Theo Reuters, sau khi Bắc Kinh yêu cầu các thành phố mua căn hộ mới hoàn thiện và biến chúng thành nhà ở giá rẻ, bước đầu tiên họ thực hiện là công bố kế hoạch trợ cấp mua nhà và khắc phục các vấn đề kinh tế khác trong quá trình này.
Giới chức Trung Quốc ban hành chỉ thị trên vào tháng 5, nhằm giảm áp lực cho lĩnh vực bất động sản. Ngành bất động sản suy thoái và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm đã khiến tăng trưởng GDP quý II của Trung Quốc thấp hơn dự báo.
Một số nhà phân tích nhận định, động thái mới của Bắc Kinh đối với nhà ở xã hội là bước đi hướng đến người tiêu dùng, được kỳ vọng sẽ chuyển nguồn lực từ chính quyền địa phương đến các họ gia đình - điều mà nhiều người đã mong đợi. Tuy nhiên, phân tích của Reuters về thông báo ở 20 thành phố của Trung Quốc lại cho thấy các quan chức địa phương còn có mục tiêu khác khi thực hiện bước đi trên.
Hầu hết các câu hỏi trong quá trình xác định người đủ điều kiện nhận trợ cấp đều gửi đến các bác sĩ, giáo viên và cả các nhóm khác không trong nhóm có thu nhập thấp. Các nhà kinh tế nhận định, điều này cho thấy các thành phố đang tận dụng chính sách nhà ở mới để giải quyết cả vấn đề chảy máu chất xám và nhân tài tìm đến các thành phố lớn như Thượng Hải hay Thâm Quyến.
Việc giải quyết tình trạng thiếu lao động trong các nhà máy và thúc đẩy hoạt động chăm sóc y tế, giáo dục có thể giúp giảm áp lực về kinh tế và xã hội ở các thành phố nhỏ hơn. Theo chuyên gia kinh tế Nie Wen của Hwabao Trust, các thành phố nhỏ hơn có nhiều động lực hơn để phát triển nhà ở xã hội. Nhờ giá thuê thấp, họ có thể thu hút nhiều lao động nhập cư hơn và giảm dòng người di cư. Nhà ở xã hội cũng có thể được bán cho cán bộ cảnh sát, bác sĩ, giáo viên và giúp họ giữ chân nhân tài.
Theo Reuters, các thành phố Yên Đài và Long Khẩu cho biết người lao động nhập cư có đủ điều kiện để mua và thuê nhà giá rẻ. Hàng Châu và Kim Hoa cũng đang cần tuyển dụng nhà khoa học. Đường Sơn hỗ trợ nhà ở cho công dân mới và người dưới 35 tuổi.
Hiện tại, Bắc Kinh dự kiến sẽ giải ngân khoản hỗ trợ 500 tỷ Nhân dân tệ (69 tỷ USD) cho chương trình này trên toàn quốc và nhiều nhà phân tích dự đoán con số trên sẽ còn tăng lên trong tương lai.
Theo đó, một số thành phố đã sớm triển khai khoản hỗ trợ. Yên Đài và Long Khẩu giảm giá thuê nhà hàng tháng ở mức 400 Nhân dân tệ cho sinh viên tốt nghiệp đại học và 300 tệ cho nhóm khác. Mỗi thành viên trong gia đình được nhận thêm 50 Nhân dân tệ. Theo Yantai Daily, số tiền trợ cấp này tương đương ít nhất 20% giá thuê ở cả 2 thành phố.
Trong khi đó, Hàng Châu - nơi Alibaba đặt trụ sở, cho biết giá thuê căn hộ rộng 50 m2 sẽ chỉ tốn khoảng 500 Nhân dân tệ/tháng. Còn ở thành phố Lạc Sơn và Vĩnh Châu, căn hộ 110 m2 có thể được mua với giá chỉ bằng 2/3 giá thị trường.
Nhờ đó, giáo viên Emma Xu ở Lạc Sơn, với thu nhập 4.300 Nhân dân tệ/tháng, cuối cùng cũng có cơ hội mua nhà, với mức chiết khấu 100.000 Nhân dân tệ. Mỗi tháng cô chỉ phải trả khoản thế chấp 1.000 Nhân dân tệ, tương đương số tiền cô thuê nhà hiện tại. Trước đây, Emma chỉ muốn tiết kiệm phòng tình huống khó khăn, hỗ trợ bố mẹ và trả nợ chứ không đủ sức để mua nhà.
Các nhà phân tích cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy hoạt động tiêu dùng của hộ gia đình về lâu dài, chương trình này cần mở rộng quy mô và có một số cải cách.
Nhà kinh tế học Harry Murphy Cruise của Moody’s Analytics ước tính nhà ở xã hội chiếm khoảng 5% nguồn cung nhà ở tại Trung Quốc. Theo ông, con số này tăng lên 20-30% sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người dân Trung Quốc, song lại cần nguồn tài chính 3-4 nghìn tỷ Nhân dân tệ.
Louise Loo, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Oxford Economics, cho biết: “Các hộ gia đình có thể tiết kiệm ít hơn nếu họ cho rằng không cần tốn quá nhiều tiền để mua nhà. Theo đó, hoạt động tiết kiệm ở Trung Quốc cũng phụ thuộc vào các yếu tố mang tính cấu trúc khác như tăng trưởng tiền lương bền vững và chi trả lương hưu đầy đủ.”
Tham khảo Reutes