Trung Quốc thua đau Mỹ trong một lĩnh vực: 80% thị trường trong nước bị chiếm lĩnh bởi hàng Mỹ, đồ ‘cây nhà lá vườn’ chỉ góp 2% thị phần toàn cầu

Vũ Anh | 14:45 24/10/2024

Để so sánh, vốn hóa 1 công ty lão làng của Mỹ là 80 tỷ USD, trong khi của Trung Quốc là 7 tỷ USD.

Trung Quốc thua đau Mỹ trong một lĩnh vực: 80% thị trường trong nước bị chiếm lĩnh bởi hàng Mỹ, đồ ‘cây nhà lá vườn’ chỉ góp 2% thị phần toàn cầu

Các công ty Trung Quốc đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong một phân khúc quan trọng của thị trường bán dẫn toàn cầu.

Phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) cho phép các nhà thiết kế, sản xuất phát triển và thử nghiệm thế hệ chip mới. Ngành này chỉ chiếm 1,6% trên toàn lĩnh vực bán dẫn trị giá 600 tỷ USD, song lại đóng vai trò nút thắt quan trọng trong chuỗi cung ứng. “Đó là chìa khóa của vương quốc”, G Dan Hutcheson, phó chủ tịch công ty tư vấn TechInsights cho biết. “Một họa sĩ không thể hoàn thiện bức tranh ngay cả khi đã có ý tưởng nếu thiếu sơn và cọ”. 

Ngành EDA do 3 công ty có trụ sở tại Mỹ là Synopsys, Cadence và Siemens EDA cùng nhau thống trị. Họ sản xuất hầu hết các phần mềm thiết kế, sau đó thử nghiệm các con chip tinh vi nhất. Theo công ty tư vấn ICWise Research có trụ sở tại Thượng Hải, bộ ba này chiếm gần 80% thị trường EDA của Trung Quốc, bất chấp những nỗ lực của đại lục.

Được thúc đẩy bởi các khoản trợ cấp của chính phủ, các công ty Trung Quốc đang dần chứng kiến nhiều bước đột phá. Ba công ty EDA hàng đầu của đất nước — Empyrean Technology, Primarius và Semitronix — đã tăng gấp đôi thị phần tại địa phương từ 7% lên 14% trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023, theo Insight and Info.

Myron Xie của công ty tư vấn SemiAnalysis cho biết: “Với các công cụ EDA phải tuân theo quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, các công ty EDA Trung Quốc càng muốn phát triển các công cụ đủ tốt để không bị phụ thuộc”. 

Trong kế hoạch 5 năm mới nhất của Trung Quốc, phần mềm thiết kế chip được xác nhận là ưu tiên hàng đầu để nước này tạo ra đột phá công nghệ trong ngành bán dẫn. Quỹ đầu tư ngành công nghiệp mạch tích hợp Trung Quốc do nhà nước hậu thuẫn và gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei cũng đã thực hiện một loạt khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp EDA.

Năm ngoái, Trung Quốc mở Trung tâm Đổi mới EDA Quốc gia tại Nam Kinh với sứ mệnh “thực hiện công việc quan trọng, phá vỡ sự kìm kẹp của Mỹ trong lĩnh vực phần mềm EDA”. Empyrean Technology có trụ sở tại Bắc Kinh, công ty EDA hàng đầu của Trung Quốc, đã đạt được một số thành công nhất định. Theo báo cáo tài chính, doanh thu công ty này đã tăng gần 10% trong nửa đầu năm 2024 lên 443,8 triệu nhân dân tệ (63 triệu USD). Hơn 90% doanh số đến từ thị trường Trung Quốc. 

Được hỗ trợ bởi 77 triệu nhân dân tệ tiền trợ cấp của chính phủ, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của Empyrean chiếm 79% doanh thu của công ty. Để so sánh, Synopsys và Cadence thường lập ngân sách cho chi phí R&D ở mức 30-40% doanh thu. 

Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ, thách thức vẫn còn rất lớn. Empyrean và các công ty EDA hàng đầu khác của Trung Quốc là Primarius và Semitronix chiếm chưa đến 2% thị phần toàn cầu vào năm ngoái, theo Insight and Info. Empyrean có vốn hóa thị trường khoảng 7 tỷ USD, so với vốn hóa thị trường của Synopsis là khoảng 80 tỷ USA. 

Lu Xiaomeng, giám đốc công ty tư vấn Eurasia Group, cho biết Bắc Kinh đang cố gắng bù đắp thời gian đã mất vì không sớm nhận ra điểm yếu của mình. Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump trước đó đã cấm Huawei sử dụng các công cụ EDA của Mỹ vào năm 2019. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu toàn diện cũng được chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra vào tháng 8 năm 2022 để ngăn Trung Quốc tiếp cận phần mềm thiết kế chip tinh vi nhất.

Lu cho biết: “Việc Trung Quốc thúc đẩy EDA chính là sự công nhận rộng rãi về nhu cầu phát triển 'phần mềm doanh nghiệp' hạng nhất, trái ngược với phần mềm tiêu dùng kém tinh vi vốn hỗ trợ các nền tảng do Alibaba và Tencent vận hành”.

The Financial Times, Bắc Kinh đang tỏ ra rất quyết tâm cản trở nỗ lực của các công ty hàng đầu nước Mỹ. Vào tháng 5, cơ quan cạnh tranh của Trung Quốc đã nêu lên mối lo ngại về việc Synopsis mua lại công ty phần mềm mô phỏng kỹ thuật Ansys có trụ sở tại Pennsylvania với giá 35 tỷ USD. 

“Đây là một thỏa thuận nhỏ và không có ý nghĩa độc quyền, tuy nhiên các cơ quan quản lý Trung Quốc đang đặc biệt chú ý đến nó”, Lu cho biết.

Trong khi Trung Quốc có hàng chục công ty EDA, nhiều công ty trong số đó đã đạt được tiến bộ trong việc phát triển phần mềm thiết kế chip cho các lĩnh vực thích hợp như chip điện cho xe điện. Số khác vẫn đang vật lộn kết hợp các công cụ khác nhau để tạo ra các thiết kế toàn diện hơn cho mạch tích hợp thế hệ tiếp theo.

Theo nghiên cứu của Goldman Sachs, ngành EDA của Trung Quốc sẽ cần chi 9 tỷ USD cho hoạt động R&D mỗi năm — gấp 29 lần so với số tiền chi vào năm 2023 — trong 10 năm tới để bắt kịp các nước dẫn đầu toàn cầu. Jimmy Goodrich, cố vấn cấp cao về phân tích công nghệ của Tập đoàn Rand, cho biết ngành EDA của Trung Quốc đang gặp khó khăn do không thể cung cấp các công cụ phần mềm phát triển các loại chip tiên tiến. Các công cụ của Mỹ dành cho các loại chip ít phức tạp hơn vẫn có sẵn cho các công ty Trung Quốc.

Được biết, các khoản trợ cấp của Trung Quốc dành cho những công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn của nước này đã tăng đáng kể vào năm 2023, khi Bắc Kinh nỗ lực thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp về công nghệ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ. Dựa trên báo cáo tài chính của 25 công ty bán dẫn hàng đầu Trung Quốc, tờ SCMP cho biết khoản hỗ trợ của nhà nước cho các công ty này lên tới 20,53 tỷ nhân dân tệ (2,87 tỷ USD) vào năm ngoái, tăng 35% so với năm 2022.

Trong đó, gã khổng lồ công nghệ Huawei nhận được nhiều trợ cấp nhất từ chính phủ với 7,3 tỷ nhân dân tệ (1,02 tỷ USD) vào năm 2023, so với 6,5 tỷ nhân dân tệ (0,91 tỷ USD) vào năm 2022 và 2,6 tỷ nhân dân tệ (0,36 tỷ USD) vào năm 2021. Nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD, sở hữu một xưởng đúc chip ô tô, thì nhận được 4,6 tỷ nhân dân tệ (0,64 tỷ USD) tiền trợ cấp vào năm 2023, tăng 176% so với năm trước đó.

Theo: SCMP, Financial Times 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Trung Quốc thua đau Mỹ trong một lĩnh vực: 80% thị trường trong nước bị chiếm lĩnh bởi hàng Mỹ, đồ ‘cây nhà lá vườn’ chỉ góp 2% thị phần toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO