TS. KTS Võ Trọng Nghĩa: “Hướng dẫn thiền và đồng hành cùng người rối loạn lo âu, trầm cảm, tôi tận mắt chứng kiến sự thay đổi kỳ diệu của bệnh nhân nhờ chánh niệm”

23:10 09/05/2023

“Tôi từng đọc rất nhiều tài liệu nước ngoài nói về tác dụng của thực hành thiền, chánh niệm đối với trầm cảm và các chứng rối loạn lo âu. Thế nhưng, phải khi trải qua cùng họ, tôi mới thực sự cảm nhận được việc rèn luyện sự tập trung, chánh niệm giúp làm giảm những triệu chứng của trầm cảm, lo âu, sợ hãi. Thậm chí, có thể chữa khỏi được hoàn toàn nếu bệnh nhân kiên trì mỗi ngày” – TS. KTS Võ Trọng Nghĩa chia sẻ.

TS. KTS Võ Trọng Nghĩa: “Hướng dẫn thiền và đồng hành cùng người rối loạn lo âu, trầm cảm, tôi tận mắt chứng kiến sự thay đổi kỳ diệu của bệnh nhân nhờ chánh niệm”

Nhắc tới Võ Trọng Nghĩa là nhắc tới một KTS nổi tiếng có niềm đam mê đặc biệt với thiền. Dù chiến thắng khoảng 150 giải thưởng quốc tế về kiến trúc, song Võ Trọng Nghĩa luôn cho rằng, hành thiền mới là việc quan trọng mà anh theo đuổi cả cuộc đời. 

Năm 2012, Võ Trọng Nghĩa bắt đầu biết tới tu tập và thiền. Tới năm 2017, anh bắt đầu nghiêm túc và xác định giữ giới và hành thiền tới hết cuộc đời. “Việc giữ giới và hành thiền giúp tôi luôn an lạc, hạnh phúc hơn, tập trung tốt hơn, do đó, chất lượng công việc tốt hơn, tốc độ và hiệu quả hơn hẳn” – Võ Trọng Nghĩa chia sẻ.

Tính tới nay, vị tiến sĩ, kiến trúc sư này đã có hơn một thập kỷ gắn bó với hành thiền. Tại công ty Võ Trọng Nghĩa, tất cả nhân viên đều giữ 5 giới, hành thiền và người nào muốn hành thiền cả ngày thì vẫn được trả lương đầy đủ.

“Rất bất ngờ là tới giờ, nhiều người trong công ty đã chứng đắc thiền định và có nhiều người chứng đắc thiền định từ thiền viện Pa-Auk (Myanmar) về” – Võ Trọng Nghĩa tiết lộ.

Cũng theo chia sẻ của Võ Trọng Nghĩa, nhờ phước đó mà công ty vẫn hoàn thành các mục tiêu đề ra, đoạt nhiều giải thưởng kiến trúc tầm quốc tế… trong bối cảnh khó khăn chung vì dịch bệnh Covid-19. 

Bản thân Võ Trọng Nghĩa cũng có thời gian đi thiền ở Myanmar khoảng 3 năm, đã hành qua các đề mục thiền định tại thiền viện Pa Auk. TS.KTS Võ Trọng Nghĩa đã may mắn chứng đắc tứ thiền đề mục hơi thở trong những tháng đầu tiên ở thiền viện Pa Auk, sau đó anh tiếp tục hành toàn bộ các đề mục thiền định còn lại tại thiền viện Pa Auk. TS. KTS Võ Trọng Nghĩa cũng đã hành thiền các tầng thiền tuệ từ tầng 1-5 và phát triển đến tầng 11. Đồng hành cùng với Võ Trọng Nghĩa trong quá trình ở thiền viện Pa Auk còn có người bạn đời và con gái của anh. Vợ của KTS này cũng đã thực hiện hết tất cả các đề mục thiền định và hành 3 tầng thiền tuệ đầu tiên. 

h1.png

Thời gian gần đây, Võ trọng Nghĩa cùng vợ giúp đỡ những người bị lo âu, căng thẳng vượt qua bệnh tật nhờ vào thiền. Anh chia sẻ, chủ yếu những người giúp trong nhóm là những người đã chứng đắc các tầng thiền định rất thâm sâu rồi, nên việc giúp đỡ cũng tốt hơn. Do đó tuỳ vào từng người và mức độ bệnh, độ tuổi, niềm tin đến Đức Phật, anh có thể giúp người bị bệnh thực hành các đề mục phù hợp.   

Theo Võ Trọng Nghĩa, có 3 yếu tố giúp việc hành thiền đẩy lùi được những chứng bệnh kể trên. 

Cụ thể là: 

1. Niềm tin vào phương pháp đang thực hiện 

2. Luyện tập mỗi ngày khoảng 15-30-45-60 phút tuỳ thuộc vào khả năng của mỗi người

3. Quan trọng là người hướng dẫn có đủ tỉnh thức, tức là mức độ của định lực, định lực cao sẽ có mức độ chánh niệm cao, để “thức tỉnh” những người đang lo âu, lo sợ hoặc trầm cảm.

h2.jpg

“Do là các bạn kia đang bất an, lo lắng hoặc sợ hãi sẵn rồi, mà người hướng dẫn ko có năng lực thiền tốt thì không thuận lợi” - Võ Trọng Nghĩa giải thích thêm. 

Bản thân Võ Trọng Nghĩa cũng tìm đọc rất nhiều tài liệu nghiên cứu để hiểu sâu về tác dụng của việc hành thiền đối với các bệnh nhân mắc chứng rối loạn, lo âu, trầm cảm. Anh tiết lộ, bản thân bất ngờ khi có nhiều nghiên cứu khoa học khẳng định điều này.

Cụ thể, theo nghiên cứu của tiến sĩ Sara Lazar của Đại Học Harvard, việc tu tập thiền định và chánh niệm sẽ làm cho vùng hạch hạnh nhân (Amygdala) nhỏ lại, giảm hệ thống lo Âu của bộ não và do đó người tu tập thiền và chánh niệm sẽ bớt bất an và lo lắng.

Vùng hạch hạnh nhân (amygdala) nơi lưu giữ hầu hết các dấu ấn của sang chấn này liên hệ trực tiếp với vùng não ở giữa trán trước (Medical prefrontal Cortex), trung tâm của sự nhận thức, do đó: cách duy nhất chúng ta có thể tiếp cận phần não cảm xúc một cách có chủ ý là thông qua sự tự nhận thức, nghĩa là bằng cách kích hoạt vùng Medial Prefrontal Cortex (vùng não ở giữa trán) phần não này sẽ liên hệ trực tiếp với vùng hạch hạnh nhân (Amygdala).

h3.jpg

Tiến sĩ Sara Lazar của Đại học Harvard cũng chỉ ra rằng, người tu tập thiền và chánh niệm phát triển được vùng não giữa trán (Medial Prefrontal Cortex) rất tốt so với người không thực hành thiền. Và do đó thiền tác dụng trực tiếp cho phần não trước trán to ra giúp chúng ta thông minh hơn trong xử lý các cảm xúc vì nó liên hệ trực tiếp với phần hạch hạnh nhân (Amygdala). Trong khi đó phần não lưu giữ lo âu và sang chấn là hạch hạnh nhân lại nhỏ lại đối với người thực hành thiền. Do đó, hành thiền giúp chữa lành các triệu chứng của lo âu và trầm cảm rõ rệt. Dữ liệu trên được đánh giá đối với người hành thiền khoảng 30-40 phút/ngày trong vòng 3 tháng. 

Giáo sư Mark Williams tại đại học Oxford nước Anh cũng cho biết, thiền có thể chữa trị những ca trầm cảm nặng mà không đáp ứng các loại thuốc chữa trị. Vị giáo sư này cho biết thêm: những người có ý định tự tử vì trầm cảm cũng trở nên rất tốt sau khi tu tập thiền, tình hình họ được cải thiện rất tốt.

Trên thực tế, có nhiều tài liệu khoa học cho rằng, căng thẳng và lo lắng là nguyên nhân chính gây ra trầm cảm và thiền có thể thay đổi phản ứng của bạn với những cảm giác đó. Thiền định giúp não bộ đạt được sự tập trung bền vững và quay trở lại sự tập trung khi suy nghĩ tiêu cực, cảm xúc và cảm giác thể chất xâm nhập điều xảy ra rất nhiều khi bạn cảm thấy căng thẳng và lo lắng.

Là người hành thiền nhiều năm và đang trực tiếp hướng dẫn, đồng hành cùng những người mắc chứng trầm cảm, rối loạn lo âu vượt qua bệnh tật, Võ Trọng Nghĩa nhấn mạnh rằng, việc hành thiền để kiểm soát cảm xúc tiêu cực hoàn toàn có thể thực hiện được. Những bệnh nhân bị chứng lo lắng, sợ hãi người ta cũng có thể tập được một cách dễ dàng, không có gì phải lo lắng. Quan trọng nhất là bệnh nhân tìm được người hướng dẫn có đủ kinh nghiệm và kiến thức, từ đó, được hướng dẫn và giúp đỡ để giảm các triệu chứng, thậm chí điều trị dứt điểm và khỏi bệnh.


(0) Bình luận
TS. KTS Võ Trọng Nghĩa: “Hướng dẫn thiền và đồng hành cùng người rối loạn lo âu, trầm cảm, tôi tận mắt chứng kiến sự thay đổi kỳ diệu của bệnh nhân nhờ chánh niệm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO