phát triển”. Thứ hai, mở cửa thị trường viễn thông, xóa thế độc quyền, cho phép nhiều doanh nghiệp, nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển. Từ đó, Tổng cục Bưu điện trình Chính phủ ban hành Nghị định mới về quản lý và phát triển Internet ở Việt Nam, tạo thông thoáng cho Internet, đặc biệt là Internet công cộng nở rộ.
Về viễn thông, sau 10 năm đổi mới, đã hình thành một mạng lưới số hoá và tự động hoá cả nước với những công nghệ hiện đại nhất lúc bấy giờ như: viba số, cáp quang, thông tin vệ tinh, thông tin di động và tất cả những dịch vụ viễn thông hiện đại nhất kể cả Internet cũng đã được đưa vào Việt Nam.
Tuy nhiên, là người trong cuộc, chúng tôi bắt đầu thấy rõ những “khuyết tật” của cơ chế độc quyền doanh nghiệp, thực chất là một điểm nghẽn cho sự phát triển của ngành. Vì vậy, Tổng cục Bưu điện quyết định mở cửa cạnh tranh, xóa độc quyền doanh nghiệp, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp mới tham gia thị trường như Viettel, FPT. Nhờ có cạnh tranh, chúng ta tận dụng được sức mạnh của nhiều doanh nghiệp, làm cho giá cước giảm mạnh, chất lượng phục vụ tốt hơn và số lượng người dùng tăng rất nhanh. Đó là kết quả cải cách thể chế của ngành Viễn thông Việt Nam.

Kết nối Internet đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của Việt Nam. Theo ông, nền tảng đã gầy dựng trong quá khứ ấy sẽ giúp ích gì cho chúng ta khi bước vào “Kỷ nguyên vươn mình”?
TS Mai Liêm Trực: Ngành Bưu chính - Viễn thông Việt Nam đã có hai cuộc cách mạng. 10 năm đầu là đổi mới về công nghệ, đi thẳng vào những công nghệ và dịch vụ hiện đại nhất của thế giới. Nhờ vậy, chỉ sau thời gian ngắn, trình độ công nghệ và dịch vụ của Việt Nam không thua kém bất cứ quốc gia nào. Cuộc cách mạng thứ hai của ngành chính là cải cách thể chế quản trị, chuyển từ độc quyền sang cạnh tranh. Và 10 năm tiếp theo, đến khoảng năm 2010, ngành đã hoàn thành tốt cả hai cuộc cách mạng.
Năm 2016, khi thế giới bắt đầu bước vào cuộc cách mạng 4.0, tôi có đề xuất trên báo chí là Việt Nam nên bắt đầu cuộc đổi mới lần thứ hai về thể chế. Đổi mới thể chế là việc cải cách bộ máy quản trị quốc gia, sửa đổi hành lang pháp lý và bố trí nhân sự phù hợp, để vận hành thành công bộ máy chạy theo cơ chế mới..

Ngành viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số của Việt Nam đã đi trước, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam bước vào cuộc cải cách thể chế. Trước kia, khi một Nghị quyết mới ra phải tổ chức phổ biến, tuyên truyền, học tập trong nhiều tháng. Nhưng khi Nghị quyết 57 ra đời, Tổng bí thư và Bộ Chính trị tổ chức họp phổ biến Nghị quyết cho 1 triệu Đảng viên chỉ trong một buổi sáng qua gần 20.000 điểm cầu truyền hình.
Thực ra, sau 40 năm Việt Nam mới có cuộc đổi mới lần thứ hai là hơi chậm. Sau 30 năm, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã phát triển nhanh và thay đổi thứ hạng. Vì vậy, trong công cuộc vươn mình lần này phải làm nhanh, “vừa chạy vừa xếp hàng”, những khối lượng công việc vô cùng quan trọng và lớn lao phải hoàn thành trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng đây là cơ hội cuối cùng. Nếu không làm, chúng ta sẽ không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Nếu không tận dụng thời cơ này, sẽ không còn cơ hội nữa.
Sẽ có những việc phải chấp nhận hy sinh. Ví như chuyện mất tên một Bộ, một địa phương, nhiều người thay đổi vị trí làm việc… Nhưng so với hy những sinh xương máu của cha ông thì những việc đó không có gì quá lớn lao. Dù sao, thế hệ chúng ta hôm nay đã rất may mắn vì được sống trong hoà bình, thống nhất đất nước, hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới đất nước.

Vấn đề chỉ có một chuyện thôi: Không thể để người giỏi phải hy sinh cơ hội cho người yếu kém hơn. Vì vậy, lãnh đạo phải công tâm. Cách mạng lần này thành hay bại là do những người đứng đầu, từ Trung ương, đến tỉnh, đến xã/ phường. Nếu người đứng đầu không lấy lợi ích đất nước làm trọng, không dám dấn thân, không khách quan, trung thực… thì cấp dưới không thể tốt được. Việt Nam có thực sự bước vào Kỷ nguyên vươn mình hay không, chuyện đó phụ thuộc vào những người đứng đầu.
Năm 1997, ông đặt niềm tin vào Internet, và Internet bùng nổ đã giúp Việt Nam đi nhanh, đi xa… Còn bây giờ, ông đặt niềm tin vào công nghệ nào sẽ giúp Việt Nam đi tiếp con đường phát triển?
TS Mai Liêm Trực: Internet 25 năm trước vẫn là kết nối giữa con người với con người. Nhưng từ khoảng 10 năm trở lại đây, Internet chuyển thành Internet vạn vật. Dữ liệu vô cùng lớn. Tốc độ xử lý máy tính cực nhanh. Điều đó rất thuận lợi cho học máy phát triển. Nó sẽ tạo nên cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo. AI sẽ thông minh hóa toàn bộ hoạt động xã hội, thay thế một phần lao động trí óc của con người và tiếp tục mở ra vô vàn tiện ích, cơ hội mới.
Việt Nam muốn bắt kịp trình độ tiến bộ của thế giới, nhất định phải đầu tư vào AI. Trước mắt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hướng dẫn cho toàn xã hội sử dụng. Ví dụ, trong ngành báo chí truyền thông, AI đã thay thế nhiều việc như tìm kiếm, thu thập thông tin, viết bài tổng hợp, dựng video, tạo ảnh ảo, rải băng ghi âm… Đó là một sức mạnh kỳ diệu nếu chúng ta biết tận dụng.
Thứ hai, việc cung cấp dịch vụ trí tuệ chế tạo sẽ góp phần tạo việc làm, thu nhập, lợi nhuận và thậm chí giúp giữ vững chủ quyền quốc gia.
Tôi cho rằng, dù phát triển Internet, AI hay bán dẫn, Nhà nước hãy để cho tư nhân làm chủ lực. Chính phủ có đầy đủ phương tiện để kiểm soát, giới hạn. Trong thời đại mới, dữ liệu là tài nguyên quan trọng nhất. Bảo vệ dữ liệu cũng là bảo vệ an ninh. Để phát triển AI thì cần có hạ tầng và dữ liệu sạch… Đương nhiên, về hạ tầng, Nhà nước có trách nhiệm đầu tư ở mức độ nhất định. Ví dụ, Nhà nước đầu tư phòng lab cho các trường ĐH, thông qua đó vừa giúp đào tạo nhân lực, vừa là cơ sở để phát triển AI toàn dân, giúp các doanh nghiệp nhỏ, startup đến thử nghiệm, chạy mô hình giá rẻ. Và quan trọng nhất, đó cũng là cách bảo vệ an ninh, giúp doanh nghiệp không phải mang dữ liệu từ trong nước ra nước ngoài.

Việt Nam đi sau về Internet nhưng đã bắt kịp rất nhanh và phát triển với tốc độ khiến thế giới phải nể. Vậy với cuộc cách mạng mới, chúng ta có thể áp dụng được kinh nghiệm gì từ quá khứ?
TS Mai Liêm Trực: Về Internet, Việt Nam có chậm hơn vài nước trong khu vực chừng 1-2 năm. So với siêu cường Mỹ, chúng ta chỉ chậm hơn khoảng 6-7 năm. Đó là khoảng cách không quá dài. Mặc dù đi sau, nước ta tiến rất nhanh vì hai lý do. Thứ nhất, mạng viễn thông của Việt Nam đã hiện đại, đi thẳng vào công nghệ số và rất thuận lợi cho kết nối trong nước, quốc tế. Thứ hai, nước ta đã chuyển từ độc quyền sang cạnh tranh, giúp giá cước giảm, số lượng thuê bao tăng vọt và chất lượng tốt hơn.
Trong cuộc cách mạng về AI, chúng ta cũng có những điểm tương đồng với quá khứ. Đấy là năng lực sử dụng công nghệ của người Việt rất nhanh nhạy nếu được hướng dẫn. Thứ hai, điều kiện của Việt Nam hiện nay đã hội nhập rất sâu với thế giới, các doanh nghiệp ghi dấu ấn cả ở trong nước và quốc tế. Những nền tảng đó đủ sức giúp Việt Nam có thể đi nhanh trong cuộc cách mạng công nghệ mới.
Thế giới đang có những biến động dữ dội về chính trị - thương mại. Theo ông, điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc phát triển những công nghệ mới trong nước?
TS Mai Liêm Trực: Hiện nay, đối với cả Mỹ hay Trung Quốc, chúng ta đều có “quân bài”. Với Mỹ, Việt Nam có sức mạnh địa chính trị. Với Trung Quốc, chúng ta là một thị trường mà họ thâm hụt thương mại không hề nhỏ, hơn 86 tỷ USD. Trong bối cảnh Trung Quốc căng thẳng thương mại với Mỹ, Việt Nam là một đối tác rất đáng quý.
Những biến động thế giới thời nào cũng có và luôn xảy ra theo hướng không thể tính trước. Nhưng chúng ta không sợ gì cả! Miễn sao người dân làm ăn được. Họ có công việc, thu nhập và sống khỏe. Miễn là chúng ta đào tạo cho dân mình có đủ năng lực để làm tốt những việc thế giới cần. Và dân tộc mình hãy tự thương lấy nhau.

BÍ QUYẾT CỦA NGƯỜI VIỆT TRÊN BÀN ĐÀM PHÁN QUỐC TẾ Khi xưa, lúc ở vị thế người không có tiền, thậm chí đi đàm phán quốc tế còn phải ở nhà nghỉ, ăn mì gói, các ông có quân bài gì? TS Mai Liêm Trực: Hồi ấy, nước ngoài tới đây đàm phán thì được mời ở nhà khách Chính phủ. Chúng tôi sang nước ngoài đàm phán thì ở nhà nghỉ, trưa ăn bánh mì hoặc mì tôm. Nhưng trên bàn đàm phán, đôi bên vẫn bình đẳng. Người nước ngoài nể chúng tôi bởi tinh thần, ý chí, quyết tâm của người Việt luôn hành động vì đất nước. Chỉ qua vài buổi làm việc, họ đã thấy rằng: Người Việt sẽ làm bằng được những cái mà mình mong muốn. Trong đàm phán, không có thắng thua. Hai đoàn đàm phán như cùng ngồi trên một chiếc thuyền, cùng chung một lợi ích để làm sao đạt được kết quả của hợp đồng phù hợp cho lợi ích của hai bên. Phải đứng ở góc độ như thế, mình mới hiểu cái khó của họ, mà họ cũng biết cái khó của mình. Nhiều khi, chính đối tác giúp thuyết phục cấp trên của chúng tôi, và chúng tôi lại đi thuyết phục cấp trên của đối tác. Phương Tây rất thích đàm phán với người hiểu vấn đề và có khả năng ra quyết định. Tất nhiên, mỗi đối tác có văn hoá, cách tiếp cận khác nhau, nhưng tinh thần chung là như vậy. |