Trung Quốc "ồ ạt" rót vốn đầu tư vào Việt Nam, ẩm thực cũng làm mưa làm gió thị trường F&B: Cà phê ớt, lạp xưởng nướng đá, trà chanh giã tay cho đến Mixue, Haidilao đều 'nóng rẫy'

Tri Túc | 11:10 23/02/2024

Sự trào lưu nóng nhất ngành F&B diễn ra trong bối cảnh dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc tăng rất mạnh tại thị trường Việt Nam năm 2023. Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới

Trung Quốc "ồ ạt" rót vốn đầu tư vào Việt Nam, ẩm thực cũng làm mưa làm gió thị trường F&B: Cà phê ớt, lạp xưởng nướng đá, trà chanh giã tay cho đến Mixue, Haidilao đều 'nóng rẫy'

Thời gian gần đây, ẩm thực đường phố cho giới trẻ Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM… tương đối đa dạng và thay đổi chóng mặt. Ghi nhận, lạp xưởng nướng đá hay còn gọi xúc xích Hà Khẩu đang thành “trend” ẩm thực mới sau trà chanh giã tay hay trà sữa nướng Vân Nam.

Đáng chú ý, hầu hết trào lưu mới đều xuất phát từ Trung Quốc. Đơn cử, món trà chanh giã tay từng “làm mưa làm gió” các nền tảng xã hội bắt nguồn từ Trung Quốc, phần chính của món trà chanh giã tay là nằm ở nguyên liệu là loại chanh có xuất xứ từ Quảng Đông. Tương tự, “ngôi sao” mới lạp xưởng nướng đá cũng được cho là có nguồn gốc từ Hà Khẩu (Trung Quốc).

Thậm chí, nhiều tín đồ ăn vặt trẻ ở Việt Nam đang rủ rỉ tai nhau về món nước khá lạ đang dậy sóng ở quốc gia láng giềng này là cà phê ớt. Nhiều hàng quán cà phê trong nước cũng bắt đầu tìm hiểu và sẵn sàng “đú trend” nếu hợp khẩu vị khách hàng.

tra-chanh.jpeg
Ảnh: món trà chanh giã tay từng “làm mưa làm gió” các nền tảng xã hội bắt nguồn từ Trung Quốc.

Tại phân khúc nhà hàng, từ lâu ẩm thực truyền thống Trung Hoa đã sớm gia nhập ngành F&B Việt và có chỗ đứng nhất định, có thể gọi tên Dimsum, lẩu HongKong, Hailidao…

Hay thương hiệu trà sữa Mixue chỉ trong thời gian ngắn đã “phủ sóng” thị trường và hút khách, thay đổi nhận thức về sản phẩm, giá cả cũng như giá trị gia tăng cho khách hàng trong ngành trà sữa Việt Nam.

Dưới góc nhìn người trong cuộc, làn sóng ẩm thực Trung Hoa có thể đánh giá là bắt nguồn từ tư duy "hàng Trung Quốc nội địa có chất lượng tốt". Các thương hiệu, sản phẩm đã được khẳng định tại thị trường nội địa Trung, từ đó gây tính tò mò trải nghiệm và sử dụng. Không thể phủ nhận sản phẩm ẩm thực từ các doanh nghiệp Trung Quốc có giá thành hợp lý, dễ tiếp cận và hợp khẩu vị người Việt. Đồng thời, người tiêu dùng cũng dần quên đi nỗi lo nguồn gốc thực phẩm tới từ Trung Quốc, do tư duy an tâm khi sử dụng sản phẩm nội địa Trung.

Ở khía cạnh kinh doanh, nhiều người cho rằng làn sóng này đang giúp thị trường F&B thêm tính đa dạng, và gia tăng trải nghiệm trên cùng một mức giá.

Sự trào lưu nóng nhất ngành F&B diễn ra trong bối cảnh dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc tăng rất mạnh tại thị trường Việt Nam năm 2023.

tq.png
Ảnh: thống kê của Cục đầu tư nước ngoài.

Theo thống kê của Cục đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/1/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới, chiếm gần 19%.

Trung Quốc hiện là đối tác đầu tư đứng thứ 6 trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký luỹ kế vào hiệu lực đến hết năm 2023 là gần 27,479 tỷ USD. Chỉ riêng trong năm 2023, tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam đạt 4,47 tỷ USD, đứng thứ 4 trong tổng số nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam xét trên vốn đăng ký.

Sự hiện diện của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam ngày càng rõ nét và phủ sóng ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngoài những lĩnh vực quen thuộc như nhà hàng, khách sạn, hàng tiêu dùng, trong thời gian qua, các nhà đầu tư Trung Quốc còn mở rộng sang các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo khác như điện tử, sản xuất lôp, dệt may, da giày, điện…

Đơn cử như trong năm 2023, Tập đoàn sản xuất tấm quang năng Jinko Solar Holding của Trung Quốc đã rót 1,5 tỷ USD đầu tư vào dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện tại Quảng Ninh. Hay như Tập đoàn Runergy xây nhà máy vật liệu bán dẫn 293 triệu USD ở Nghệ An. Tập đoàn BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc, cũng đã đầu tư 269 triệu USD vào dự án về linh kiện ô tô tại tỉnh Phú Thọ.

Tờ SCMP nhận định, chi phí sản xuất trong nước ngày càng tăng cũng như làn sóng dịch chuyển "Trung Quốc +1” và căng thẳng địa chính trị là những yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ngày càng nhiều vào Việt Nam.


(0) Bình luận
Trung Quốc "ồ ạt" rót vốn đầu tư vào Việt Nam, ẩm thực cũng làm mưa làm gió thị trường F&B: Cà phê ớt, lạp xưởng nướng đá, trà chanh giã tay cho đến Mixue, Haidilao đều 'nóng rẫy'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO