Theo đó, Bí thư Nguyễn Văn Nên làm tổ trưởng giám sát các dự án: Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), chống ngập 10.000 tỉ đồng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên.
Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu làm chủ trì giám sát các dự án: 4 tuyến đường chính, hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; nút giao An Phú, mở rộng xa lộ Hà Nội, đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - quốc lộ 1.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy làm tổ trưởng giám sát các dự án: Kênh Hàng Bàng, nâng cấp Tỉnh lộ 8, rạch Xuyên Tâm, cầu Long Kiểng, và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3.
Một số dự án khác như dự án vệ sinh môi trường TP (giai đoạn 2), quốc lộ 50, nạo vét rạch Xóm Củi, cầu Rạch Đỉa; Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), Vành đai 3, đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến Vành đai 2... cũng được các thành viên Thường trực Thành ủy và các ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy làm tổ trưởng giám sát.
Các tổ sẽ kiểm tra, đôn đốc việc bố trí vốn và kế hoạch năm 2023, nhu cầu vốn bổ sung và các năm tiếp theo với dự án đầu tư công; giám sát tiến độ giải ngân và công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời bàn giao mặt bằng; chỉ đạo tháo gỡ hoặc đề xuất giải pháp khắc phục vướng mắc ở từng công trình.
Được biết, quý 1/2023, kinh tế Tp.HCM chỉ tăng trưởng 0,7%, thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Đây là điều chưa từng xảy ra với thành phố vốn là đầu tàu tăng trưởng của cả nước. Trong nhiều nguyên khiến cho tăng trưởng thấp thì việc Tp.HCM chỉ giải ngân có 4% trong quí 1 cũng là một nguyên nhân quan trọng. Do đó, thành phố đang tập trung nhiều giải pháp để quyết cải thiện con số này.
Theo Kho bạc Nhà nước Tp.HCM, đến ngày 31/3, tổng số vốn giải ngân của TP là 1.608 tỷ đồng, đạt 4% so với kế hoạch vốn đã được UBND TP giao năm 2023 và kế hoạch vốn đầu tư nguồn nhân sách Trung ương.
Giải ngân đầu tư công được xem là một trong 3 trụ cột để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cùng với giải quyết vướng mắc để hấp thụ vốn và phát triển thị trường nội địa.
Năm nay, Tp.HCM được Chính phủ giao vốn ngân sách khoảng 70.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2022. Đây được xem là thách thức lớn đối với thành phố và nếu không quyết tâm, có những giải pháp cụ thể thì rất khó để hoàn thành nhiệm vụ.
Sở dĩ vốn đầu tư công năm nay lớn là bởi thành phố hiện đang thực hiện dự án rất lớn là Vành đai 3 Tp.HCM. Dự án trọng điểm này dự kiến sẽ khởi công vào tháng 6 năm nay và muốn thế công tác giải phóng mặt bằng dự án đến thời điểm đó phải đạt khoảng 80%. Cho nên, chắc chắn thời gian tới, con số giải ngân đầu tư công sẽ tăng rất nhanh.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết, thành phố sẽ tập trung giải quyết tháo gỡ vướng mắc các dự án, để dự án chạy, dòng vốn đổ vào, tạo ra công ăn việc làm, tạo khí thế mới cho thành phố. Đặc biệt, để thúc giải ngân đầu tư công, sắp tới, lãnh đạo TP.HCM sẽ thường xuyên đi kiểm tra thực tế tại các công trình, dự án để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.