Các công ty công nghệ Trung Quốc phải chịu nhiều thách thức khi hoạt động ở nước ngoài trong những năm gần đây, do những cáo buộc về thu thập dữ liệu và lo ngại về an ninh, bảo mật của các quốc gia sở tại.
Các hoạt động kinh doanh thiết bị của Huawei phải trải qua 6 năm cấm vận từ phía Mỹ cũng như bị hạn chế ở các quốc gia phương Tây do lo ngại an ninh quốc gia, TikTok cũng có nguy cơ chịu chung số phận với lý do gần như tương tự. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc đã nhanh chóng tìm cho mình một địa bàn mới, hứa hẹn sẽ mang lại tiềm năng bùng nổ trong tương lai.
"Lãnh địa" mới cho công ty công nghệ Trung Quốc
Theo Rest of World, các công ty điện toán đám mây của Trung Quốc đang âm thầm giành được lợi thế trong cuộc chiến với các đối thủ Mỹ để giành lấy cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở Trung Đông.
Amazon, Microsoft, Google và Oracle đã dành nhiều năm xây dựng hệ sinh thái công nghệ với các trung tâm dữ liệu trên khắp vùng Vịnh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Huawei và Alibaba đã vượt mặt họ thông qua những liên kết chặt chẽ với các ưu tiên của chính quyền địa phương.
Bên cạnh cung cấp giá cả cạnh tranh, các gã khổng lồ điện toán đám mây Trung Quốc đã tham gia vào các quan hệ đối tác chiến lược và điều chỉnh các giải pháp để giải quyết mối quan ngại cụ thể về an ninh và chủ quyền.

"Các nhà cung cấp Trung Quốc đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng và phát triển kỹ năng, đồng thời mở rộng quan hệ đối tác công nghệ, dần dần giành được sức hút trên thị trường đám mây", Manish Ranjan, giám đốc nghiên cứu phần mềm và đám mây Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi tại công ty nghiên cứu thị trường IDC, chia sẻ với Rest of World.
"Mặc dù AWS (Amazon Web Services), Azure và Google Cloud đã thống trị ở Trung Đông, các nhà cung cấp Trung Quốc như Huawei và Alibaba vẫn tạo ra sự hiện diện đáng kể trong khu vực".
Những nhà cung cấp dịch vụ đám mây của Mỹ thiết lập sự hiện diện tại Trung Đông từ lâu, khởi đầu với Amazon Web Services mở trung tâm dữ liệu khu vực đầu tiên tại Bahrain vào năm 2019, tiếp theo là một trung tâm dữ liệu tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào năm 2022.
Microsoft mở dịch vụ đám mây đầu tiên tại Trung Đông tại Abu Dhabi và Dubai vào tháng 6/2019, và Google Cloud thâm nhập vào khu vực Dammam của Ả Rập Xê Út vào năm 2023.
Oracle có hai cơ sở về đám mây ở UAE và hai ở Ả Rập Xê Út, đồng thời có kế hoạch xây dựng cơ sở thứ ba ở Neom.
Bất chấp dấu ấn đã được hình thành, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây Trung Quốc như Huawei đã mở rộng quan hệ đối tác chặt chẽ với các công ty viễn thông khu vực bao gồm STC, E&Enterprise, du, Zain, OmanTel và Ooredoo, thúc đẩy sự phát triển trong công nghệ đám mây, trí tuệ nhân tạo, 5G và thành phố thông minh.
Ả Rập Xê Út là một trong những quốc gia trong khu vực đang thực hiện chính sách ưu tiên đám mây, yêu cầu các văn phòng chính phủ sử dụng dịch vụ máy tính dựa trên internet trước khi mua thiết bị riêng cho các dự án mới.
Huawei đã thiết lập bốn cơ sở đám mây, bao gồm một trung tâm dữ liệu tại Ả Rập Xê Út mang lại độ trễ cực thấp, cho phép thông tin di chuyển giữa các máy tính gần như ngay lập tức.

Giám đốc công nghệ Huawei Cloud, Bruno Zhang.
Tháng trước, công ty công bố quan hệ đối tác với công ty viễn thông Zain KSA để nâng cấp mạng lưới tại Saudi Arabia. Chỉ trong vòng hai năm, trung tâm Riyadh của Huawei Cloud đã tiếp nhận hơn 1.000 khách hàng, bao gồm các cơ quan chính phủ Saudi và các tổ chức tài chính lớn, theo Huawei.
Vào tháng 2, Tencent cũng công bố gia nhập lĩnh vực kinh doanh đám mây của Trung Đông. Công ty cho biết sẽ đầu tư hơn 150 triệu USD vào vương quốc này trong vài năm tới.
Tương tự như vậy, Alibaba Cloud đã mở rộng chiến lược bằng cách mở các trung tâm dữ liệu tại UAE vào năm 2022 và Saudi Arabia vào năm ngoái. Công ty đã thâm nhập vào thị trường Saudi Arabia bằng cách thành lập một liên doanh với Saudi Cloud Computing Company (STC). Saudi Cloud Computing Company sẽ hỗ trợ các mục tiêu Tầm nhìn 2030 của vương quốc, hy vọng sẽ đa dạng hóa nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ.
Chuyên gia Ranjan cho biết: "Họ cũng hình thành quan hệ đối tác chiến lược với các cơ quan chính phủ trong khu vực, đặc biệt là ở Ả Rập Xê Út, để đảm bảo tuân thủ luật dữ liệu địa phương", đồng thời lưu ý cách các nhà cung cấp Trung Quốc đã biến các yêu cầu pháp lý vốn trước đây gây ra những khó khăn thành lợi thế cạnh tranh.
Áp dụng sớm AI
Một điểm khác biệt chính là cách tiếp cận của các nhà cung cấp Trung Quốc đối với trí tuệ nhân tạo. Trong khi các công ty Mỹ chậm áp dụng các giải pháp AI trong khu vực, các nhà cung cấp Trung Quốc đã tích cực nhúng AI vào các dịch vụ của mình khi các quốc gia vùng Vịnh cũng đang theo đuổi vị thế dẫn đầu về AI.
Trong Hội nghị thượng đỉnh AI toàn cầu của Huawei năm ngoái, giám đốc công nghệ của Huawei Cloud, Bruno Zhang, đã chứng minh AI của công ty có thể cắt giảm 40% thời gian chẩn đoán tại bệnh viện Saudi bằng cách sử dụng các mô hình ngôn ngữ tiếng Ả Rập bản địa hóa — một lợi ích hữu hình mà các nền tảng AI từ các nhà cung cấp phương Tây không thể sánh kịp.
Theo Rest of World, cuộc chiến giành quyền thống trị đám mây trong khu vực minh họa cho một sự thật rộng hơn về các thị trường công nghệ mới nổi: Có công nghệ tốt nhất là chưa đủ.
Chiến thắng đòi hỏi phải phù hợp với các ưu tiên quốc gia — một thực tế mà các nhà cung cấp đám mây Trung Quốc đã nắm bắt, ngay cả khi các đối tác Mỹ của họ tập trung vào ưu thế công nghệ.