Công ty cho vay tiền số khổng lồ Genesis Global Trading vừa sa thải 30% nhân sự và nguồn tin cho biết họ đang cân nhắc việc nộp hồ sơ xin phá sản. Đây là sự rối loạn tài chính mới nhất diễn tại công ty cho vay tiền số này.
Việc sa thải không phải chỉ ở một phòng nào mà sẽ trải rộng khắp các phòng ban ở công ty. Genesis hiện còn khoảng 145 nhân viên sau đợt sa thải lần này.
Genesis hiện đang bàn bạc với ngân hang đầu tư Moelis & Co để xem xét các lựa chọn trong tương lai gồm cả tiềm năng nộp đơn xin phá sản theo chương 11.
Một người phát ngôn của Genesis nói rằng công ty hiện đang làm việc với các bên tư vấn để “duy trì các tài khoản của khách hàng và đưa doanh nghiệp tiến lên phía trước”.
Công ty cho vay tiền số này trở thành doanh nghiệp mới nhất gặp khó khăn trong việc duy trì sự sống. Năm ngoái đánh dấu việc loạt các doanh nghiệp trong lĩnh vực tiền số phá sản khi FED tăng lãi suất, ngăn chặn các hoạt động đầu cơ. Hiện tại, FED đang úp mở về việc tiếp tục nâng lãi suất và các nhà đầu tư cho rằng lĩnh vực tiền số sẽ còn gánh chịu những nỗi đau hơn nữa.
Genesis đã chứng kiến thua lỗ nặng từ những khoản vay mà họ cung cấp cho những công ty hoạt động kém hiệu quả như Alameda Research và quỹ đầu cơ tiền số Three Arrows Capital. Cả Alameda và Three Arrows đều đã nộp đơn xin phá sản vào năm ngoái.
“Khi tiếp tục gặp những thách thức chưa từng có, Genesis đã phải đưa ra quyết định khó khăn để giảm lực lượng nhân sự toàn cầu. Những biện pháp này là một phần trong những nỗ lực tiếp theo của chúng tôi để đưa doanh nghiệp tiến lên phía trước”.
Mùa hè năm ngoái, Genesis cắt giảm 20% trong tổng số 260 nhân sự và lãnh đạo công ty Michael Moro đã từ chức.
Khoảng giữa tháng 11/2022, Genesis tuyên bố tạm dừng hoạt động rút tiền. Tuy nhiên, CEO tạm thời khi ấy là Derar Islim khẳng định công ty vẫn đang “hoạt động hết công suất”.
Vấn đề bắt đầu nổi lên sau khi Genesis liên quan tới vụ phá sản của quỹ Three Arrows Capital. Genesis là chủ nợ lớn nhất liên quan tới vụ phá sản này. Genesis nói vào tháng 10, trước vụ sụp đổ của FTX rằng lượng cho vay của họ đã giảm 80% trong quý 3.
“Genesis Global Capital – hoạt động cho vay của Genesis đã phải đưa ra quyết định khó khăn khi tạm thời chặn việc rút tiền và phát hành những khoản vay mới. Quyết định này được đưa ra nhằm phản hồi lại với sự trục trặc của thị trường và sự mất niềm tiên vào thị trường sau cú sụp đổ của FTX. Điều này ảnh hưởng tới mảng cho vay tại Genesis và không ảnh hưởng tới mảng giao dịch và quản lý tài sản.
Những khó khăn của Genesis trong bối cảnh khủng hoảng tiền số lan rộng hiện còn hướng sự chú ý không mong muốn nhắm vào Barry Silbert – người đàn ông đang nắm giữ “ngai vàng” đế chế Digital Currency Group (DCG).
Silbert vốn là người khá kín tiếng, ông hiếm khi phỏng vấn báo chí hay nói tại những hội nghị về tiền số trong ngành. Ông thành lập nên DCG vào năm 2015. Năm ngoái, giá trị của DCG đã đạt 10 tỷ USD sau khi bán ra 700 triệu mà các nhà đầu tư dẫn đầu là Softbank. DCG có 66 nhân viên tính tới đầu tháng 11 và có hơn 200 công ty trong danh mục.
Độ phủ của DCG rất lớn: Ngoài công ty cho vay Genesis, họ cũng kiểm soát công ty quản lý tài sản Grayscale Investment – cung cấp quỹ tiền số lớn nhất thế giới. DCG cũng là công ty mẹ của nhà cung cấp dịch vụ đào tiền số Foundry Digital, chủ quản của tờ Coidesk và sàn giao dịch Luno. DCG từ chối yêu cầu phỏng vấn từ Bloomberg.
Trong lĩnh vực tiền số, DCG khá nổi tiếng. Danh mục của công ty này qua các năm gồm mọi thứ từ các sàn giao dịch như Coinbase tới nhà sản xuất phần cứng Ledger đến ngân hàng tập trung vào tiền số Silvergate.
“Họ có một thỏa thuận khá lớn trong lĩnh vực tiền số”, theo Wilfired Daye – CEO của Securitize Capital – công ty quản lý tài sản kỹ thuật số. “Họ hiện diện ở khắp mọi nơi”.
Nguồn: WSJ