Việc tái chế dầu ăn từ những nồi lẩu của Trung Quốc thành dầu diesel - nhiên liệu quan trọng của máy bay đã không còn lạ lẫm trên thế giới. Một thống kê đã chỉ ra rằng 12.000 tấn dầu thừa là lượng dầu ăn được thải ra mỗi tháng tại thành phố Thành Đô - thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Còn trên khắp cả nước Trung Quốc, trong cả năm, con số này có thể lên tới hàng chục triệu tấn dầu mỡ thừa. Điểm đến của chỗ dầu thừa này chính là những chiếc máy bay và Trung Quốc thật sự đã biến khối lượng dầu này hái ra tiền.
Tháng trước, xuất khẩu dầu ăn đã qua sử dụng (used cooking oil - UCO) của Trung Quốc sang Singapore đã tăng lên mức kỷ lục do nhu cầu từ nhà máy lọc nhiên liệu Neste Oyi tăng cao. Cụ thể xuất khẩu UCO đã tăng lên 48.832 tấn, tăng 18% so với tháng 4 và gần gấp đôi so với lượng xuất khẩu cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu Hải quan Trung Quốc.
Sự gia tăng chủ yếu là do nhà máy lọc dầu của công ty Phần Lan đã hoàn thành việc mở rộng quy mô trong năm nay. Theo Neste, cơ sở này là nhà máy lọc dầu diesel tái tạo lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững lớn nhất.
Nhu cầu về nhiên liệu máy bay và dầu diesel xanh đang tăng lên khi các Chính phủ và ngành công nghiệp tìm cách khử cacbon. Trung Quốc đã xuất khẩu kỷ lục 1,58 triệu tấn UCO vào năm 2022, trong khi xuất khẩu từ Malaysia và Indonesia cũng đang tăng mạnh.
Lượng hàng hóa đến Singapore tăng vọt khi các nhà sản xuất dầu diesel sinh học của Trung Quốc cam kết cải thiện việc tuân thủ các tiêu chuẩn xuất khẩu sau khi các đối thủ châu Âu kêu gọi hành động để ngăn chặn các lô hàng có khả năng gian lận. Doanh số bán metyl este của Trung Quốc - một nguyên liệu cho dầu diesel sinh học được sản xuất từ UCO sang châu Âu đã tăng mạnh. Tuy nhiên có những sự hoài nghi rằng nhiên liệu có thể bị trộn lẫn và dán nhãn sai.
Dữ liệu hải quan cho thấy tổng xuất khẩu dầu ăn đã qua sử dụng của Trung Quốc đã tăng 9% trong tháng 5 so với một tháng trước đó lên 151.428 tấn. Các chuyến hàng đến Mỹ tăng 46%. Doanh số bán hàng sang Singapore và Mỹ chiếm hơn 70% xuất khẩu của Trung Quốc, phần lớn còn lại là sang châu Âu.
Hầu hết UCO của Trung Quốc xuất khẩu sang Singapore và Mỹ sẽ được sử dụng để sản xuất dầu thực vật hydro hóa, được công nhận là dầu diesel sinh học thế hệ thứ hai.
Trung Quốc tiêu thụ nhiều dầu ăn nhất thế giới với hơn 41 triệu tấn mỗi năm. Trong số này có chưa tới 3 triệu tấn được chế biến thành dầu sinh học. Từ chỗ tốn kém trong xử lý dầu thải, việc sử dụng dầu thải làm nguyên liệu chế biến thành dầu sinh học phục vụ cho máy bay đã mở ra một triển vọng rất lớn cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
Dự báo nhu cầu nhiên liệu bay bền vững cần cung cấp đạt khoảng 450 tỷ lít/năm vào năm 2050, gấp 1.500 con số hiện nay", ông Philip Goh, Phó Chủ tịch vùng châu Á - Thái Bình Dương, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), cho biết.
Theo Bloomberg, FT