Nguyễn Hồng Hạnh – Giám đốc Hạnh phúc của TokyoLife – vẫn nhớ tin nhắn ấy được gửi tới sau một buổi trò chuyện tưởng như bình thường.“Em chưa từng nghĩ con người mình có giá trị đến thế”, bạn ấy viết.
Chị tin rằng công việc của mình – dù không đo được bằng chỉ số – vẫn đủ sức duy trì hạnh phúc trong doanh nghiệp. Dự án Thiên Thần cũng vậy: không cố níu kéo ai, không trao quá sức – chỉ dạy nghề, mở một cánh cửa, rồi để mỗi người tự chọn lối đi.
“ĐÃ CÓ LÚC, CHÚNG TÔI CHƯA HIỂU NGƯỜI KHUYẾT TẬT”
Là người giữ vai trò xây dựng hạnh phúc trong doanh nghiệp, chị có phải là người đề xuất sáng kiến về dự án Thiên Thần – dạy nghề cho người khuyết tật?
Không, đó là ý tưởng của lãnh đạo công ty. Tôi chỉ là người rất đồng thuận (cười).
Năm ấy, công ty tổ chức họp mùa vụ (cuộc họp rất quan trọng, một năm có hai lần) ở một ngôi chùa. Khi thấy các em nhỏ được nuôi dạy ở đó, sếp tôi đùa: “Mai mốt các bạn nhỏ có thành sư hết không ạ?”
Sư thầy chỉ cười nhẹ: “Không. Cái đó là tùy duyên. Chùa chỉ nuôi các bạn thành người”.
Khi về, anh ấy bảo tôi: “Sao mình không nghĩ làm thế nào giúp người ta có một giá trị để họ sống một cuộc đời lâu dài nhỉ? Hiện nay, có rất nhiều người khuyết tật, làm thế nào giúp họ một cái nghề để sinh sống?”.
Và thế là dự án bắt đầu – rất tự nhiên.
Bắt đầu một cách khá cảm hứng như thế, dự án đã đi những bước đầu tiên như thế nào?
Đúng là ban đầu, chúng tôi chưa thấu triệt người khuyết tật. Chúng tôi tuyển các bạn khuyết tật vận động, khiếm thính, và cả khuyết tật trí tuệ…
Kết quả là để dìu một người khuyết tật vận động lên ba tầng lầu đã khó, mà đến nơi thì không có máy móc phù hợp cho họ làm việc. Có bạn từng co giật giữa xưởng vì động kinh, khiến mọi người hoảng hốt. Tôi phải gọi người nhà và nói rõ: đừng giấu chúng tôi bất cứ điều gì về sức khỏe con em mình.
Về sau, chúng tôi điều chỉnh: ưu tiên các bạn khuyết tật không có bệnh quá nặng, nhưng vẫn tạo cơ hội cho người trí tuệ chậm nếu có khát khao học nghề. Hai tuần trước, có bạn khuyết tật trí tuệ tới đây, chỉ ít ngày học đã biết may.
Quan trọng là: bất cứ ai có mong muốn đều được thử. Nếu không phù hợp, các bạn sẽ rời đi. Chúng tôi không thất vọng vì sức mình có hạn - nhưng thiện chí thì luôn còn.
Có kỷ niệm nào khiến chị nhận ra mình vẫn chưa hiểu hết về thế giới của họ?
Nhiều lắm. Nhưng tôi nhớ một chuyện nhỏ…
Chúng tôi có khu nhà chung cho các bạn khuyết tật sống. Một hôm, một bạn khiếm thính đột ngột biến mất sau bữa tối. Không ai liên lạc được. Chúng tôi chia nhau đi tìm, căng thẳng đến tận nửa đêm.
Mẹ bạn ấy - người gửi con tới ở tạm ít ngày lại bình thản lạ lùng. Sau khi báo tin lần đầu, chúng tôi không thể gọi lại cho chị ấy.
Mọi người hoang mang: “Hay ai lỡ làm bạn ấy buồn?”, nhưng không hề có chuyện đó. Sáng hôm sau, lúc liên lạc được, mẹ bạn ấy nói: “Nó giận tôi, bỏ đi chơi đấy. Trước đây cũng từng vậy, rồi tự về”. Nếu là nhân viên không khuyết tật, có lẽ chúng tôi đã ngừng hợp tác. Nhưng bạn ấy vẫn được ở lại - như một cách để chúng tôi tiếp tục học làm bạn với sự khác biệt.
Tôi nghiệm ra: người khuyết tật cũng có giận hờn, cá tính, và quyền được nổi loạn như bất kỳ ai. Họ không cần sự thương hại, mà cần được nhìn nhận như một con người đầy đủ.

“CHÚNG TÔI KHÔNG BAO GIỜ CỐ GIỮ NGƯỜI KHUYẾT TẬT BẰNG MỌI GIÁ”
Các chị thường nói về “trao cần câu” thay vì “cho con cá”. Nhưng với người khuyết tật – có ai dù đã thích nghi rồi vẫn thấy chiếc cần đó quá nặng?
Công việc tại xưởng may, hay cửa hàng đều được thiết kế phù hợp với từng nhóm khuyết tật. Thậm chí, buổi tối các bạn còn mang việc về nhà chung – như luồn chun khẩu trang – để vừa làm việc kiếm tiền, vừa xem tivi, nói chuyện, rất vui vẻ[.
Nhưng không phải ai cũng ở lại được lâu. Có bạn vì lý do sức khỏe, gia đình, hoặc đơn giản là không hợp nghề, nên rời đi.
Một số phụ huynh ban đầu còn không tin con mình có thể làm ra sản phẩm. Họ sợ con mệt, áp lực. Chúng tôi luôn chủ động giữ liên lạc – giúp phụ huynh yên tâm, và để họ cũng trở thành một phần của hành trình đồng hành.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng: Dự án không cần ghi danh, hoặc cố giữ ai lại bằng mọi giá. Mục tiêu là cùng nhau làm việc, trong giới hạn sức lực và thiện chí của mỗi người. Nó rất thực tế nhưng cũng đủ tử tế.
Vậy khi một "thiên thần" rời đi, chị có tiếc?
Không. Tôi nhớ có hai bạn trẻ, đến đây tay trắng – chưa biết nghề. Họ gặp gỡ, yêu thương và kết thành vợ chồng. Mới đây, cả hai dắt nhau về quê. Người vợ mở một tiệm sửa đồ, chồng đi làm trong khu công nghiệp gần nhà.
Thành công của dự án không vì số người ở lại – mà ở chỗ họ có thể tự sống bằng nghề của mình. Và điều đó khiến chúng tôi hạnh phúc.
Mỗi khi có người rời đi, chúng tôi chỉ tự hỏi: đã làm tốt chưa, cần điều chỉnh gì không? Không ai kỳ vọng một dự án như thế này có thể hoàn hảo ngay từ đầu. Nhưng đến giờ, nó đã trở thành một phần tự nhiên, như “máu thịt” trong văn hóa công ty.
Nghe chị kể, tôi hình dung công ty giống một hồ câu vui vẻ.
(Cười)… Đúng vậy. Ai muốn về nhà, chúng tôi sẽ tiễn các bạn bằng sự tôn trọng, hỗ trợ hết mình. Còn khi ở lại, các bạn có thể phát triển, học nghề, làm việc, sống vui vẻ.
Chúng tôi còn lập hẳn một Team chăm sóc Thiên thần, gọi là CSA. Các bạn có thể liên hệ bất cứ lúc nào – để chia sẻ niềm vui hay nỗi buồn. Một số quản lý – không ai yêu cầu – tự đi học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với nhân viên khiếm thính. Không phải ai cũng làm được chuyện thách thức như vậy, nhưng tất cả đều đang cố gắng – giao tiếp, lắng nghe, kết nối.
Cả công ty đều góp sức cho dự án này. Không phân biệt đóng góp lớn hay nhỏ. Chúng tôi luôn đề cao sự nỗ lực và tình yêu thương.
“CHÚNG TÔI ĐÃ GIÚP DOANH NGHIỆP KHÁC XÂY DỰNG DỰ ÁN GIỐNG THIÊN THẦN, NHƯNG…
Khi tham gia Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize 2023, TokyoLife từng đặt kỳ vọng nhân rộng mô hình Thiên Thần – vì Việt Nam có đến 8 triệu người khuyết tật, và rất nhiều trong số họ vẫn còn khả năng lao động?
Chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ mọi kinh nghiệm – từ quy trình, khó khăn đến cách vận hành – thậm chí đào tạo trực tiếp. Nhưng chỉ khi một doanh nghiệp thật sự mong muốn, chúng tôi mới hỗ trợ.
Trước khi tham gia HAP, chúng tôi đã từng giúp một doanh nghiệp. Chúng tôi cùng họ bắt đầu từ những bước đầu tiên: Tuyên truyền nội bộ, để nhân viên công ty ấy hiểu là sắp tới, họ sẽ làm việc với những người yếu thế hơn mình, để họ thấu cảm và yêu thương. Chúng tôi làm các quy trình và giúp họ tuyển dụng gần 20 người khuyết tật – tương đương với quy mô khởi điểm của dự án Thiên Thần. Công việc ở đó còn đơn giản hơn bên tôi, chỉ cần đứng trông máy công nghiệp.
Nhưng sau 1 năm, dự án chỉ còn 2 người khuyết tật ở lại. Một người, một nhóm không bao giờ đủ. Với những dự án như Thiên Thần, rất cần tư tưởng xuyên suốt của lãnh đạo và sự đồng lòng của cả một tổ chức.
TokyoLife đã làm gì để "gieo và giữ" ngọn lửa yêu thương đó?
Một trong sáu giá trị cốt lõi của công ty là "yêu thương và hỗ trợ đồng đội", nên dự án Thiên Thần dễ dàng đi vào vận hành.
Khi tuyển dụng người khuyết tật, chúng tôi không chỉ chuẩn bị máy móc, hạ tầng, mà còn truyền thông nội bộ kỹ càng. Tôi thường hỏi các quản lý: “Các bạn có đủ yêu thương, kiên nhẫn với những người kém may mắn không? Nếu dạy người bình thường 1 tuần, thì với người khuyết tật – 1 tháng có được không? Nếu nói 3 lần không hiểu, thì 10 lần có đủ nhẫn nại không?” Chỉ khi tự trả lời được những câu hỏi đó, các bạn mới thật sự thấu cảm – chứ không chỉ làm vì nhiệm vụ. Và khi đã thương rồi, sự hỗ trợ trở nên rất tự nhiên.
2 năm sau khi giành giải Dự án triển vọng tại Human Act Prize, điều gì thay đổi ở dự án Thiên Thần?
Chúng tôi không tăng thêm số lượng “thiên thần”. Dự án không chạy theo con số. Có những giai đoạn đông hơn, rồi lại có người rời đi vì nhiều lý do. Hai năm qua, thay vì mở rộng, chúng tôi đào sâu hơn: Đào tạo hàng tháng theo chuyên đề, hỗ trợ từng cá nhân, và mở cửa để đón nhận thêm người học việc miễn phí.
“CÓ NGƯỜI NÓI, TRƯỚC KHI GẶP TÔI, HỌ TỪNG MUỐN CHẾT”
Câu nói nào khiến chị nhớ nhất trong hành trình này?
Một bạn từng nhắn cho tôi: “Trước khi gặp chị, em đã từng muốn chết”.
Tôi không biết phải nói gì. Bạn ấy viết rằng bạn chưa từng nghĩ bản thân mình có giá trị đến thế.
Vai trò “Giám đốc Hạnh phúc” của chị có thực sự tạo ảnh hưởng như thế?
Tôi là người duy nhất không có KPI ở công ty. Công việc của tôi là trò chuyện, lắng nghe, gắn kết – giữa người với người.
Mỗi nhân viên là một câu chuyện. Có bạn từng định bỏ con vì mang thai ngoài ý muốn. Sau một buổi nói chuyện, bạn giữ lại đứa trẻ. 2,5 năm sau, hai mẹ con quay lại cảm ơn tôi vì: “Nhờ một ngày đẹp trời hôm đó gặp chị, mà em có bạn nhỏ hôm nay”. Tết năm nào, bạn ấy cũng in ra một số ảnh của con trai làm quà tặng, như để nhắn nhủ mẹ con em ấy vẫn khỏe mạnh và tràn đầy sức sống như ảnh vậy.
Một cặp vợ chồng khác, hôm trước vừa nộp đơn ly hôn. Sau cuộc trò chuyện với tôi, họ rút đơn, và giờ họ vẫn sống với nhau rất hạnh phúc.
Đó là những câu chuyện khác trong công ty, không phải nhóm nhân viên khuyết tật vì công việc của tôi là chăm lo cho hạnh phúc của doanh nghiệp nói chung.
Tôi không khuyên can, tôi chỉ nhắc họ về những sự thật đơn giản: rằng hôn nhân cần tôn trọng lẫn nhau, rằng không thể thay đổi người khác – chỉ có thể thay đổi chính mình. Những điều tưởng là lý thuyết, nhưng không thực hành thì không thể có kết quả đúng. Tôi chỉ là người nhắc lại những nguyên lý sống căn bản – vào đúng lúc người ta quên mất chúng.
Nhưng với một team mỏng, chị làm sao biết ai đang gặp khó khăn để hỗ trợ kịp thời?
Team Hạnh Phúc có hotline hiện diện ở Bản tin Nhân sự hàng tuần nên cửa hàng hay văn phòng đều thấy. Ai muốn chia sẻ đều có thể tìm đến. Ngoài ra, tôi còn nhận thông tin từ quản lý, đồng nghiệp hoặc chính cá nhân người cần giúp.
Ở TokyoLife, chúng tôi có các Trưởng bộ phận, hộ đều nắm rất rõ đời sống nhân viên – từ bố mẹ, con cái, vợ chồng hay hoàn cảnh,…điều tôi rất trân trọng. Và tôi tin rằng nhờ có sự kết nối này mà mình sẽ không bỏ sót người cần giúp.
Nếu một ngày rời TokyoLife, điều gì chị mong được giữ lại?
Khi nào tôi nghỉ hưu, tôi chỉ mong một điều: Dự án Thiên Thần vẫn còn đó. Và mỗi người, dù là khuyết tật hay không, đều thấy mình như một phần sức mạnh của công ty. Họ sống đẹp, cả trong công việc lẫn cuộc sống.
Đối với các Thiên Thần, nếu có ai đó “bay đi” từ “hồ câu vui vẻ” để tự đứng trên đôi chân mình – thì với tôi, đó chính là niềm vui lớn nhất mà một “Giám đốc Hạnh phúc” có thể tạo ra.
Dự án Thiên thần của TokyoLife là một ví dụ điển hình về doanh nghiệp tạo tác động xã hội được phân tích trong ấn phẩm Human Legacies - Dấu ấn tiên phong do Công ty cổ phần VCCorp phối hợp với Alpha Books và Metro Writers thực hiện, Nhà xuất bản Thế giới ấn hành.

Human Legacies - Dấu ấn tiên phong là cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho những người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam. Đây là cuốn sách mà những ai đang khát khao bắt đầu một hành trình mới trong lĩnh vực Tác động Xã hội có thể tìm đến như một kim chỉ nam và nguồn cảm hứng bất tận. Không chỉ dừng lại ở việc tập hợp kiến thức, cuốn sách này còn cung cấp những câu chuyện, dự án thực tiễn, giúp người đọc có thể học hỏi và thích nghi để kiến tạo những giá trị bền vững cho cộng đồng.