Trước Lê Diệp Kiều Trang, những startup nào từng rất nổi tiếng với CEO có hồ sơ danh tiếng, được rót vốn triệu đô nhưng kết cục thất bại?

Trọng Nghĩa | 10:02 10/07/2023

"Học giỏi không có nghĩa là làm việc giỏi" - Câu nói này của bà Lê Diệp Kiều Trang không chỉ đúng với những người làm công ăn lương, mà đối với các Startup, việc một CEO hay Founder có bằng cấp, học vị cao hay một profile (hồ sơ) đẹp cũng không đảm bảo dự án sẽ thành công.

Trước Lê Diệp Kiều Trang, những startup nào từng rất nổi tiếng với CEO có hồ sơ danh tiếng, được rót vốn triệu đô nhưng kết cục thất bại?

WeFit -  "Uber của giới Fitness"

Tháng 5/2020, Công ty cổ phần công nghệ Onaclover - WeWow đã gửi tới khách hàng thông báo buộc phải dừng hoạt động từ ngày 11/5/2020 do vốn hoạt động của công ty đã cạn kiệt hoàn toàn.

Theo đại diện WeWow, công ty rất tiếc khi phải thông báo rằng sau những khủng hoảng gặp phải từ đầu năm 2020, mặc dù đã rất nỗ lực để cải tổ nhưng sau đó do ảnh hưởng dịch Covid-19, WeWow lại gặp phải những khó khăn về tình hình kinh doanh và tài chính không lường trước được.

WeFit của WeWow - một ứng dụng cho phép người dùng có thể tham gia vào hệ thống hàng trăm phòng tập ở Hà Nội và TP.HCM từng là cái tên nổi tiếng trong làng khởi nghiệp, được xem là "Uber của giới Fitness".

Wefit khởi đầu năm 2016, với một nhóm 12 người. Vào thời điểm ra mắt, cái tên WeFit cùng với Founder Khôi Nguyễn nổi lên như một hiện tượng. 

Khôi Nguyễn từng lọt vào top 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam năm 2017; top 3 CEO tiềm năng năm 2016 tại chương trình Startup Festival do VTV tổ chức; top 16 gương mặt trẻ Thủ đô khởi nghiệp xuất sắc năm 2017 và từng vào danh sách "30 under 30 Việt Nam" do Forbes bình chọn.

CEO WeFit Nguyễn Khôi

Năm 2017, WeFit công bố nhận được khoản đầu tư 155.000 USD trong vòng gọi vốn được dẫn dắt bởi quỹ đầu tư mạo hiểm ESP Capital. Ở thời điểm đó, startup này là khoản đầu tư thứ 6 của ESP Capital – quỹ đầu tư đặt trụ sở tại Singapore, chuyên rót vốn vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ ở giai đoạn đầu. Trước đó, WeFit cũng nhận được những khoản đầu tư khác đến từ Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) và nhà đầu tư thiên thần Nhân Nguyễn.

2019 là năm đỉnh cao của WeFit khi mới đầu năm, start up này công bố gọi vốn thành công 1 triệu USD từ CyberAgent Capital. Tháng 7/2019, vốn đăng ký của Onaclover (công ty sở hữu Wefit) tăng từ 1,66 tỷ đồng tăng lên 27,7 tỷ đồng. Trong đó, hơn 26 tỷ đồng là vốn đầu tư nước ngoài từ WeLife Holding PTE.LTD của Singapore, chiếm 94% cổ phần.

Khi đó, startup này đặt kỳ vọng một triệu người dùng ứng dụng trong năm 2019 và tiếp tục gọi vốn series A.

Tuy nhiên, mô hình của WeFit lúc đó đã bộc lộ nhiều lỗ hổng, theo nhận định là cung cấp "một bữa buffet không giới hạn" cho tất cả người dùng và trả tiền "theo lượt" cho các đối tác phòng tập. Nói một cách dễ hiểu, người dùng càng đi tập nhiệt tình, các đơn vị trung gian càng lời ít, thậm chí bù lỗ để sinh tồn.

Bước sang năm Covid đầu tiên, tình trạng khó khăn về dòng tiền trở nên nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng chính thức nổ ra trên mặt trận truyền thông. Các đối tác phòng tập như Salsa Spring, Beso Latino, F&P Dance Studio, GymPlus, Divine Yoga &Dance Studio... lần lượt tuyên bố công khai ngừng hợp tác với WeFit. Lý do phần lớn là không thanh toán công nợ như cam kết, có nơi công nợ lên đến 100 triệu đồng.

The KAfe và "cô gái triệu đô" Đào Chi Anh

Đào Chi Anh (sinh năm 1984) là một gương mặt khởi nghiệp nổi tiếng trong làng F&B. Cô sinh ra ở Nga, sống một thời gian dài ở Đức, Đài Loan, sau đó làm việc ở Singapore gần 8 năm…  

Từ bỏ công việc thu nhập hàng nghìn USD, Chi Anh mở một studio bếp nhỏ trên đường Xuân Diệu với niềm đam mê bếp núc, không lâu sau mô hình đã được mở rộng và cái tên The Kafe trở nên nổi tiếng với phong cách Á Âu phục vụ cho giới trẻ.

Không gian hiện đại, đồ ăn được chế biến đẹp mắt đã khiến The KAfe nổi lên như một hiện tượng check in của giới trẻ lúc bấy giờ. 

The Kafe

Tháng 10/2015, Đào Chi Anh đã huy động thành công 5,5 triệu USD trong vòng gọi vốn đầu tiên từ các quỹ đầu tư tại London và Hongkong, trong đó có nhà đầu tư nổi tiếng Cassia Investments. 

Thương hiệu này đã mở rộng phạm vi kinh doanh với 26 chi nhánh tại Hà Nội vào TP.HCM nhưng sau đó bắt đầu từ tháng 6/2016, The KAfe bị tố "chiếm dụng vốn, chây ì, không thanh toán nợ trị giá lên đến 4 tỉ đồng”. Tuy nhiên, cựu CEO của KAfe Group phủ nhận và nói rằng “hai bên không thống nhất về số công nợ nên chưa giải quyết được”.

Từ giữa tháng 3/2017, thông tin về việc đổi chủ của Công ty TNHH Ẩm thực KAfe - KAfe Group chính thức được công bố. Theo đó, chủ sở hữu mới của KAfe Group là tổ chức KAFE Hong Kong Limited. Cùng với việc thay đổi chủ sở hữu, nhiều cửa hàng của KAfe Group đều đóng cửa hoặc "biến mất", thay vào đó là đơn vị khác thuê và kinh doanh loại hình khác.

Prozy - startup từng được SoftBank đầu tư đã phải giải thể công ty dịch vụ vào giữa năm 2022

Propzy, startup trong lĩnh vực proptech (ứng dụng công nghệ vào bất động sản) được thành lập vào năm 2015 do ông John Le sáng lập. Công ty có trụ sở chính tại Singapore.

Công ty từng được coi như ngôi sao sáng trong lĩnh vực công nghệ bất động sản khi nhận được khoản đầu tư lớn từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Tính đến năm 2020, công ty đã huy động được 37 triệu USD trong 3 vòng gọi vốn, với sự góp mặt của các quỹ đầu tư đình đám. Trong đó, có 25 triệu USD đến từ Gaw Capital và SoftBank Ventures.

Tuy nhiên Propzy sau đó liên tục có những động thái thu hẹp hoạt động. Họ bắt đầu sa thải 50% nhân sự từ tháng 9/2021, trong bối cảnh tái cấu trúc mô hình kinh doanh. 

Ngày 25/5/2022, Công ty TNHH Dịch vụ Propzy đã gửi thông báo về việc giải thể đến Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM. Nguyên nhân của việc giải thể là doanh nghiệp thay đổi kế hoạch kinh doanh.

Propzy, startup trong lĩnh vực proptech (ứng dụng công nghệ vào bất động sản) được SoftBank đầu tư giải thể công ty dịch vụ (Ảnh: Deal Street Asia).

CEO kiêm Founder của Prozy, ông John Le có một hồ sơ rất ấn tượng. Khi còn ở Mỹ, những năm đầu sự nghiệp, ông John Lê kinh qua nhiều vị trí trong ngành tài chính - thị trường vốn của ContiFinancial và JP Morgan Chase. Từ năm 1998 – 2008, anh sáng lập các công ty khởi nghiệp Dotcom (LoanTrader), phần mềm doanh nghiệp (Portellus) và Quỹ đầu tư Mozaik hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ hiện đại để quản lý tài chính.

Anh John Lê nhận giải thưởng Công nghệ bất động sản tiêu biểu Việt Nam 2020.

Cuối thập niên 90, John Lê đã quyết định thành lập LoanTrader, thị trường thế chấp trên internet. LoanTrader huy động hơn 38 triệu USD, nguồn vốn tư nhân lớn nhất ở Nam California cho một công ty công nghệ tài chính cho đến thời điểm đó, với những công ty cổ phiếu hàng đầu như Goldman Sachs, IAC, GE Capital, CitiGroup, Capital Z (Zurich), FBR Capital and OMERS. Cuối cùng, công ty được mua lại bởi Fidelity (NYSE: FIS).

Một năm sau, John Lê tiếp tục startup lần nữa, sáng lập Portellus hoạt động trong lĩnh vực fintech. John Lê đã phát triển Portellus từ 5 thành viên thành một công ty với hơn 300 nhân viên, mở rộng khắp 3 châu lục với các khách hàng như Morgan Stanley, JP Morgan Chase, Lehman Bros, Bear Stearns, Fiserv, Deutsche Bank, và Discover Financial. Portellus được thu mua bởi Fiserv năm 2007.

Sau đó, John và Mozaik cùng đầu tư thành lập TransUnion Vietnam trong năm 2009. TransUnion Vietnam là công ty thông tin tín dụng quốc tế tư nhân đầu tiên trên thị trường Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Trước Lê Diệp Kiều Trang, những startup nào từng rất nổi tiếng với CEO có hồ sơ danh tiếng, được rót vốn triệu đô nhưng kết cục thất bại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO