"Tranh thủ" thị trường sụt giảm, khối ngoại lập kỷ lục mua ròng gần 17.000 tỷ đồng trong tháng 11

Phương Linh | 07:07 01/12/2022

Giá trị giao dịch ròng luỹ kế trong 11 tháng đầu năm 2022 của khối ngoại đảo chiều sang mua ròng 15.904 tỷ đồng

"Tranh thủ" thị trường sụt giảm, khối ngoại lập kỷ lục mua ròng gần 17.000 tỷ đồng trong tháng 11

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có một tháng giao dịch tương đối khởi sắc. Sau nửa đầu tháng 11 ghi nhận những rung lắc mạnh, chỉ số VN-Index chạm sát vùng 910 điểm và quay đầu hồi phục, 5 phiên cuối tháng chứng kiến chỉ số chính tăng tốc để về đích tại mức điểm cao nhất tháng nhờ lực cầu bắt đáy được kích hoạt. Kết phiên 30/11, VN-Index đạt 1.048,42 điểm, tương ứng tăng 20,48 điểm (2%). Thậm chí, nếu so với vùng đáy tháng 911,9 điểm (phiên 15/11) thì chỉ số chính của TTCK Việt Nam đã bật tăng tới gần 137 điểm chỉ trong vòng nửa cuối tháng 11.

Sự phục hồi của thị trường có đóng góp không nhỏ từ dòng vốn ngoại khi họ có tháng mua ròng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây, tổng giá trị mua ròng trong tháng 11 trên toàn thị trường đạt 16.911 tỷ đồng.

Con số này chỉ thấp hơn đôi chút so với mức mua ròng hơn 22.800 tỷ đồng hồi tháng 5/2018. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng lượng mua ròng hồi tháng 5 của 4 năm về trước được đóng góp bởi giao dịch thoả thuận đột biến 28.548 tỷ đồng tại mã chứng khoán Vinhomes (VHM). Nếu loại bỏ thì giao dịch này thì khối ngoại tháng đó vẫn ghi nhận trạng thái bán ròng.

Trở lại với tháng 11/2022, nhà đầu tư ngoại mua ròng 15.906 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh - kỷ lục chưa từng có trong lịch sử hoạt động của TTCK Việt Nam; cộng thêm mua ròng hơn 1.005 tỷ thoả thuận.

Nếu xét theo từng sàn, khối ngoại mua ròng 15.975 tỷ đồng trên HoSE, mua ròng 780 tỷ đồng trên HNX và rót ròng 156 tỷ đồng trên UPCoM.

Tính chung từ đầu năm, sau tháng mua ròng kỷ lục, giá trị giao dịch ròng luỹ kế trong 11 tháng đầu năm 2022 của khối ngoại lại đảo chiều sang mua ròng 15.904 tỷ đồng; trước đó 10 tháng đầu năm vừa ghi nhận bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng. Cụ thể, trong vòng 11 tháng nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 17.907 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh trong khi bán ròng hơn 2.000 tỷ đồng trên kênh thoả thuận.

Xét riêng theo từng mã cổ phiếu trong tháng 11, dòng tiền ngoại ghi nhận lực mua ròng mạnh nhất tại cổ phiếu VHM, giá trị mua ròng đạt 1.727 tỷ đồng. Cổ phiếu này theo xu hướng chung của thị trường, tăng mạnh từ vùng đáy 19 tháng hồi giữa tháng, hiện đã đạt 54.500 đồng/cp, tương ứng lấy lại gần 26% sau khoảng 19 phiên giao dịch.

Tương tự, lực mua ròng của khối ngoại còn tập trung mạnh tại cổ phiếu STB và KDH, giá trị lần lượt đạt 1.320 tỷ và 1.171 tỷ đồng. Hai cổ phiếu này trong nửa cuối tháng 11 cũng vận động tương đối khởi sắc, thị giá đã tăng lần lượt 32% và 44% so với cùng đáy giá tháng. Trong khi đó, giá trị mua ròng trên 1.000 tỷ cũng được ghi nhận tại cổ phiếu HPG (1.096 tỷ), SSI (1.045 tỷ) và MSN (1.003 tỷ). Khối ngoại còn mua ròng hơn 915 tỷ đồng tại chứng chỉ quỹ FUEVFVND, 841 tỷ đồng tại VIC và 745 tỷ đồng tại CTG.

Ngược lại, cổ phiếu bất động sản HPX ghi nhận mức bán ròng mạnh nhất của khối ngoại trong tháng 11 vừa qua, giá trị đạt 327 tỷ đồng. Cổ phiếu này vừa có phiên 30/11 hồi phục với thanh khoản kỷ lục sau quãng 13 phiên nằm sàn liên tiếp. Thị giá HPX hiện đạt 9.100 đồng/cp, thấp hơn gần 65% so với thời điểm trước khi lao dốc cách đây một tháng.

Các mã cổ phiếu bất động sản khác như NVL, DXG cũng đứng vị trí cao trong danh sách rút ròng của khối ngoại trong tháng 11 với giá trị lần lượt đạt 141 tỷ đồng và 137 tỷ đồng. Một số mã KDC, SAB, FTS hay các chứng chỉ quỹ FUESSV50, FUEMAV30, E1VFVN30 cũng bị bán ròng vài chục tỷ trong tháng vừa qua.

Tính chung 11 tháng đầu năm, top 3 cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất gọi tên STB (3.300 tỷ đồng), FUEVFVND (3.146 tỷ đồng) và DGC (2.429 tỷ đồng). Ở phía bên bán, HPG vẫn là cái tên chịu áp lực bán ròng mạnh nhất từ đầu năm, giá trị hiện đạt 5.703 tỷ đồng, NVL cũng bị bán ròng 3.876 tỷ đồng hay VIC bị xả ròng 3.757 tỷ đồng....

Có nhiều nguyên nhân khiến khối ngoại giải ngân mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây. Không thể không nhắc đến động lực mạnh từ dòng vốn của các quỹ ETF. VNM ETF tháng 11 hút ròng 34 triệu USD, luỹ lế 11 tháng hút ròng 5 triệu USD; tương tự FTSE Vietnam ETF hút ròng lần lượt 16 triệu USD và 29 triệu USD trong tháng 11 và 11 tháng đầu năm.

Đặc biệt tại Fubon FTSE Vietnam ETF, giá trị dòng tiền vào đã lên đến 133 triệu USD (~3.300 tỷ đồng) trong tháng 11. Mới đây, Fubon đã được Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài chính thông qua đợt huy động vốn bổ sung lần thứ 4 với số vốn 5 tỷ TWD (~160 triệu USD), tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hàng nghìn tỷ cũng đổ vào TTCK thông qua các quỹ ETF như DCVFM VN30, DCVFM VNDiamond hay SSIAM VNFinlead...

Ngoài ra, chỉ số Dollar-Index hạ nhiệt từ đỉnh và thị trường chứng khoán toàn cầu hồi phục mạnh cũng kịch hoạt đà mua ròng khối ngoại. Nếu xu hướng mua ròng của khối ngoại được duy trì, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự khởi sắc hơn nữa của thị trường trong tháng cuối năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
"Tranh thủ" thị trường sụt giảm, khối ngoại lập kỷ lục mua ròng gần 17.000 tỷ đồng trong tháng 11
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO